| Hotline: 0983.970.780

Những tấm lòng chan chứa tình người

Thứ Bảy 01/09/2012 , 08:08 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, ở tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều tấm gương làm việc thiện rất “bình dị mà cao quý”...

Bác Út Nhẹ tại bếp ăn từ thiện
Trong những năm gần đây, ở tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều tấm gương làm việc thiện rất “bình dị mà cao quý” như: Hiến đất xây trường, làm cầu-đường giao thông, làm nghĩa địa nhân dân (miễn phí), đóng góp công sức-tiền của giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, phẫu thuật tim, mắt… cho những bệnh nhân nghèo, mua xe chuyển viện miễn phí, xây lò hỏa táng, hiến xác cho Trường Đại học Y dược... Và, trong những việc làm nghĩa cử đó, đáng nhắc tới những người thành lập "Tổ từ thiện" cấp cơm-cháo-nước miễn phí cho sinh viên-học sinh nghèo và các bệnh nhân nằm viện

Có dịp trò chuyện với các thành viên Tổ từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí, chúng tôi mới hiểu được những tấm lòng nhân ái tràn đầy nghĩa tình của bà con hảo tâm và các “mạnh thường quân” đối với những bệnh nhân nghèo đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp.

Ông Đặng Văn Nhẹ - Trưởng Ban điều hành Tổ từ thiện cho biết: “Tổ từ thiện này được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 2/2007. Lúc đầu, cơ sở vật chất chẳng có gì, nguồn nhân lực rất khiêm tốn... Chúng tôi phải đi vận động các nhà hảo tâm bớt một phần lương thực và một ít tiền để làm việc thiện nên được nhiều bà con đồng tình ủng hộ. Các thành viên đến Tổ từ thiện tự nguyện đem theo gạo, mùng, mền, chiếu, gối… để làm việc thiện. Thầy Thích Thiện Xuân còn giúp cho Tổ 10 chiếc giường sắt, cô Hữu Tâm, chị Út Phố ở thành phố Cao Lãnh giúp 500kg gạo…".

Đến nay, toàn Tổ đã có hàng trăm nhà hảo tâm và mạnh thường quân thường xuyên đóng góp tiền, gạo, củi, gia vị… Nhiều cơ sở và cá nhân trợ giúp thường xuyên từ một giạ gạo đến hàng trăm ngàn đồng trong 1 tháng! Và có hơn 500 người tự nguyện vào Tổ luân phiên nhau nấu cơm, cháo, nước… phục vụ cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp”

Chính tấm lòng nhân ái của bác út Nhẹ là chất men khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau, thu hút nhiều nhà hảo tâm tham gia xây dựng Tổ từ thiện Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Ở Tổ được bác út cho mở sổ thu - chi công khai hàng ngày và có quyết toán, báo cáo cụ thể hàng tháng, quý… với ban giám đốc bệnh viện và UBMTTQ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Hiện nay, toàn Tổ có trên 500 tình nguyện viên phục vụ, chia thành 21 tiểu tổ. Quê mỗi người ở một nơi, hầu hết là người dân trong tỉnh.

Song, họ cùng chung một ý nghĩa là làm việc thiện! Mỗi tiểu tổ có trên 20 người trực một tuần, với nhiệm vụ chẻ củi, nấu cơm, cháo, nước… phục vụ cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một thành viên tình nguyện ở xã An Phong, huyện Thanh Bình bày tỏ suy nghĩ của mình khi tham gia Tổ từ thiện: “Tôi tới lui bệnh viện, thấy cô bác bệnh nhân nghèo nằm điều trị, khổ quá. Do đó, tôi gác chuyện gia đình một bên để đến Tổ từ thiện nấu cơm, cháo, nước… giúp đỡ cho cô bác no cơm, ấm áo, mong mọi người chóng mạnh giỏi về nhà…”

Để có được một chén cơm, bát cháo, ly nước ấm áp nghĩa tình, mỗi thành viên Tổ từ thiện phải thức dậy từ 2 giờ sáng mỗi ngày. Trong khi mọi người còn đang an giấc, thì bếp lò của Tổ từ thiện Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã nổi lửa, đến 4 giờ sáng là đã có cháo và nước nóng cho bệnh nhân. Sau đó, các thành viên lại chuẩn bị nấu cơm, làm thức ăn cho bữa cơm trưa. Và bữa cơm chiều cũng được phục vụ bệnh nhân đúng 16 giờ…

Cứ như thế, mỗi người trong Tổ đều làm việc rất tận tâm, nhịp nhàng và vui vẻ. Hằng ngày, Tổ từ thiện cung cấp trên 2.500 lít nước sôi, 500 kg gạo để nấu cơm, cháo và 2.000 phần thức ăn. Những bữa ăn đạm bạc với canh, rau, tương, chao, tàu hủ… nhưng rất chan chứa tình nghĩa đồng bào và thực sự đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo khổ, khó khăn, an tâm điều trị. Bà Trần Thị Hai, trên 60 tuổi, vừa nhận phần cơm và bình nước do những thành viên Tổ từ thiện phục vụ đã xúc động nói: “Tôi ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò đang nuôi đứa con gái bị bệnh điều trị ở đây. Nhờ sự giúp đỡ của Tổ từ thiện nấu cơm, cháo, nước phục vụ cũng đỡ phần khó khăn cho tôi đến nuôi con. Tôi rất cám ơn!”. Còn ông Trần Văn Khênh (65 tuổi), vừa nhận được một suất cơm, canh bày tỏ: “Quê tôi ở Tri Tôn-An Giang, nuôi chị tôi đã 70 tuổi bị bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp hơn một tuần nay. Nhờ Tổ từ thiện cấp cơm, cháo nên tôi đã bớt đi nhiều khó khăn”...

Rõ ràng, nhờ có Tổ từ thiện này, đã góp phần giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo vơi bớt chút lo toan và đỡ phần vất vả với miếng ăn, thức uống hàng ngày. Việc làm của Tổ từ thiện vừa thiết thực trợ giúp những bệnh nhân nghèo, vừa góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp sạch, đẹp!

Rất ít nói về bản thân, nhưng các thành viên trong Tổ từ thiện luôn nhắc đến những tấm lòng hảo tâm của bà con xa gần đã ủng hộ, trợ giúp cho hoạt động của Tổ. Người tặng gạo, lúa; người giúp tiền, chất đốt; người giúp gia vị, nguyên liệu chế biến thức ăn… tất cả được ghi vào Sổ vàng tri ân cẩn thận.

Điển hình như: Nhà hảo tâm Trang Thế Đức và thân nhân Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 20 triệu đồng để góp phần mua xe chuyển bệnh nhân, bà Nguyễn Thị Miều cũng ở thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 19 triệu đồng, chị Lý Thị Khéo, Đặng Thanh Thủy cùng ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ủng hộ 11 triệu đồng; tiệm thuốc tây Duy Anh ở thành phố Cao Lãnh giúp thường xuyên 20 lít xăng/tháng, gara Nguyễn Trung ở thành phố Cao Lãnh sửa chữa-nâng cấp xe tải, xe chuyển viện cho Tổ từ thiện miễn phí và còn nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ tiền của, vật chất… cho Tổ từ thiện. Tính từ tháng 2/2007 đến giữa năm 2012, được sự hỗ trợ-giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh nhiệt tình đóng góp vật lực và công sức với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng và hàng ngàn tấn gạo... Từ đó, đã giảm bớt một phần khó khăn cho những bệnh nhân nghèo khi nằm viện, giúp người bệnh vơi đi nỗi lo lắng, an tâm chữa trị sớm phục hồi sức khỏe.


Nhận cơm từ thiện

Nhiều người lúc xuất viện không quên đến Tổ từ thiện nói lời cám ơn tha thiết. Có lẽ, những điều đó là niềm vui, là phần thưởng lớn nhất đối với những người làm công việc từ thiện ở đây. Hàng ngày, mỗi thành viên trong Tổ vẫn lặng lẽ, chu đáo trong từng bữa ăn cho bệnh nhân. Và các thành viên trong Tổ vẫn mong mỏi có thêm những tấm lòng hảo tâm đóng góp để thêm nhiều suất cơm, bát cháo, bình nước ấm áp, chan chứa nghĩa tình. Ông út Nhẹ tâm sự: “Đề nghị của chúng tôi đã được UBND-UBMTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất thành lập "Bếp ăn tình thương" khuyến học miễn phí cho sinh viên nghèo Trường Đại học Đồng Tháp. Chỉ còn chờ UBND thành phố Cao Lãnh ra quyết định cấp đất là chúng tôi xây dựng bếp ăn ngay, nhằm giúp thế hệ trẻ không lo về cái ăn để có điều kiện an tâm học hành”

Với những hoạt động thiết thực nêu trên, Tổ Từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND, UBMTTQ và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp. Riêng ông Đặng Văn Nhẹ - Trưởng Ban điều hành Tổ Từ thiện đã được được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen với thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2009, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quốc…

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm