| Hotline: 0983.970.780

Tam Giang mùa suy kiệt

Thứ Năm 06/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

Chưa bao giờ tình trạng khai thác nguồn thủy sản bằng các phương tiện tận diệt lại diễn ra rầm rộ trên phá Tam Giang (TT-Huế) như hiện nay.

Nhiều vuông tôm cá của ngư dân bị “thủy tặc” tấn công, vơ vét hết thủy sản

Chưa bao giờ tình trạng khai thác nguồn thủy sản bằng các phương tiện tận diệt lại diễn ra rầm rộ trên phá Tam Giang (TT-Huế) như hiện nay. Trong khi hàng trăm vuông tôm, cá của ngư dân bị thủy tặc cướp cơm hàng ngày, việc trấn áp, truy bắt các đối tượng này còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Thủy tặc” lộng hành

Trở về vùng đầm phá Tam Giang qua các xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền, TT-Huế), nhiều nơi ngư dân không còn mặn mà với nghề đầm phá bởi sự ngang nhiên cướp phá của “thủy tặc” cùng các phương tiện khai thác tận diệt đã làm nguồn tôm cá tự nhiên trên đầm phá bị suy kiệt. Tại thôn Phước Lập của xã Quảng Phước, có khoảng 120 trộ chuôm của hàng chục ngư dân phải bỏ hoang vì “thủy tặc” tấn công, phá hỏng ngư cụ, vét sạch tôm cá.

Ông Trần Toàn, một hộ dân ở đây cho biết: “Chưa có năm mô mà vùng phá Tam Giang tôm cá ít như ri. Hiện nay đa số người dân các nơi khác đến khai thác bằng xung điện cực mạnh cộng với đò máy công suất lớn cào lươn, cào hến làm cho cá nhỏ, to đều không thể thoát. Tầng đáy của phá bị khuấy động, môi trường thay đổi làm cá tôm cứ thưa dần. Đặc biệt, có một đội quân các xã lân cận vào thời gian cao điểm từ 30-40 người, đi đò máy đuôi tôm dùng xung điện, ngang nhiên xông vào các chuôm, trộ sáo, ao hồ nuôi tôm cá của người dân bắt sạch. Chúng tôi phản ứng thì chúng tập trung chửi bới, thậm chí hành hung nên ai cũng phải làm ngơ để được yên thân”.

Theo ước tính của người dân, một trộ chuôm họ đầu tư cả triệu đồng tiền tre và các vật dụng khác. Nếu thuận lợi, một chuôm cũng thu được từ 4-5 triệu đồng tiền cá nâu, hanh. Nhưng vì “thủy tặc” cướp phá thường xuyên nên ngư dân không còn vốn, bỏ hoang trộ chuôm không làm nữa. Ông Hà Văn Dân, trưởng thôn Phước Lập cho hay, những đối tượng khai thác cá theo phương thức tận diệt, cướp phá tôm cá của người dân không phải là người của địa phương mà đến từ các xã Hương Phong, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), phường Phú Bình, Hương Sơ, Cồn Hến (TP.Huế). Các đối tượng này thường sử dụng đò máy có công suất lớn từ 24-28CV, tốc độ chạy rất nhanh nên rất khó truy đuổi. Đò máy đuôi tôm thường khai thác vào ban đêm, đi cả “đội quân” và thường mật báo cho nhau nên công tác truy đuổi, bắt giữ rất khó khăn.

Trên ghe của các đối tượng này trang bị 3 đến 4 bình ắc quy loại lớn, bộ kích điện với hiệu điện thế lên đến 400-500 vôn, phần lớn cá lớn nhỏ đều bị bắt hoặc không tái sinh được. Tại các xã Quảng An, Quảng Lợi, thị trấn Sịa, tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện, dùng thuyền công suất lớn cào lươn, hến cũng diễn ra rầm rộ. Nhiều nơi ngư dân bị mất vốn liếng vì “thủy tặc” ngang nhiên cướp miếng ăn của họ. Theo người dân ở khu vực này, “thủy tặc” thường hoạt động mạnh khi bước vào mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12), đây là thời gian tôm cá hồi sinh, các trộ chuôm cá tập trung nhiều.

Khó ngăn chặn triệt để

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trung, Trưởng Công an xã Quảng Phước cho hay: “Tình trạng các đối tượng sử dụng phương tiện khai thác tận diệt, bắt trộm tôm cá của người dân diễn ra nhiều năm nay. Nhiều lần chúng tôi đã phối hợp với công an, Phòng NN-PTNT tiến hành truy bắt, xử lý nhiều đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn thực trạng trên còn vướng mắc một số khó khăn nên chưa giải quyết triệt để được. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, nhất là phương tiện và thời gian khai thác. Nhiều đối tượng từ nơi khác đến khai thác trên địa bàn rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

+ Trước tình trạng khai thác “tận diệt” trên phá Tam Giang cũng như thực trạng “thủy tặc” lộng hành, UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo Chi cục KT&BVNLTS phối hợp với công an tỉnh và các địa phương liên quan hỗ trợ về lực lượng, phương tiện, nhằm tăng cường công tác tuần tra, truy bắt, ngăn chặn các đối tượng trên một cách kịp thời, có hiệu quả.

 

 

+ Điển hình của việc “thủy tặc” lộng hành là gần đây nhất, Đội Kiểm ngư thuộc Chi cục KT&BVNLTS tỉnh TT-Huế phát hiện hơn 50 cheo lừ được các đối tượng thả trái phép ở Khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm (xã Vinh Phú, huyện Phú Vang). Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm ngư tạm giữ tang vật là các ngư cụ vi phạm nói trên, thì có một nhóm thanh niên hàng chục người ở thôn Nghĩa Lập, xã Vinh Phú dùng vũ khí hăm dọa.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền, trong năm 2011 và đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã tiến hành hơn 20 đợt tuần tra, bắt được 26 vụ vi phạm với các hình thức khác nhau như cào lươn bằng thuyền máy, dùng kích điện cực mạnh và trộm tôm cá của ngư dân, xử phạt gần 30 triệu đồng, tịch thu hàng chục ghe thuyền cùng dụng cụ khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng An thừa nhận: “Việc ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép, trộm tôm cá của người dân rất khó khăn bởi địa phương thiếu lực lượng và phương tiện. Thực tế đã có nhiều lần các đối tượng chống trả, gây thương tích đối với các đồng chí trong chi hội nghề cá ở các thôn và Đội kiểm ngư thuộc Chi cục KT&BVNLTS tỉnh”.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS TT- Huế cho hay: “Những năm gần đây, đơn vị đã cố gắng nhiều, thông qua kết quả tiêu hủy số lượng ngư cụ cấm tịch thu được lẫn vụ việc xử lý, phạt tiền. Tuy nhiên, do đơn vị chỉ có 10 kiểm ngư viên cho toàn tỉnh, hoạt động cả trên biển, đầm phá, sông hồ nên chỉ hiện diện ở các điểm nóng, hiệu quả chưa cao”.

Theo ông Bình, giải pháp căn bản, có hiệu quả cho tình trạng khai thác tận diệt trên phá Tam Giang là cấp quyền khai thác thủy sản trên đầm phá cho các Chi hội Nghề cá khai thác lâu dài. Ở huyện Quảng Điền, sở dĩ tình trạng khai thác trái phép phổ biến là do các Chi hội Nghề cá được thành lập nhưng chưa được cấp thủy vực khai thác. Mặt khác, tỉnh TT-Huế cũng thành lập các Khu Bảo vệ thủy sản nghiêm ngặt, nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản. Hiện mới chỉ có 7 Chi hội nghề cá cơ sở được UBND tỉnh quyết định giao quản lý các khu bảo tồn quy mô nhỏ dựa và cộng đồng. Có 22 Chi hội Nghề cá được UBND các huyện cấp 20 quyền khai thác thủy sản trong các thủy vực đầm phá cụ thể. Việc cấp quyền khai thác trong các thủy vực nhằm để Hội Nghề cá chủ động khai thác thủy sản và tự quản, phối hợp với cơ quan nhà nước quản lý.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.