Ngày 5/7, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL.
Giá giảm sâu!
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: SX nông nghiệp tiếp tục phát triển nhưng tiêu thụ đang gặp khó khăn, giá thấp ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Tình hình diễn ra nhiều năm qua mang tính chu kỳ, nhưng năm nay nặng nề hơn, cạnh tranh gay gắt không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới.
Điểm lại 6 tháng đầu năm 2013, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: SXNN gặp khó khăn. Từ đầu năm dịch bệnh bùng phát, hạn hán gay gắt trên diện rộng ở miền Trung và Tây Nguyên, mặn xâm nhập sâu và sớm ở các tỉnh ĐBSCL.
Trong khi nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới giảm liên tục, cộng với sức mua trong nước giảm sút gây tồn kho, ứ đọng, kéo giá trong nước giảm thấp, nhất là các sản phẩm lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản. Xuất khẩu (XK) nông, thủy sản có xu hướng giảm sút so với năm 2012. Trong quý I/2013 kim ngạch XK nông sản giảm 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó gạo giảm 5,6%, thủy sản giảm 5,9%...
Nhìn vào nội lực ở vùng SX lúa gạo lớn nhất cả nước bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong tình hình lúa dư thừa, giảm giá, chọn giống lúa nào SX có lợi? Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ dẫn ra những con số: Vụ lúa ĐX vừa qua nông dân SX lúa chất lượng lãi 60%, lúa IR50404 lãi 38-44%, nhưng vụ HT 2013 lúa chất lượng cao lãi giảm còn 24-27%, nếu làm lúa IR50404 lãi chỉ 7-14%. Như vậy nếu tiếp tục SX giống lúa phẩm cấp gạo thấp sẽ không đạt hiệu quả.
Chi phí SX tăng cũng là bất cập lớn. Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói: “Hậu Giang là tỉnh cuối nguồn ở vùng nam sông Hậu, địa hình đất thấp. Sau mùa lũ nước rút chậm nên vào vụ lúa ĐX theo thời vụ chi phí vật tư đầu vào, bơm tưới tăng cao. Nông dân làm lúa bán giá thấp như hiện thời giống như “lấy lúa cũ đổi lúa mới”, khó khá giàu lên được".
Trên bình diện tổng thể, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phân tích: Ở ĐBSCL qui mô đất SX của nông hộ không nhiều. Nếu bình quân 1 ha/hộ SX lúa khó nâng cao đời sống, nhất là trong tình hình SX lúa, gạo gặp cạnh tranh, giá giảm thấp. Vừa qua, Long An thực hiện cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được 5.000 ha, nhưng khó mở rộng thêm, vì ít DN tham gia.
Ý kiến trên được nhiều địa phương đồng thuận, thừa nhận mô hình CĐML tại An Giang là thành công điển hình. DN đầu tư từ khâu đầu vào cung ứng vật tư nông nghiệp (phân, thuốc BVTV) đến khâu thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy, tồn trữ và chế biến XK. Song, lý do chưa nhân rộng mô hình có thể nhận ra.
SX lúa gạo theo hướng nâng cao thu nhập nông dân
Hàng năm, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam chiếm 70-80% tổng sản lượng XK gạo cả nước. Cho đến nay 2 DN trên vẫn đứng ngoài cuộc.
Giải quyết bài toán cá tra
Với ngành hàng cá tra từng chứng minh sức tăng trưởng mạnh mẽ và có lợi thế lớn. Tuy vậy trong mấy năm gần đây, nhất là từ đầu năm đến nay rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Người nuôi cá bán ra thấp hơn giá thành SX. Cá tra nguyên liệu lỗ từ 3.000 đồng/kg, cá giống lỗ trung bình 1.000 đồng/kg. Hộ nuôi cá tra riêng lẻ là đối tượng gặp khó khăn nhất: Mua thức ăn thủy sản tiền mặt, giá cao, trong khi đang thiếu vốn vì DN còn nợ tiền cá chưa trả.
Làm thế nào vực dậy ngành hàng cá tra thoát khỏi khủng hoảng, tạo chuyển biến trong SX và giá trị gia tăng trên thị trường XK? Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt vấn đề: Vì sao SX cá tra người nuôi nói lỗ nhưng sản lượng vẫn đạt cao? Nếu giảm sản lượng nuôi cá tra có thể đẩy giá bán trên thị trường thế giới tăng cao hơn không hay để có lãi có nên chọn hướng SX đến đâu bán đến đó?
Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) chua chát nói: Trong 6-7 năm qua sản lượng nuôi cá tra đã dư thừa, đứng ở mức khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Do thừa nên giá giảm. Dù chưa có tới 100 DN có nhà máy chế biến, nhưng có năm xuất hiện gần 400 DN thương mại đi chào hàng bán cá, cạnh tranh lẫn nhau.
Do đó, sắp tới Chính phủ cần xem xét có biện pháp chấn chỉnh và kiểm soát giảm sản lượng. Đây cũng là biện pháp kiểm soát môi trường vùng nuôi. Nếu cần giảm mạnh 30% sản lượng, tôi nghĩ giá cá sẽ không giảm nữa.
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Cty Hùng Cá (Đồng Tháp) bức xúc: Trong 7 năm từ khi thành lập DN tham gia chế biến XK, tôi nhận thấy hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Một số DN “nhảy vào” cạnh tranh làm tổn hại, phá thị trường bằng cách lạm dụng chất phụ gia, tăng tỷ lệ mạ băng và hậu quả như đã thấy: cá tra rớt giá. Chất lượng cá tra là yếu tố sống còn. Cá tra VN sẽ không chết. Tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp mạnh kiểm soát tỷ lệ mạ băng và hỗ trợ vốn cho người nuôi cá tra.
Các biện pháp cấp bách
Thị trường XK tôm đang có giá tốt, vùng nuôi đang khống chế giảm dịch bệnh là cơ hội cho người nuôi tôm. Nhưng hai mặt hàng lúa, gạo và cá tra cần có giải pháp chấn chỉnh cấp bách.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị các địa phương sớm tìm thị trường đầu ra cho việc chuyển sang trồng hoa màu, tổ chức SX phù hợp, không rập khuôn máy móc làm lúa 3 vụ. Mặt khác, Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm việc đầu tư thủy lợi, ĐBSCL đang rất cần để giải quyết cả hai mặt: Đáp ứng nhu cầu SX và nâng cao khả năng ứng phó trước biến đổi khí hậu.
Hiện nay nguồn cung lúa, gạo nội địa lớn. Trong khi gạo Việt Nam bị nhà nhập khẩu ép giá. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị giải pháp trước mắt là các DN phải chấm dứt các hình thức cạnh tranh không lành mạnh; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chủ động trong việc tham gia, xây dựng các chuỗi phân phối sản phẩm. Các DN cần phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó chống lại các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật bất hợp lý.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Tình hình lúa, gạo, cá tra giá thấp hiện nay chỉ là tạm thời. Trước mắt cần thực hiện tốt kế hoạch tạm trữ nhằm giữ giá, đảm bảo trồng lúa có lãi. Về dài hạn, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu SX.
Một trong những giải pháp đó là SX theo chiều rộng, hướng nông dân SX những cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao hơn. Ngành nông nghiệp sẽ rà soát vùng SX, không nhất thiết đất lúa chỉ trồng lúa mà mục tiêu nâng cao thu nhập đời sống nông dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Vừa qua gạo thơm từ giống lúa ST20 ở Sóc Trăng bán ra tại siêu thị Hà Nội giá 20.000 đồng/kg, tại TPHCM 18.000 đồng/kg. Còn giá XK 800 USD/tấn. Trong khi gạo IR50404 giá nội địa 9.000/kg, XK 300 USD/tấn. Chúng ta có thể hoàn toàn phát huy hiệu quả trồng lúa, nhưng bằng một cách khác, với giống lúa tốt chất lượng cao, có giá trị cao; thay đổi phương thức SX gắn kết DN xuống đồng với nông dân.
Ngành nông nghiệp sẽ triển khai việc nghiên cứu tìm ra giống lúa chất lượng cao hướng tới xây dựng thương hiệu. Đối với sản phẩm cá tra, cần khắc phục vấn đề tồn tại, người nuôi và DN cần nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Với con tôm thị trường đang tốt, nhưng không được lơ là, cần kiểm soát dịch bệnh, môi trường trên phạm vi rộng để mở rộng SX”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Về lâu dài, triển khai tạo chuyển biến căn bản trong việc thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp. Trên cơ sở đó quy hoạch lại sản xuất, cơ cấu mùa vụ cây trồng vật nuôi gắn với cung - cầu thị trường, nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các Bộ và địa phương quy hoạch SX theo từng giai đoạn, từng vùng, liên kết vùng và có dự báo thông tin thị trường. Tổ chức SX liên kết giữa các DN với nhau, giữa nông dân với nông dân và doanh nghiệp với nông dân, nhân rộng mô hình CĐML, tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp cá, tôm. Sắp tới, Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu SX.