| Hotline: 0983.970.780

Thẳm xa đảo Trần

Thứ Hai 22/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Xin mượn ý của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến để ngợi ca về họ. Những con người gan góc giữa trùng khơi. Những con người tung lưới ngang trời. Những con người xả thân vì mỗi tấc đất, mét nước biên cương vời xa của Tổ quốc.

Xin mượn ý của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến để ngợi ca về họ. Những con người gan góc giữa trùng khơi. Những con người tung lưới ngang trời. Những con người xả thân vì mỗi tấc đất, mét nước biên cương vời xa của Tổ quốc.

Thẳm xa đảo Trần

Từ huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ra đảo Trần khoảng hơn 30km nhưng không có tuyến tàu khách nào hoạt động. Ra Trần chỉ có hai cách, một là chấp nhận mạo hiểm thuê mảng nhỏ của ngư dân, một chuyến mất 3 triệu đồng, riêng thời gian đi về đã quá nửa ngày. Hai là xuống tàu khách lộn lại thị trấn Cái Rồng để từ đó đi thêm 200km lên Móng Cái, từ Móng Cái nếu may mắn sẽ bắt được tàu cá của ngư dân Vĩnh Thực ra đảo.

1. Gieo neo là thế nên ngay cả nhiều cán bộ huyện Cô Tô cũng chưa biết hình dạng đảo Trần nó tròn méo ra sao. Xa xôi là thế nên anh Lê Xuân Thức, Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Cô Tô, thú thực muốn làm một phóng sự truyền hình về đảo Trần nhưng mấy tháng ròng không thể ra được đành phải chuyển sang làm chương trình phát thanh, phỏng vấn qua…điện thoại.

Mấy ngày loay hoay, đầu óc chỉ nung nấu một ý nghĩ tìm mọi cách ra Trần, tôi mừng như bắt được vàng khi Bí thư Huyện ủy Cô Tô gửi gắm, bố trí cho “bám càng” ca nô của biên phòng. Lái xuồng và phụ máy là anh Vũ Giang Nam và Nguyễn Văn Thủy - những “sói biển” dày dặn nhất lực lượng. Xuồng lướt nhanh với tốc độ xấp xỉ 60 km/h. Gió thổi ràn rạt hai bên tai. Gió thốc phồng mồm, lõm má.

Nước biển hắt rào rào vào mặt, vào mũi, giàn giụa vị mặn lẫn cay. Đang buổi gió mùa, biển động. Giữa mênh mông trùng khơi chiếc xuồng như cái lá tre, hết chúi xuống lại nhoi lên đầu ngọn sóng. Xóc nhảy chồm chồm. Xóc lộn tim gan. Xóc đập thâm mạng sườn, mạng mỡ.


Một góc đảo Trần

Anh Nguyễn Duy Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lân, một thành viên trong đoàn bị mũ bảo hiểm va đập mạnh vào mặt, máu chảy thành vệt trên môi. Tiếng ai đó hét lên cố át tiếng sóng: “Bám chặt cả hai tay vào lan can xuồng kẻo ngã ra đằng sau bị chân vịt xé thì mất mạng đấy”. Kích thích tột độ và sợ hãi khôn cùng. Xuồng vẫn vun vút lướt đi để lại một vệt nước trắng xóa như đôi cánh hải âu khổng lồ vẽ trên mặt biển Đông. Với 200 mã lực, nó ngốn hết 200 lít xăng cho toàn bộ chuyến hải hành.

2. Một mắt đèn hải đăng lấp lánh sáng giữa biển khơi. Một bãi cát vàng với đám muống biển bò lan trổ hoa tím ngắt. Một lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió. Một tiếng gà trưa xao xác gáy giữa trời thu mặn mòi. Đảo Trần đó, một dải biên cương xa xôi mà như thân thuộc tựa quê nhà!…Nao nao nhìn tấm biển kẻ trang trọng dòng chữ vàng trên nền đỏ: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương. Đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”.

Nao nao ngắm cây đa góc sân đồn rễ bành rộng, tán vươn trùm bóng cả một khoảng không, lúc lỉu quả mời gọi lũ chim líu ríu. Cái cây gợi nhớ về ngôi làng Việt thanh bình với bóng đa, giếng nước, sân đình. Cái cây như nhịp cầu ô thước thu gần khoảng cách đất liền và hải đảo. Anh Phùng Thế Vinh, Chính trị viên đồn Trần, ra tận âu tàu, ôm chầm lấy từng người trong đoàn chúng tôi mà siết chặt tay, mà lắc lắc vai, mà cười như thủ túc lâu ngày gặp mặt.

Anh Vinh quê ở Hải Phòng, có thâm niên nhất ở đồn với hai nhiệm kỳ, 8 năm công tác. Anh Vinh cũng là một trong những người đầu tiên bước chân lên đảo, xây dựng đồn Trần năm 1995. Hồi đó, 34 chiến sĩ biên phòng dựng nhà vách bằng cót ép tạm bợ với đồ ăn trường kỳ chỉ có lạc khô, cá khô. Đồn sát bờ biển, lắm buổi sóng đánh trùm vào tận sân.

Hồi đó, tàu thuyền nước ngoài cậy vỏ lớn, công suất cao, người đông ngang nhiên khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam như chốn ao nhà mình. Xót xa cho biển quê hương bị ngoại bang ngày đêm dày xéo, các anh thường xuyên ra xua đuổi tàu lạ. Xuồng ta nhỏ, công suất yếu, lợi dụng sóng to, gió lớn tàu cá nước ngoài vẫn lén lút vào vơ vét. Vật vã trong sóng gió, thốc tháo nôn mật xanh, mật vàng nhưng trên tay mỗi lính biên phòng cây súng không bao giờ nơi lỏng.


Tuần tra trên đảo

Tôi gặp chiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh với đôi má còn lông tơ như quả đào dù làn da đã kịp bắt nắng gió biển đen sạm lại. Mạnh 19 tuổi, trẻ nhất ở Trần, quê Vĩnh Phúc, ra đảo 3 tháng trước trong một chuyến hải hành say lử lả. Chín mươi ngày ở đảo đôi lúc ngoảnh đầu về quê nhà, em chẳng bao giờ nhìn thấy gì khác ngoài ngút ngàn chân trời sóng bạc.

Lính trên đảo định kỳ khoảng dăm ba tháng mới được về thăm nhà một lần, chưa kể sóng gió bất thường hạn kỳ ấy cứ mãi dài ra. Nhớ nhất là đợt Tết năm 1997, gió mùa đông bắc tràn về hai cơn ròng rã, trên 60 ngày sóng cấp 7, cấp 8. Khi đó, anh Phùng Thế Vinh cùng mấy anh em đang đóng ở trạm đảo Mã Cháu cách đảo Trần khoảng gần mười cây số. Lương thực chỉ đủ dự trữ trong một tháng, kiệt cái ăn lính đảo hò nhau lấy dầu đổ vào ống nứa đi soi ốc, mò cua về nấu độn với củ chuối cầm hơi.

Hơn mười ngày đói khát, rã rời anh em vẫn động viên nhau và tự động viên mình dù khổ thế nào cũng phải kiên quyết bám đảo. Mồng hai Tết, anh Nguyễn Xuân Cân, Trưởng đồn Trần, lúc đó thấy tình hình đồng đội mình nguy cấp quá liều điều động một chiếc thuyền vượt bão tố đưa sang cho anh em trạm nửa con lợn và một tạ gạo. Sóng dập, sóng vùi, gạo ướt ngày một ngày hai ngả mốc hết phải đãi mốc mà ăn nhưng Mã Cháu kiên cường như con thuyền luôn ngẩng cao đầu dù giông bão.

Những con chó của bộ đội biên phòng tinh khôn đến nỗi hễ thấy người mặc áo xanh, quân hàm đầy đủ thì vẫy đuôi còn không sẽ được đón tiếp bằng những hàm răng trắng ởn  đầy cảnh giác. Sáng sáng, chiều chiều mò mẫm như rái cá ngoài biển, chúng vừa canh phòng kẻ đột nhập vừa sục tìm con tôm, con cá ở dưới mỗi hốc đá, vũng lầy.

Đồn giữa biển khơi, ngư phủ như thấy một mái nhà nương tựa. Dân bị ốm đau như ruột thừa, rắn cắn chỉ còn trông mong vào chiếc xuồng cao tốc của biên phòng lao vào bờ cấp cứu. Năm 2010, 15 người dân Vĩnh Thực ở Móng Cái ra gần đảo Trần neo thuyền bắt ốc gặp bão ngay cửa vụng. Sóng to như những mái nhà dồn dập đánh vào, thuyền của họ xoay mòng mòng chực đắm, đám người tuyệt vọng kêu: “Ới bộ đội ơi, cứu với”.

Tiếng kêu mỏng chìm trong tiếng gió thét gào. Các anh lưng đeo phao, tay đu dây dìu từng người gặp nạn. Các anh nhóm lửa ấm sưởi những tấm thân run lẩy bẩy vì rét, vì sợ. Bữa cơm bê ra, các anh lại nhường: “Các bác cứ ăn tự nhiên, chúng em no bụng rồi”. Ba ngày sống trên đảo là ba ngày ngư phủ gặp nạn sống trong tình quân dân đùm bọc…


Cây đa đồn Trần

3. Đảo Trần không có phụ nữ, nỗi nhớ đất liền càng thêm chông chênh. Để khắc phục nỗi thiếu hụt này, mỗi đợt văn nghệ, hái hoa dân chủ, anh em bộ đội thi nhau đóng giả các vai gái quê, vợ đảm ở hậu phương. Cũng xách làn, xách giỏ, cũng thướt thướt tha tha, cũng đong đưa tình tứ. Tiếng cười, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tan cứ giòn tan như pháo Tết…

Không thuyết phục nổi chúng tôi ở đến sáng mai, buổi chia tay trên cầu cảng thật bịn rịn. Câu quan họ: “Người ơi, ngờ ở đừng về” cất lên giữa ngàn khơi xa nghe sao thật lạ. Một đồng nghiệp nữ của tôi chân bước mau xuống xuồng mà đầu không dám ngoảnh lại. Trên mắt chị, long lanh có hai giọt nước.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm