| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 5] Người 'vẽ đường' cho tôm cá bơi

Thứ Tư 09/10/2024 , 07:00 (GMT+7)

Một cơ sở chế biến cá tôm sông Đà quy mô, bài bản vừa được khánh thành tại xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc), mở đường cho tôm cá sông Đà và người nuôi cá.

Người mở đường cho tôm cá sông Đà

Đầu tháng 10 mới đây, một sự kiện lớn đang thắp lên những hy vọng đối với người nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình: tại xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc) vừa khánh thành cơ sở chế biến tôm cá sông Đà quy mô lơn và bài bản nhất từ trước tới nay.

Các sản phẩm tôm cá sông Đà tươi rói sẽ được chế biến thành các sản phẩm đóng gói, phân phối qua kênh siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm sạch… để đến với người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất, nó định hình đường đi ổn định, lâu dài cho vựa cá sông Đà sẽ còn tăng trưởng nhiều về số lượng, sản lượng trong tương lai.

Ông Nguyễn Đức Thắng, người mở đường cho tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Đức Thắng, người mở đường cho tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Người theo đuổi và quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực là ông Nguyễn Đức Thắng – Giám đốc HTX nông nghiệp và du lịch Ngòi Hoa.

Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, trước đó, ông Thắng là kỹ sư ngành mía đường. Yêu nông nghiệp, lăn lộn hơn 30 năm với cây mía, khi ngành mía đường thoái trào, ông phải rẽ ngang sang lĩnh vực du lịch, thành lập HTX nông nghiệp – du lịch Ngòi Hoa tại huyện Tân Lạc.

Chứng kiến câu chuyện người dân vùng hồ sinh kế bằng nghề nuôi cá, tất cả các yếu tố như điều kiện tự nhiên, nguồn nước, vùng sinh thái; giống thủy sản bản địa… hoàn toàn đáp ứng và cho phép phát triển thành một ngành hàng; các hộ nuôi đều thành công, sản lượng thu hoạch cá nuôi hằng năm rất lơn, trung bình mỗi hộ nuôi đạt sản lượng vài tấn cá/năm… Nhưng, nút thắt lại nằm ở khâu cuối cùng: đầu ra sản phẩm.

Cá tép dầu đánh bắt trên vùng hồ Hòa Bình...

Cá tép dầu đánh bắt trên vùng hồ Hòa Bình...

và sản phẩm cá tép dầu một nắng hút chân không của HTX nông nghiệp du lịch Ngòi Hoa. Ảnh: Kiên Trung.

và sản phẩm cá tép dầu một nắng hút chân không của HTX nông nghiệp du lịch Ngòi Hoa. Ảnh: Kiên Trung.

“Mấy năm trước, tôi chứng kiến những hộ nuôi được cá mà không biết bán cá đi đâu. Cá sông Đà chất lượng quá ngon nên giá thành rất cao, không thể phân phối ra ngoài chợ được vì nó kén khách. Cho nên, có những hộ nuôi cứ chật vật tìm đầu ra. Những chủ lồng bè ngoài thành phố hay từ các địa phương khác lên đây đầu tư, tiềm lực kinh tế của họ đương nhiên mạnh hơn các hộ nuôi nhỏ lẻ, bà con bản địa người Mường, người Thái.

Một con trắm đen 7 - 10kg giá bán cả chục triệu đồng, ai dám bỏ ngần đó tiền để mua? chủ bè cần tiền mua vật tư, thức ăn cho cá… có dám chặt khúc con cá để bán lẻ? Thế nên, nếu không có sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền thì không phản ánh được đúng giá trị của thương hiệu cá sông Đà. Nếu bán giá thấp thì không đủ tiền chăn nuôi, không bán được thì bỏ lồng, bỏ bè, không dám tái đàn nuôi tiếp”.

Trách nhiệm với quê hương và tình yêu dành cho tôm cá sông Đà, ông Thắng day dứt mãi. Trong khi đó, cá tôm dưới sông, nó có vòng đời, đưa lên bờ nếu không bảo quản được, nó sẽ chết.

Giải pháp duy nhất: chế biến thủy sản!

Giành hàng năm trời để khảo sát, tìm hiểu các mô hình, công nghệ xử lý, chế biến thủy sản, ông Thắng quyết định xây dựng cơ sở chế biến cá sông Đà, bắt đầu bằng những sản phẩm thế mạnh vùng Tây Bắc, đó là cá hun khói (filles – “phi lê” đối với cá rô phi); các sản phẩm cá một nắng đối với những loài bản địa như tép dầu, cá ngần, cá thiểu, mương, măng…, tiếp đến là cá trắm, chép, lăng… Các sản phẩm cá chế biến có sử dụng hương vị bản địa (như tẩm ướp mắc khén đối với cá hun khói…).

 
Mỗi năm sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản trên hồ Hòa Bình đạt trên 10.000 tấn, việc gắn với chế biến sâu sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Mỗi năm sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản trên hồ Hòa Bình đạt trên 10.000 tấn, việc gắn với chế biến sâu sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

“Tôi đã tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng, cá bao giờ họ cũng muốn được dùng cá tươi, giữ được hương vị. Cho nên, sản phẩm chế biến của chúng tôi ở dạng sơ chế, nghĩa là vẫn giữ được gần như nguyên vẹn độ tươi, hương vị… của cá sông Đà, người dùng có thể chiên, nướng, hấp… mà vẫn cảm nhận như vị cá tươi” – ông Thắng cho hay.

Mấy tháng qua, ông Thắng cho công nhân chế biến thử nghiệm hàng trăm lượt để từ đó công thức hóa. Các sản phẩm sau sơ chế được hút chân không, đóng gói, bảo quản trong tủ bảo ôn; các thủ tục liên quan tới việc đăng ký, bảo hộ sản phẩm cũng đã hoàn tất thủ tục; công nghệ chế biến được chuyển giao từ Trung tâm nghiên cứu của Viện Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT)…

“Công suất thiết kế của cơ sở chúng tôi hiện tại là 1.200 kg cá/ngày. Với tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện trải dài từ Hòa Bình lên tới Sơn La, nguyên liệu đầu vào là rất dồi dào. Tôi đã làm cam kết bao tiêu sản phẩm khai thác của bà con đối với những loại cá tự nhiên theo mùa như cá tép dầu, cá ngần, thiểu, mương… Đối với các loại cá kích thước lớn như chép, trắm, lăng, rô phi…, lâu dài sẽ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, ngoài cá một nắng, cá nướng, hun khói kèm gia vị của Tây Bắc… sẽ làm cá hộp, cá kho, khép kín chu kỳ đưa sản phẩm từ lồng nuôi lên bàn ăn” – ông Thắng cho biết.

Hiện tại Hòa Bình mới sử dụng 2.700ha diện tích mặt nước, một phần rất nhỏ trong tồng diện tích vùng hồ.

Hiện tại Hòa Bình mới sử dụng 2.700ha diện tích mặt nước, một phần rất nhỏ trong tồng diện tích vùng hồ.

Thủy sản của Hòa Bình vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển trong tương lại không xa. Ảnh: Kiên Trung.

Thủy sản của Hòa Bình vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển trong tương lại không xa. Ảnh: Kiên Trung.

"Tôi đã đầu tư gần chục tỷ để xây dựng nhà xưởng, thiết bị, máy móc;. Tôi xác định chạy sản phẩm thử nghiệm, mời các chuyên gia về ẩm thực hỗ trợ... cho tới khi nào thành công thì thôi. Nhưng tôi nghĩ, đã quyết tâm thì sẽ làm tới cùng, không còn là việc "nói chơi" nữa" - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp - du lịch Ngòi Hoa quả quyết.

Cho tôi xem hình ảnh thương hiệu nhận diện vừa được thiết kế, đã đăng ký bản quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, ông Thắng giới thiệu: đó là hình ảnh một chú cá lăng đuôi vàng đang uốn lượn trên nền xanh thẫm - màu nước đặc trưng của hồ thủy điện sông Đà. Lăng đuôi vàng là loài cá đặc hữu, bản địa nổi tiếng ở vùng lòng hồ sông Đà bên cạnh những loài cá chiên, lăng, anh vũ... Đấy là lý do HTX chúng tôi chọn hình ảnh con cá lăng đuôi vàng làm hình ảnh đại diện thương hiệu. 

Với những gì đang diễn ra ở Suối Hoa, rõ ràng, những người nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình như ông Lạnh, ông Hanh, các cơ sở nuôi quy mô lớn từ vài chục cho tới vài trăm lồng nuôi… yên tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư xuống vùng hồ.

"Nhận diện cá sông Đà rất dễ. Những con được nuôi hay đánh bắt từ vùng lòng hồ, đầu của nó bao giờ cũng có nhiều hoa văn hơn, màu sắc trên thân đậm hơn. Như cá trắm đen, toàn bộ lớp da của nó đen sẫm, đen trùi trũi; đầu to, nhiều hoa văn, vảy ro, dày. Yếu tố ngoại hình do môi trường nước sâu, lâu năm hình thành. Khi mổ cá, thịt con cá chắc, chặt, không có nước, không béo, không có lớp mỡ dính trong thành bụng. Để chia được thành khúc phải dùng chày nện do xương rắn, cứng; thớ thịt của nó nở chứ không bị xèo đi như cá nuôi lạm dụng thức ăn công nghiệp. Những con cá trắm sông Đà nặng 20 - 30kg là hoàn toàn bình thường, không còn là thủy quái trong truyền thuyết" - Anh Trần Mạnh Cường, người nuôi cá lâu năm trên hồ Hòa Bình nói.

Xem thêm
Đề nghị Hà Lan hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để Việt Nam sớm thích ứng EUDR

Sáng 8/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar.

Tín chỉ carbon là chỉ dấu cho thành công của canh tác lúa bền vững

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) về cơ hội cho chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Người dân Hải Dương phát hiện cá thể cu li quý hiếm

Nghe thấy tiếng động trong vườn, người dân Hải Dương phát hiện cá thể cu li quý hiểm, có trong Sách đỏ Việt Nam.

Bình luận mới nhất