| Hotline: 0983.970.780

Cô Hảo ở Nhìu Sáng

Thứ Ba 20/11/2012 , 11:55 (GMT+7)

Hơn 9 năm qua cô Nguyễn Thị Hảo quê ở miền biển Hải Hậu, Nam Định lên “cắm bản” ở điểm trường Nhìu Sáng (Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Hơn 9 năm qua cô Nguyễn Thị Hảo quê ở miền biển Hải Hậu, Nam Định lên “cắm bản” ở điểm trường Nhìu Sáng (Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc) xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cũng từng ấy thời gian, gia đình cô mỗi thành viên mỗi nơi, cả năm trời mới đoàn tụ được vài ngày.

Con không nhận mẹ

Ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, việc giáo viên miền xuôi lên cắm bản “xoá mù” nhiều vô kể. Ở nơi đây, cuộc sống của họ thiếu thốn trăm bề, ấy vậy mà vẫn bám trụ để ngày đêm miệt mài “gieo chữ” cho các em học sinh. Chúng tôi có nhiều chuyến công tác tại vùng Tây Bắc và đã gặp không ít những tấm gương cao cả như thế.

Cô Hảo (SN 1975) quê ở xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1997, tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Hà Nam. Năm 1999, cô lấy chồng là anh Vũ Văn Bắc, người cùng quê. Năm 2004, biết tỉnh Lai Châu tuyển giáo viên, cô Hảo nộp đơn và được tuyển chọn. Thời điểm này vợ chồng cô Hảo đã có hai người con. Đứa đầu là Vũ Tiến Bộ (SN 2000) và Vũ Thị Ngọc Ánh (SN 2003).

Biết Lai Châu quá xa với quê mình nhưng hai vợ chồng cô Hảo vẫn quyết tâm khăn gói lên đường. Lên đây, cô được Phòng Giáo dục huyện Sìn Hồ (khi đó xã Huổi Luông thuộc huyện Sìn Hồ, chưa tách về huyện Phong Thổ - PV) phân về dạy ở điểm trường Nhìu Sáng.


Cô Hảo miệt mài dạy chữ học sinh

Nhớ về những ngày đầu, cô Hảo kể, cầm quyết định đi dạy, hai vợ chồng cô dìu dắt từ cửa khẩu Ma Lù Thàng đi bộ hai ngày đường mới tới bản. Con đường đất bùn lầy lội, dọc đường không một quán hàng, bốn bề núi rừng hoang vu. Phòng học và phòng dành cho giáo viên xập xệ, tơi tả. Đám học trò lèo tèo dăm đứa, nhếch nhác, cô thấy lòng mình như thắt lại.

Đêm đầu tiên của cô tại căn nhà dành cho giáo viên giữa rừng với nhiều không: không có điện, không một tiếng người, không người thân thích... Cả trường chỉ có hai vợ chồng, thấy vậy cô định bỏ về nhưng chồng cô động viên ở lại. Anh bảo rằng: “Trước lạ sau quen thôi, đã đi thì không về nữa”.

Sau một tuần, anh Bắc về lại Nam Định để chăm hai người con, còn mình cô Hảo lẻ loi giữa núi rừng Tây Bắc. Ngày tiễn chồng về, cô ôm chặt chồng mà khóc, cô bảo với anh Bắc: Cho em về cùng, về nhà kiếm cái nghề gì làm cũng được, chứ ở đây sống trong cảnh nhớ nhà, nhớ con, mọi cái thiếu thốn. Thương vợ, anh Bắc động viên cô ở lại, anh về sắp xếp công việc rồi sẽ lên cùng với cô.

Ngày qua ngày, mình cô Hảo giữa núi rừng không điện, chỉ một cái đèn dầu leo lắt. Đêm xuống sương mù bao phủ, cái rét cắt da, cắt thịt khiến cô chỉ biết khóc. Đêm giữa hoang vu, nỗi nhớ con dâng trào; và có những lúc cô muốn bỏ tất cả để về quê.

Cô Hảo tâm sự: “Ngày đó, nếu như không có bà con dân bản đến động viên, chia sẻ chắc giờ mình không còn ở đây nữa. Bà con xem mình như người con của bản, thiếu cái gì bà con giúp đỡ. Thấy mình lẻ loi khi đêm xuống, có nhiều người ra chơi cùng. Cũng vì tình cảm đó mà khi nhìn đám học trò mình không thể rời bước”.


Mỗi năm gia đình cô Hảo đoàn tụ được vài ngày

Cơ sở vật chật thiếu đã đành, ngôn ngữ giữa cô giáo và học trò hoàn toàn khác lạ. Cô giáo nói chỉ một số em hiểu được. Ngày thì lên lớp, tối đến, cô xuống gặp bà con dân bản để học tiếng địa phương. Và sau một thời gian cô Hảo đã giao tiếp cơ bản với người Dao.

Sau 6 tháng bám bản dạy chữ, Tết Nguyên đán cô được về quê ăn Tết. Một mình lại cuốc bộ ra trung tâm xã rồi bắt xem ôm xuống Phong Thổ, sau đó đi xe khách về thị xã Lai Châu. Chưa dừng lại đó, cô tiếp tục bắt xe khách qua Lào Cai rồi bắt tàu về Hà Nội. Sau 4 ngày cô mới có mặt ở quê. Về với gia đình, gặp chồng, con sau bao ngày xa cách nhưng đứa con cô đứt ruột đẻ ra không nhận cô là mẹ mình. Con gái 17 tháng tuổi khi gặp mẹ một mực không nhận, mặc cho bà ngoại, bố bảo thế nào cũng không cho mẹ bồng.

Cô Hảo chia sẻ: “Khi tôi lên đây dạy học, gửi cháu ở quê bà chăm, mỗi khi xem ti vi có chương trình phát về thầy cô giáo mặc áo dài, bà bảo với cháu là mẹ Hảo con đó, cũng vì thế sự xuất hiện của mình khác với trên ti vi nên con không nhận. Về ăn Tết được 4 ngày muốn gần con thì con khóc, đủ cách chơi với con nhưng nhất quyết không nhận mẹ. Trên đường trở lại Nhìu Sáng mà lòng nghẹn lại. Vào hè năm đó, về nhà được thời gian lâu hơn, chơi với con và cuối cùng con mới nhận mẹ”.

Thương vợ, tháng 9/2005, anh Bắc gửi lại hai đứa con cho ông bà rồi lên Nhìu Sáng lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu, anh bắt tay vào phát triển chăn nuôi lợn, gà và mở quán bán hàng tạp hoá. Cuộc sống khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của đồn Biên phòng Huổi Luông và chính quyền xã, vợ chồng cô Hảo dựng mái nhà che mưa, che nắng có chỗ ra vào.

Bố mẹ miền núi, con miền biển

Cuộc sống dần đi vào ổn định, hai chồng cô Hảo đón người con trai lên đây ở để có điều kiện chăm sóc. Nhưng khi người con trai lên cấp 2 cũng phải xa bố mẹ ra Trường trung học cơ sở Huổi Luông cách nhà 20 km để học. Mang tiếng gần bố mẹ nhưng mỗi tháng vợ chồng cô Hảo và đứa con đầu mới gặp nhau được một lần.


Ngôi nhà bé nhỏ vợ chồng cô Hảo

Ông Chẻo Toan Chài, trưởng bản Nhìu Sáng, cho biết: “Bản có 80 hộ gồm 3 dân tộc sinh sống: Kinh, Dao, Thái. Trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 90%. Sự có mặt của cô giáo Hảo đã giúp bọn trẻ ở bản đọc được cái chữ, giao tiếp với các đồng bào khác. Mỗi khi có đứa trẻ nào nghỉ học, cô đến tận nhà thuyết phục, cũng vì thế không có đứa nào nghỉ học. Bọn chúng học hết cấp 1 là kéo nhau ra trung tâm xã học cấp hai hết”.

Anh Bắc cho biết: “Cũng may là cháu học trường bán trú dân nuôi nên nhà trường có chỗ ăn, chỗ ở. Đường đi lại khó khăn, xe đạp không đi nổi nên nhớ con, cuối tháng tôi lại ra đón về nhà một lần. Vào mùa mưa không đi được thì vài tháng bố mẹ mới gặp được con. Cũng may mới đây có sóng điện thoại nên bố mẹ cũng nói chuyện với con được thường xuyên hơn".

Khác với đứa con trai, hiện đứa con gái của vợ chồng cô Hảo đang ở với ông bà ở dưới quê. Mỗi năm vào dịp hè, cả gia đình mới gặp nhau được một lần. Tôi hỏi cô Hảo: Sao không đưa cháu lên đây ở để tiện dạy dỗ, chăm sóc? Cô bảo: “Vợ chồng tôi cũng đã đưa cháu lên mấy lần nhưng cháu nó đòi về. Ở đây điện không có, nước sinh hoạt thiếu thốn nên cháu nó không chịu. Hai vợ chồng cho cháu ở dưới luôn”.

Chia tay cô Hảo, người giáo viên vẫn ngày đêm miệt mài bám bản "gieo chữ" mà chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét thấu xương nơi miền viễn biên. 

Về đến Hà Nội đúng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi nhìn thấy cảnh học sinh mua hoa, quà tỏ lòng thành kính thầy cô dạy dỗ mình, tôi liền nghĩ tới lời cô Hảo nói: “Đã 9 năm “cắm bản” nhưng chưa một lần tôi nhận được bông hoa nào của học sinh tặng. Ngày 20/11, các chiến sĩ đồn Biên phòng Huổi Luông, chính quyền xã có gói bánh tặng thì tôi phân phát cho học sinh”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm