Một Hà Nội không hào nhoáng đèn hoa. Một Hà Nội của cả ngàn người lăn xả vào giữa núi rác khổng lồ bốc mùi nồng nặc để giành bát cơm manh áo. Một Hà Nội về đêm với những góc khuất ít người tưởng tượng…
Xã gần ngàn người bới rác
Đêm cuối năm rét tê tái. Cánh cổng khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đóng im ỉm. Cây thông lớn ở gần đó sáng lòa bởi hàng trăm bóng đèn màu nhấp nháy. Đoàn người và xe ùn ùn kéo đến mỗi lúc một đông.
Những chiếc xe máy trần trụi, trơ khung, lắm cái không đèn, không yếm, không biển số. Những con người quần áo nhếch nhác, đèn đeo trên đầu, móc sắt vắt vai, khẩu trang bịt kín mồm miệng. Hình bóng họ trộn lẫn vào đêm, chỉ còn lại tiếng trò chuyện rào rào.
Cả ngàn bóng đen nhẫn nại đứng dưới tấm bảng lớn “Tất cả vì môi trường Thủ đô”. Đám đông tưởng hỗn độn đó nhưng có sự phân biệt rõ ràng. Nhóm chủ lán “thầu” chất thải đứng riêng một góc ở ngách cổng phụ. Nhóm người bới rác đứng chen chúc ở lối vào chính.
Hàng ngàn người chờ đợi trong đêm
Đúng 3h kém 20 phút, anh bảo vệ phất tay, nhóm 22 chủ lán ào vào trước.
Trước đây, do tình trạng an ninh lộn xộn, đánh nhau liên tục trên bãi nên xí nghiệp môi trường mới nghĩ ra cách hình thành các chủ lán để cai quản từng nhóm nhỏ lẻ. Chủ lán cũng là những người dân trong vùng nhưng có quyền được vào bãi sớm để cắm mốc, đánh dấu “lãnh thổ” rồi chia cho một nhóm bới chừng 15 người.
Mốc đánh dấu của mỗi chủ lán trại
Mỗi nhóm thế sẽ bới từ đầu cày (điểm cuối, vun cao của bãi rác) vào mặt cày (mặt bãi) đến khi chạm lưng nhau thì thôi. Chủ lán thu của mỗi người bới rác một mức phí 200.000đ/tháng. Người không có tiền đóng phí sẽ chỉ mon men bới ở những đống rác cũ, nhặt nhạnh bên ngoài.
Hồi trước các chủ lán dựng lều thu mua ngay ở trên bãi, người nào bới trong phạm vi đầu cày, mặt bãi của mình phải bán cho họ, tất nhiên là với giá rẻ. Lần lần, dân bới bãi khôn ra, mang rác về nhà để phân loại, bán cho được giá nên chỉ đóng tiền phí, những căn lều dần vắng bóng.
Đội quân bới rác
Bãi rác là nơi tận cùng của xã hội nhưng vẫn có cảnh làm luật kiểu xã hội đen. Cách đây mấy tháng, một nhóm đầu xanh, đầu đỏ chừng trăm tên hùng hổ kéo đến bãi Nam Sơn đe dọa, bắt mỗi chủ lán nộp 2,2 triệu đồng/tháng mới cho yên ổn làm ăn. Được hai tháng, toán côn đồ trên bị lực lượng công an dẹp bỏ, bãi lại trở về với nề nếp cũ. Phần đa quân số trong “quân đoàn” nhặt rác ở bãi là dân xã Bắc Sơn với số lượng ước tính ngót ngàn người, nhất là các làng Lương Đình và Lai Sơn.
Sau tiếng hô “vào đi” thoát ra từ mồm anh bảo vệ, cả ngàn chiếc xe cùng nổ máy ầm ầm lao đi như một cơn bão. Tôi theo bảo vệ Phí Trường Giang men theo con đường đất lầy lội, mấp mô cứ vòng mãi, vòng mãi lên cao. Bãi thải Nam Sơn cao hơn cả nền đen thẫm của những quả núi xung quanh và nuốt trọn cả ngàn người trên cái đỉnh núi rác khổng lồ ấy.
Thối, tanh, hăng, chua mùi của rác, mùi của thuốc diệt ruồi xộc thẳng vào cuống họng, bóp nghẹt thanh quản khiến tôi phải chúi người xuống kìm cơn nôn chực trào ra khỏi miệng.
Kim tiêm, đinh nhọn, mảnh chai lởm chởm, xác gà, xác chuột ngập ngụa trong bùn, nước đen phập phồng như đi trên mút xốp. Mỗi tối bãi Nam Sơn đón hơn 100 ô tô, tương đương số lượng vài ngàn tấn rác từ toàn thành phố đổ về...
Ngàn con người lăn xả, len lỏi, chui rúc vào những đống rác đang chu kỳ phân hủy, bốc hơi nghi ngút mà bới, bươi, móc, nhặt. Mặt bãi loang loáng. Mặt người nhạt nhòa sau mớ khẩu trang, mũ áo sùm sụp. Ánh sáng từ những chiếc bóng đèn pin trên đầu họ cứ dập dờn theo mỗi nhịp cúi xuống, vẽ lên màn đêm như những đợt sóng. Một chiếc móc sắt bổ xuống cái bao tải căng phồng nghe bụp một tiếng. Luồng chất lỏng đen xì bắn phụt lên người, lên mặt kẻ bới. Chất lỏng từ bụng một con chó chết bụng đã trương phềnh. Người bới rác đưa tay áo quệt ngang mặt lau qua loa rồi lại cắm cúi bới tiếp.
Lịch bới từ 3h-6h sáng, rất gấp gáp, không còn chỗ cho những suy nghĩ bẩn sạch. Người vác rác trong bao tải, người ngả rác ra trên những chiếc bạt, chiếu cũ vừa nhặt. Ai nấy đều chú ý đến những chiếc chổi cùn được cắm thẳng hàng đánh dấu lãnh địa của mỗi chủ lán. Bới lấn sang lán khác dễ xảy ra đụng độ, ăn cào sắt, móc sắt vào đầu ngay…Thấp thoáng đằng xa những cọc thu lôi chống sét cao lừng lững phòng tránh tai nạn cho người và bãi lúc buổi tố giông.
Thành quả sau buổi bới rác
Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng móc sắt, cào sắt bồm bộp, phùn phụp bổ xuống rác. Tiếng rao thao thiết: “Ai lông gà, lông ngan, quần bò tóc rối bán đi”. “Ai xương trâu, xương bò bán đi”...Mấy phụ nữ, vai thèo thẽo vắt những chiếc quần bò cũ kỹ, lưng đeo theo cái sọt sắt to đùng, vừa đi vừa cất giọng đôn đả hỏi mua.
Thu mua mảnh chai
Thu mua tóc rối
Thu gom quần bò
Những thứ được rao là các đồ có thể “bán tươi” ngay tại bãi mà không phải qua công đoạn rửa, vệ sinh tại nhà. Giá quần bò 15.000đ/kg, giá giẻ rách 10.000đ/kg, giá xương trâu, xương lợn, xương bò 1.000đ/kg, giá tóc rối bán theo con dài, con ngắn…
Không biết tên, không biết mặt nhưng đội bảo vệ ở bãi Nam Sơn có thể nhớ được hình dáng của cả ngàn người bới rác trong đêm tối. Bất kỳ người lạ nào có mặt nếu không có sự cho phép đều bị phát hiện ra ngay. |
Rác có lắm loại. Rác đẹp là rác chợ, rác Cty, xí nghiệp, rác bệnh viện vì có lắm túi nylon, nhựa, xi lanh, lọ, dây truyền dịch. Rác xấu là rác cũ đã bị hớt hết “mầu” lổn nhổn gạch vụn, đá vụn cùng nylon tái chế. Nguyễn Văn Dũng ở thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn) nhặt đủ thứ từ mảnh chai, lốp, xốp, xương nhựa. Tất cả rác đều được mang về nhà rửa sạch, phân loại sau đó. Nhựa bán lúc nào cũng được nhưng túi bóng phải phơi khô mới có người mua. Dũng than thở, dạo này người bới rác cũng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Mọi năm giáp Tết rất nhiều hàng như lon bia, vỏ đồ hộp, đồ nhựa nay chẳng có mấy. Đến ngay cả rau cũng ít mà còn bị nhặt sát gốc, cơm thừa, cơm thiu nhặt để chăn nuôi cũng hiếm hoi.
Đã thế giá thu mua phế liệu lại sụt giảm mạnh, trước túi nylon được 4.000đ/kg giờ còn 2.400đ/kg, giá nhựa trước 8.000đ/kg giờ chưa nổi 4.000đ/kg, thu nhập người bới sụt giảm thấy rõ. Ngô Khoai Hà, người đánh chiếc xe ba bánh tự chế, vào thu mua vỏ chai trên bãi bảo mỗi buổi ông có thể mua được dăm ba tạ hàng. Giá mảnh chai 500đ/kg, ông Hà bán lại 700đ/kg nhưng lắm lúc mua sô theo bao tải, gặp bao có vài chai đầy nước hay bị độn một vài viên gạch là cầm chắc lỗ.
Xuất phát thu gom rác
Đúng 6h sáng, tiếng còi toe toe gắt gỏng báo hiệu hết giờ. Người lục đục chất những bao rác cao ngất ngưởng đằng sau xe máy, người vẫn còn say sưa bới bới, tìm tìm. Tiếng ai đó rủ nhau: “Nhà em có con lợn cọc, Tết này bác có tham gia một đùi không?”. Đêm vẫn đen như bồ hóng.