Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cho biết: "Theo thống kê, trong hơn 20 năm qua đã có 50 người dân Trúc Ly chết do tìm trầm. Riêng năm 2012, có 4 người dân bị bắn tại rừng Thái Lan".
>> Đắng đót những làng trầm
>> Xuất ngoại tìm trầm
>> Ngậm ngùi ngậm ngải tìm trầm
Bỏ mạng xứ người
Về xóm Chùa, làng Trúc Ly, bà con vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của hai “dân cội” (người đi tìm trầm). Được biết, “xâu” (nhóm) trầm này có bốn người rời quê được chừng hơn tháng thì tin dữ bay về. Nhóm đi trầm đã bị lực lượng Thái Lan bắn chết; hai người là Phạm Tr. và Trần Đ. Còn lại hai người là Lê T và Phạm D (D là con rể ông T) bị giam cho đến bây giờ là 7 tháng.
Nhà anh Trần Đ. ở góc khuất sau mấy dãy nhà. Ngôi nhà cấp bốn mới được tu sửa nhưng chưa hoàn thiện, vắng lặng. Một lát sau cháu Trần Thị Hoài (11 tuổi, con gái đầu lòng của anh Đ) đi học về. Thắp hương cho bố xong, cháu ngồi kể chuyện, tiếng khóc nghẹn trong lòng: Sau khi ba cháu mất, nghe mẹ cháu nói phải đi làm thuê để có tiền trả nợ và cho chị em cháu ăn học. Hằng ngày, cháu vào ăn ở với chú thím và bà nội. Tối thì có các chị Lan, chị Hoa, chị Tâm... con o (cô), chú đến ngủ kẻo chị em cháu sợ. Mẹ cháu đi làm thuê không biết khi nào về.
Lát sau, chị Nguyễn Thị Hường (thím của cháu Hoài) sang. Chị Hường cho hay, trước đó, gia đình anh chị ấy mượn tiền để đi lao động nước ngoài nhưng bị lừa mất mấy chục triệu đồng. Anh Đ lại phải vay tiền theo bạn đi trầm hy vọng kiếm được tiền về trả nợ. Không ngờ, chuyến đi gặp nạn, nợ còn không trả được mà chị Liên (vợ anh Đ) phải vay thêm gần 30 triệu đồng để lo chi phí đưa xác chồng từ Thái Lan về. Thêm phần lo mai táng, thành ra các khoản nợ gần trăm triệu đồng. "Bây giờ chị ấy phải đi Lào làm thuê mới có tiền để trả nợ. Các cháu gửi lại cho vợ chồng tui chăm sóc cho. Thiệt là hết khổ", chị Hường cho biết.
Cháu Hoài thắp hương cho bố trong ngôi nhà vắng
Trước đó, một nhóm đi trầm của làng Trúc Ly cũng đã bị bắn chết hai người. Đó là anh Bùi Q. và và anh Nguyễn Văn Tr. Họ bị lượng lượng kiểm lâm Thái Lan bắn chết trong khi đang khai thác lâm sản trái phép ở huyện Phu Rưa, tỉnh Lơi (Thái Lan). Chị Lê (vợ anh Bùi Q. và cũng là em gái của Nguyễn Văn Tr.) đã chết ngất nhiều lần khi không thể chịu đựng được nỗi đau quá lớn. Bây giờ, người vợ trẻ như hóa đá trước tình cảnh một tay hai con nhỏ dại và nuôi mẹ chồng già yếu.
Nhắc đến chuyện bi thương ở làng Thanh Hưng (xã Võ Ninh), mọi người nghĩ đến gia đình chị Nguyễn Thị Huệ. Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng của chị được xây vào năm 1999, bây giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm đó, sau chuyến đi trầm trúng kha khá, anh Trần Thanh Hậu (chồng chị Huệ) mua vật liệu về xây nhà cho vợ con. Nhà xây lên chưa kịp hoàn thiện thì hết tiền. Anh Hậu động viên vợ yên tâm để anh đi thêm chuyến trầm về làm nốt phần nhà còn lại. Ai ngờ, chuyến đi đó là định mệnh. “Xâu” trầm của anh Hậu gặp toán cướp tại rừng Lào. Anh Hậu bị chúng bắn chết khi đang cố thoát thân. Anh chết để lại cho chị gánh nặng một mình nuôi ba con nhỏ trong căn nhà trống không.
Ám ảnh suốt cuộc đời
Ông Trần Văn L (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) bây giờ vẫn không quên được cái giây phút ông bị con gấu ngựa vồ, rồi tát vào mặt. Lần đó, ông cùng bốn người bà con lên vùng rừng sát biên giới Việt - Lào tìm trầm. Trời xế chiếu, ông vác gùi quay về lán. Đang đi, chợt ông giật bắn người vì nghe tiếng "hực, hực" phía sau. Vứt gùi, ông phóng chạy nhưng chưa đến chục bước chân, ông đã bị vồ từ phía sau. Ông chết ngất trong sự đau đớn tột cùng. Khi tỉnh lại đã thấy nằm trên chiếc cáng đan bằng sợi mây rừng và những người bà con hối hả băng rừng đưa ông về.
Lăn lóc các bệnh viện gần năm trời, bán hết nhà cửa để chi phí, ông ra viện. Khuôn của ông khiến mọi người đều thấy sợ hãi. Vết thương ở chân cũng làm cho ông phải đi cà khiễng. "Bây giờ, nghĩ lại lúc đó, tôi cũng còn thấy ớn lạnh. Hình ảnh con gấu cứ ám ảnh tôi chẳng thể mờ được", ông L trầm giọng.
Chuyện thoát chết hi hữu của anh Trần Xuân Ch (ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng khiến cho anh chẳng thể nào quên và di chứng để lại suốt cuộc đời.
Đó là chuyến đi trầm ở Lào khi anh Ch vừa 20 tuổi. Buổi chiều, khi mọi người sau chuyến “đạp cội” đã về lán tắm rửa và nghỉ ngơi, anh Ch trẻ nhất nên phải nấu cơm cách lán một lùm cây nhỏ. Chợt thấy tiếng thét thất thanh và tiếng súng nổ xé tai. Những tiếng kêu tắt lịm. Theo bản năng, anh Ch vụt đứng dậy để chạy thì chúi xuống vì một viên đạn trúng vào đầu gối chân phải. Thêm một bóng người nữa đổ vật bên cạnh. Chừng mươi phút sau thì yên ắng. Không còn tiếng súng, không còn tiếng rên la. Nhóm cướp lật từng người để xem ai còn sống thì xả súng tiếp.
Anh Ch cố kéo thi thể người bên cạnh đè lên mình rồi nằm im. Một tên cướp đến đạp xác trên người anh Ch xuống và thúc mũi giày vào chân anh Ch như để kiểm tra. Cái đau buốt óc như muốn bật tiếng rên từ cổ họng. Anh Ch cắn lưỡi chịu đau và giả như đã chết. Thấy không còn ai sống sót, toán cướp lấy hết hàng hóa, vật dụng rồi bỏ đi. Chờ chúng đi xa, anh Ch gắng dậy, xé áo băng quanh đầu gối chân đã tơ tướp rồi tàn sức bò đi. Cứ như thế suốt đêm và suốt ngày hôm sau, anh Ch bò qua cánh rừng, gặp con đường nhỏ thì bất tỉnh. May sao, đến tối thì có đoàn “dân cội” trên đường về bắt gặp. Thấy anh, “xâu” trầm chặt cây làm cáng thay nhau cõng anh về.
Cũng gần hai năm ở các bệnh viện và thay chiếc khớp gối nhân tạo, anh Ch mới giữ được cái chân nhưng nó cứ thẳng cứng. Mỗi lần trở trời là nhức buốt. Bây giờ, anh cố học nghề may để làm kế sinh nhai. "Thỉnh thoảng, tôi vẫn có những giấc mơ khủng khiếp. Thấy mình bị bắn và toàn thân tê cứng. Nỗi sợ hãi làm mồ hôi toát đầm đìa. Tỉnh dậy biết mình đang sống và hôm sau cứ như người ốm dậy", anh Ch thảng thốt như chuyện vừa mới xảy ra. (Hết)