| Hotline: 0983.970.780

Ký sự đời biển “bạc”…

Thứ Ba 31/01/2012 , 09:26 (GMT+7)

Khi họ có ý định cải tạo biển để lập nghiệp thì chính quyền trống dong cờ mở ủng hộ cả hai tay. Sức người, sức của, máu, nước mắt đã đổ xuống. Vậy mà ở cái lúc nhiều người bảo họ xứng đáng được tạc tượng để ghi công thì kẻ vào tù, kẻ nợ nần, người ngồi trên đống lửa.

Rừng vàng biển bạc, dân gian ai cũng mong bám biển sẽ giàu. Nhưng ở một góc độ khác, những người bám biển ở nhiều địa phương, mà thời sự nhất bây giờ là chuyện ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) khai hoang lấn biển chẳng giàu chút nào, hơn thế tai ương còn ập đến. 

Vụ cưỡng chế đất đai vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Dưới một cách nhìn khác, từ số báo này NNVN xin nhìn lại quá trình khai sông lấn biển của những trường hợp tương tự ông Đoàn Văn Vươn- những phận đời biển "bạc"... 

Công thần của biển hay phận dã tràng?

Khi họ có ý định cải tạo biển để lập nghiệp thì chính quyền trống dong cờ mở ủng hộ cả hai tay. Sức người, sức của, máu, nước mắt đã đổ xuống. Vậy mà ở cái lúc nhiều người bảo họ xứng đáng được tạc tượng để ghi công thì kẻ vào tù, kẻ nợ nần, người ngồi trên đống lửa.

Dã tràng xe cát…

Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, trực thuộc Thành hội Nghề cá Hải Phòng có khoảng 40 hội viên thì tập trung hầu hết ở đầm Cống Rộc. Vùng bãi triều này nằm ở bến hữu sông Văn Úc thuộc địa bàn xã Vinh Quang rộng 250- 350 ha nằm ngoài đê biển ba. Trước những năm 1990 đây là vùng đất ngập mặn hoang hóa. Vùng đất đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ thường xuyên đón thiên tai, bão tố từ biển dội vào.

Mỗi lần có bão, dân làng sống xung quanh Cống Rộc phải sơ tán lên tận UBND huyện, cách đó khoảng 20 cây số, để trú tránh. Cống Rộc, chỉ nghĩ đến thôi, dân địa phương đã sợ chứ chưa nói đến việc lấy vùng nước lợ này để làm nền tảng sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Thế nên mới có chuyện khi một nhóm người ở các xã Vinh Quang, Hùng Thắng, Đông Hưng có ý định xin đất ở đây để nuôi trồng thủy sản thì chính quyền huyện, xã mừng lắm.

Khơi lại những ngày đầu tiên ra Cống Rộc vào thời điểm này có lẽ càng làm tăng bức xúc của những hộ dân được xem là công thần khai sông lấn biển. Nhưng hoàn cảnh của họ bây giờ nói ra cũng là cách tìm sự sẻ chia.

Bãi triều Cống Rộc

Ba người có công lớn nhất biến Cống Rộc từ nỗi sợ hãi một thời thành vùng đất đẻ vàng là các ông: Đoàn Văn Vươn, Lương Văn Trong, Vũ Văn Luân. Bây giờ mỗi người họ một hoàn cảnh nhưng có chung một điểm, đều rơi vào bi kịch. Ông Vươn đang ở nhà giam, ông Luân chạy vạy đi kiện để hy vọng giữ được đất, ông Trong suốt ngày chỉ loay hoay nghĩ: Hôm nay 7 người trong gia đình lấy gì để ăn? Bi kịch ở chỗ, cả ba ông vốn đều là “đầu lĩnh” của Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ (NTTSNL) huyện Tiên Lãng. Ông Vươn là Chủ tịch, ông Trong - Phó Chủ tịch, còn ông Luân làm thư ký hội.

Khi có chính sách khai sông lấn biển gần 20 năm về trước, 6 anh em ruột trong dòng họ Lương Văn ở xã Đông Hưng cử ông Lương Văn Trong đứng ra xin khai phá vùng Cống Rộc để nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh. Bãi triều Cống Rộc lúc đó còn hoang sơ đến nỗi khi xin giao đất người ta chỉ cho ông Trong một khoảnh rồi bảo gia đình đo được bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu.

Sau khi nhận được khoảng 50 ha, 6 anh em gia đình họ Lương dồn sức cải tạo. Công lao nhiều đến nỗi bây giờ nhớ lại cả 6 người vẫn không tin vì sao họ có thể làm được cái việc nan giải đến thế. “Làm từ mờ sáng đến tối, đắp lên 10 khối đất thì sóng đánh liên tục đến ngày hôm sau chỉ còn một khối. Đắp bờ đến đâu thì đánh đất dính cỏ vào đến đấy. Có khi cả tuần liền 6 anh em không được ăn bữa cơm nào ở nhà vì làm từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Chỉ sợ nghỉ tay một chốc là sóng “vồ” mất đất ngay. Khổ nhất là mùa rét, đứng trên bờ đã run lập cập rồi huống chi ngâm mình trong nước. Trong số anh em ra làm cũng có người nản chí bàn lui, chúng tôi phải giơ tay biểu quyết, thấy quá bán mới dám tiếp tục làm. Vậy mà cũng đôi lần khu vực này bị rao bán nhưng chẳng ai thèm mua vùng đất quái quỷ ấy cả”. Ông Trong vừa kể vừa chỉ tay về bãi triều Cống Rộc.

Đắp đất chán lại trồng cây. Dân làng hồi ấy gọi 6 anh em nhà họ Lương là làm cái việc của dã tràng. Đắp đất khó 10 thì trồng cây lên đấy cũng phải khó 9. Tiếng là trồng rừng nhưng chỉ “phọt phẹt” được vài ba cây, sóng lại đánh bật rễ, đánh gãy ngang thân. Phải mất 10 năm kiên trì như thế, tốn cả hàng ngàn ngày công thì đê chắn sóng, rừng chắn sóng mới chế ngự được phần nào sự khắc nghiệt của thiên tai.

Hết đầu tư cơ sở hạ tầng, họ lại loay hoay tìm vốn. 6 gia đình, nhà nào nhà nấy vét hết của cải đổ dồn “đánh bạc” với sự nghiệp cải hóa Cống Rộc. Đến những năm 2000 thì bãi triều cũng chỉ mới tạm ổn để sản xuất. Sau anh em họ Lương, đã có thêm nhiều gia đình tham gia khai sông lấn biển. Họ xin đất, bỏ sức, bỏ của đầu tư biến dải biển chạy dọc huyện Tiên Lãng thành vùng nuôi trồng thủy sản thuộc dạng thế mạnh của cả tỉnh.

Những anh em họ Lương, Đoàn Văn Vươn, Vũ Văn Luân được nhiều người già ở các địa phương và cả một số cán bộ ngành nông nghiệp đương thời đề nghị ghi công xứng đáng. Ngay trong một số quyết định của UBND huyện Tiên Lãng lúc ấy cũng khẳng định: "Vùng bãi bồi ven sông ven biển trước đây là bãi hoang sơ… Từ năm 1992, một số cá nhân lập dự án khai thác bãi triều để trồng rừng phòng hộ, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Kết quả: Đã cải tạo được vùng đất hoang hóa thành vùng đất canh tác có giá trị”. 

Ông Trong bên bãi triều Cống Rộc

“Nhân tai” chồng thiên tai

Trong số 6 anh em gia đình họ Lương thì người con út Lương Văn Tảnh đầu tư quy mô nhất. Tảnh là người đầu tiên ở huyện Tiên Lãng nuôi tôm sú công nghiệp. Sau quãng thời gian vật lộn với Cống Rộc, cũng có lúc người ta tôn Tảnh là triệu phú tôm, gương sản xuất giỏi… Nhưng tất cả chỉ vỏn vẹn được 2 năm. Bây giờ nhắc đến Tảnh vẫn nhiều người biết. Buồn ở chỗ, họ biết Tảnh với tư cách người nợ nần nhiều nhất huyện. 15 năm, công sức những người như Tảnh đổ vào Cống Rộc không kể hết. Vậy mà anh bảo: Thà chỉ mất sức người thì còn đường sống, chứ như thực trạng bây giờ chỉ có con đường chết.

Thực tế, ông Đoàn Văn Vươn không phải là trường hợp đầu tiên ở Tiên Lãng đầu tư cho biển để rồi bị cưỡng chế. Sau khi có quyết định dừng đầu tư năm 2007, một chủ đầm tên Thảo bị thu hồi 80 ha diện tích tương tự. Đau đớn, uất ức khi chứng kiến cảnh người ta thu hồi gần 80 ha “máu và nước mắt của mình” chẳng đền bù rồi lại để bán cho người khác với giá 40 triệu/ha, ông Thảo đổ bệnh rồi chết bất đắc kỳ tử.

Được giao 6 ha, năm 2003 Tảnh bắt đầu nuôi tôm công nghiệp, đây là mô hình đầu tiên ở huyện Tiên Lãng. Gom hết tài sản, vay mượn ngân hàng, anh em, Tảnh đầu tư 10 ao tôm, mỗi ao một tỷ đồng. Vụ đầu tiên thu hoạch chẳng đủ trả liền lãi nhưng nằm trong kế hoạch phát triển lâu dài của người có chí làm giàu như Tảnh. Mọi việc đang đi đúng hướng bởi chưa lãi nhưng giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Đùng một cái, trận bão năm 2005 xóa sạch toàn bộ 10 ao tôm sú công nghiệp của gia đình Tảnh. Ao, trại sản xuất giống, điện, đường… tổng số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng phút chốc trở về nguyên “cái máng lợn sứt mẻ”.

Cả khu bãi triều Cống Rộc, nhà làm nhiều mất nhiều, làm ít mất ít, cũng may còn có hệ thống đê, rừng chắn sóng nên còn hi vọng để khôi phục. Vậy mà: “Chỉ mới đổ vào chứ đã thu hồi được bao nhiêu đâu. Bão “thiên tai” năm 2005 vừa qua thì “cơn bão nhân tai” năm 2007 của UBND huyện Tiên Lãng vùi chết chúng tôi luôn”, Tảnh kể.

“Cơn bão” mà Tảnh nhắc đến chính là “quyết định dừng đầu tư” do UBND huyện Tiên Lãng ban hành năm 2007. Quyết định ấy chính thức biến 20 năm công sức, tiền bạc của những gia đình như Tảnh đổ vào Cống Rộc thành số 0. Sau quyết định ấy, nhà Tảnh chẳng dám đầu tư gì nữa, ao chuôm, đầm hồ bỏ hoang hết. Đi một vòng quanh Cống Rộc, 6 anh em gia đình ông Trong, anh Tảnh hàng ngày kiếm sống bằng cách đánh bắt tự nhiên con cua, con ốc quanh khu vực họ đã dồn hết xương máu và tiền của suốt 20 năm trời.

“Quay lên mắc mũi, cúi xuống mắc cọc” là thực trạng hiện nay của hầu hết những người khai hoang lấn biển ở Tiên Lãng. Họ lo lắng, sợ hãi và mong chờ một phép màu, nếu không, những người có lúc được tôn vinh “xứng đáng tạc tượng” sẽ còn gặp nhiều bi kịch hơn nữa.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm