| Hotline: 0983.970.780

Không mặn mà trường ngoài công lập

Thứ Hai 16/09/2013 , 10:20 (GMT+7)

Sau ngày 10/9, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm trúng tuyển dành cho các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

Sau ngày 10/9, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm trúng tuyển dành cho các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

Có những trường công bố điểm số cao chót vót như Học viện Y học cổ truyển (25,5 điểm) hay Học viện Báo chí – Tuyên truyền, thí sinh phải đạt 23,5 điểm ở khối C mới có một suất vào ngành Triết học Mác – Lê Nin. 

Ở chiều ngược lại, các trường ngoài công lập chỉ công bố số điểm khiêm tốn bằng mức điểm sàn… nhưng những trường này, tiếp tục thông báo xét tuyển NV3 (nguyện vọng bổ sung) để mong có đủ chỉ tiêu trong năm học này.


“Thừa điểm sàn, cũng không nộp vào ĐH ngoài công lập” là chia sẻ của nhiều thí sinh

“KHÔNG “CHƠI” NGOÀI CÔNG LẬP

Theo như điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra, số liệu thống kê cho thấy, nếu lấp đầy sinh viên vào tất cả các trường ĐH, CĐ trên cả nước thì con số thí sinh trượt ĐH, CĐ năm 2013 vẫn rơi vào khoảng 3.000. Với số liệu đó, hầu hết các trường ngoài công lập khấp khởi mừng thầm khi sẽ có một nguồn tuyển dồi dào cho năm học 2013-2014.

Tuy nhiên, số liệu tính toán là một chuyện, thực tế xét tuyển lại là chuyện khác. Hầu như thí sinh đủ điểm sàn đều lao vào nộp hồ sơ ở các trường công lập nhằm kiếm cho mình một suất học ở các trường này, bất kể đó là ngành gì.

 Hầu hết các thí sinh đều không quan trọng chuyện học ở Hà Nội hay các thành phố ở miền Trung như Vinh, Huế, Đà Nẵng…"Ở trong lớp của em, nhiều trường hợp có điểm thi khá cao, đạt 28 điểm ở khối D1 (điểm tiếng Anh đã nhân hệ số 2) xét tuyển vào những trường ĐH Vinh, ĐH Huế thì chắc chắn đây là những trường hợp đậu đầu tiên” – thí sinh Nguyễn Văn Thành, học sinh THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ.

Học sinh này cũng cho biết thêm, những thí sinh khối D1 trượt ở trường Đại học Ngoại thương, Đại học Hà Nội có điểm thi khá cao và họ sẵn sàng học ở những đại học ít danh tiếng hơn, miễn không phải là ngoài công lập.

Khi Đại học Văn hóa Hà Nội công bố điểm chuẩn NV2, lãnh đạo nhà trường cũng cho biết: “Có nhiều thí sinh chỉ đạt điểm sàn hoặc hơn điểm sàn 1 đến 2 điểm, vẫn đến nộp hồ sơ vào các trường công lập. Hỏi tại sao không tìm phương án phù hợp hơn, hầu hết các thí sinh cho rằng, thừa điểm sàn cũng không “chơi” với ĐH ngoài công lập vì kiểu gì các trường ngoài công lập chả tuyển thêm một đợt nữa, có khi chưa nộp hồ sơ đã được mời nhập học cũng nên”.

Trên thực tế, để trúng tuyển NV2 vào Đại học Văn hóa Hà Nội thì thí sinh chí ít cũng phải đạt từ 18 điểm trở lên, cá biệt có những ngành như Văn hóa học, phải đạt 22 điểm ở khối C, thì mới đậu vào trường này.

Lí giải cho việc thí sinh không mấy mặn mà với ĐH ngoài công lập vẫn được thí sinh “kể tội” như cũ. Ngoài việc lo lắng cho đầu ra sau khi tốt nghiệp, thí sinh cho rằng, nhiều trường ĐH ngoài công lập giờ nổi tiếng với “khẩu hiệu 3 không”: không giáo trình, không cơ sở và không có giáo viên cơ hữu.

Đó cũng là lí do những trường ĐH ngoài công lập hiện nay không đáng tin cậy để nhiều học sinh theo học, qua đó nhiều trường hợp thí sinh còn cho biết, điểm thi của họ đạt điểm sàn nhưng thà để nộp vào các trường cao đẳng chứ nhất quyết không nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH ngoài công lập.

XÉT TUYỂN NV BỔ SUNG ĐẾN 31/10

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường ĐH công lập đã xét tuyển xong và hoàn thành chỉ tiêu cho các ngành học. Tuy nhiên, các trường chưa đủ chỉ tiêu, tiếp tục xét tuyển và, dường như xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 3, sẽ là “sân chơi” riêng của các trường ngoài công lập.

Với quy định của Bộ GD-ĐT, thì các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung là lấy điểm từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu.

Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng bổ sung, hoặc không được tuyển vào trường, ngành đã đăng ký nguyện vọng bổ sung thì được quyền rút hồ sơ (trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi) để nộp vào trường, ngành khác.

Theo báo cáo kết quả, chỉ có một số trường khá tiếng tăm như Viện Đại học Mở Hà Nội, ĐH Thăng Long, ĐH dân lập Phương Đông… có số lượng thí sinh nộp vào đông đảo.

Trong số đó, nhiều ngành phải lấy điểm trúng tuyển vượt sàn (Viện ĐH Mở Hà Nội) hay như ĐH dân lập Phương Đông, Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thiện Dụ cũng vui mừng thông báo, số hồ sơ nộp vào ngành Kiến trúc vượt chỉ tiêu xét tuyển, tuy vậy, có nhiều ngành rơi vào cảnh “chợ chiều” khi chỉ đạt khoảng 50% số chỉ tiêu. “Đấy là còn chưa kể khi nhập học, nhà trường phải đối mặt với số lượng trúng ảo” – ông Dụ chia sẻ thêm.

Tưởng như, với phổ điểm khá cao như mùa tuyển sinh 2013 thì các trường ngoài công lập sẽ không rơi vào “bi kịch” không tuyển được thí sinh. Nhưng với tình hình hiện tại, thì một loạt các trường ngoài công lập như ĐH Đại Nam, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH dân lập Hải Phòng… đều rơi vào thế khó như những mùa tuyển sinh của các năm trước. Tất cả đều nóng lòng chờ vào kết quả của đợt xét tuyển cuối cùng vào ngày 31/10 tới.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.