| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch Thái Nguyên: Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Thứ Hai 28/10/2013 , 11:05 (GMT+7)

Gần hai trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng, nhưng đến nay rất nhiều trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng và ngừng hoạt động.

Gần hai trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng, nhưng đến nay rất nhiều trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng và ngừng hoạt động.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư không ít kinh phí theo Chương trình 134, 135 để xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, hiện có nhiều công trình không đi vào hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Tại huyện Phú Bình, nơi có 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư theo Chương trình 134 và 135 đặt tại các xóm Đồng Bốn (xã Tân Thành), Vực Giảng, Giếng Mật (xã Tân Hòa). 3 công trình nói trên đều hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, phục vụ cấp nước cho 385 hộ dân  và 10 cơ quan.


Chưa đầy 7 năm kể từ khi đưa vào sử dụng nhưng công trình cấp nước xóm Giếng Mật (xã Tân Hòa, huyện Phú Bình) đã bị bỏ hoang phế

Hiện tại, cả 3 công trình đều đã xuống cấp nghiêm trọng và ngừng hoạt động. Thật xót xa khi được mục sở thị công trình cấp nước xóm Giếng Mật (xã Tân Hòa). Chưa đầy 7 năm từ khi đưa vào sử dụng nhưng công trình tiền tỷ đã bị bỏ hoang, trơ gan cùng tuế nguyệt.

Tại huyện Phổ Yên, với 9 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng từ năm 2007 đến 2012, với số tiền trên 9,5 tỷ đồng. Hiện nay, chỉ có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xóm Ao Sen, xóm Hạ Đạt thuộc xã Thành Công và xóm 12 - 13 thuộc xã Minh Đức là đang hoạt động tốt.

Công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Hạ (xã Phúc Thuận), xóm 14 - 15 (xã Minh Đức) và công trình xóm Đồng Muốn (xã Phúc Thuận) đã ngừng hoạt động. Còn 2 công trình hoạt động hiệu quả thấp, đó là công trình nước tại xóm Vạn Phú, xã Thành Công và công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Phúc Thuận.

Con số thống kê từ 5 đơn vị huyện khác (gồm Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa và huyện Võ Nhai) của tỉnh Thái Nguyên khiến nhiều người giật mình. Bằng đầu tư thông qua các chương trình 134, 135, 1592 và một số chương trình, dự án khác, đã có 177 công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng với tổng nguồn kinh phí lên đến 182 tỷ đồng.

Trong đó, số các công trình vẫn đang hoạt động có 97 công trình (chiếm 54,8 % tổng số lượng công trình đã được xây dựng); có 58 công trình hiệu quả sử dụng đạt thấp (chiếm 32,7% tổng số) và 21 công trình đã ngừng hoạt động hoàn toàn, chiếm 12,5%.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân các công trình hoạt động ít hiệu quả hoặc không hiệu quả được xác định là do địa hình đồi núi có độ dốc cao, thường hay xảy ra tình trạng sạt, lở đất đá làm gẫy đường ống; đường điện yếu, ảnh hưởng do sửa chữa đường giao thông và người dân canh tác đã làm vỡ ống dẫn nước; chất lượng của bể chứa nước chưa đảm bảo; các công trình đầu tư chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư không tập trung nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa có nguồn kinh phí khắc phục, sửa chữa…

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan đầu tiên phải kể đến là do công tác điều tra, khảo sát thiết kế xây dựng ở một số công trình chưa thật sự sát với thực tế; công tác quản lý, khai thác vận hành các công trình chưa tốt; ý thức bảo vệ công trình của người dân chưa cao; thậm chí có nơi người dân sử dụng nước để tưới chè, xả nước xuống ao nuôi cá.

Điều đáng nói đối với các công trình nước sinh hoạt tập trung do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường làm chủ đầu tư và quản lý thì đều hoạt động tốt và phát huy hiệu quả. Tại huyện Đại Từ, có 30 công trình, trong đó 21 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 16,1 tỷ đồng; 9 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 24,5 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, trong 21 công trình theo Chương trình 134, 1592 có 11 công trình hiệu quả hoạt động tốt, 7 công trình hiệu quả hoạt động thấp, 3 công trình ngừng hoạt động. 9 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư đến nay vẫn phát huy hiệu quả.

Đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến huyện, thậm chí cả chất vấn tại các cuộc họp HĐND các cấp. Vậy nhưng đến nay, Thái Nguyên vẫn chưa đề ra được giải pháp thiết thực nào để khắc phục, sửa chữa các công trình nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi người dân một số địa bàn vẫn kêu trời vì "khát nước".

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm