| Hotline: 0983.970.780

Phổ cập tin học cho thanh niên - công nhân

Thứ Hai 25/04/2011 , 10:44 (GMT+7)

Được triển khai từ đầu năm 2007, chương trình phổ cập tin học cho thanh TN-CN tỉnh Bình Dương đã mang đến những hiệu quả thiết thực.

"Phổ cập tin học cho thanh niên - công nhân, cán bộ xã phường đã góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh phong trào học tập và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội". Đó là nội dung thông điệp tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao kiến thức tin học cho thanh niên – công nhân và cán bộ đoàn” của Tỉnh đoàn Bình Dương, vừa được tổ chức.

Chắp cánh ước mơ

Được triển khai từ đầu năm 2007, chương trình phổ cập tin học cho thanh niên - công nhân (TN-CN) tỉnh Bình Dương đã mang đến những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao trình độ của đại bộ phân lao động trẻ. Hiện nay, hầu hết các công ty, xí nghiệp đang cần tuyển dụng những lao động có tay nghề, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Do đó, nội dung của đề án đưa ra rất thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế, đại diện Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, ban chỉ đạo đề án đã ký kết phối hợp với các sở, ngành, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng phòng máy vi tính cho các trường THCS, THPT và cấp phép đào tạo chứng chỉ A, B cho các trung tâm Internet ở 7 huyện, thị xã thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đối tượng chính là công nhân, chương trình còn hướng đến phổ cập tin học cho thanh, thiếu niên và cán bộ phụ nữ các xã, phường.

Anh Bùi Thế Hùng, Bí thư Huyện đoàn Thuận An cho biết: “Cái được lớn nhất của đề án này là ngoài cơ hội tìm việc làm mới còn tạo đà cho công nhân có điều kiện học lên cao hơn”. Thị trấn Thuận An là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh, với số lượng công nhân lớn nên nhu cầu về phổ cập tin học cao. Để hoàn thành kế hoạch phổ cập tin học cho 100% thanh niên – công nhân có đơn yêu cầu, Huyện đoàn đã chủ động phối hợp với các công ty mở lớp phổ cập tin học ngay trong các nhà xưởng.

 Nhiều khu nhà trọ trên địa bàn cũng được hỗ trợ máy vi tính để dạy cho công nhân. Tuy nhiên, do đội ngũ giảng viên tình nguyện còn thiếu, phần lớn phải nhờ các bạn đoàn viên nên chất lượng dạy học chưa cao, anh Hùng cho biết thêm.

Tại huyện Bến Cát, chương trình phổ cập tin học cũng đã mang đến một “làn gió mới” cho đời sống TN-CN ở đây. “Trong thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với Công đoàn Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh liên tục mở các lớp phổ cập tiểu học cho TN-CN. Hầu hết TN-CN đều rất hứng khởi tham gia chương trình. Sau khóa học, nhiều học viên đã đến đề đạt nguyện vọng muốn học lên cao hơn”, đại diện Ban chỉ đạo đề án của huyện Bến Cát phát biểu.

Nhiều công nhân tham gia đề án đã tìm được việc làm mới với mức lương cao hơn. Trường hợp anh Nguyễn Văn Xuân (học viên khóa 2009-2010) là một điển hình. Anh Xuân tâm sự: “Nhờ có chứng chỉ B tin học của chương trình phổ cập tin học cho TN-CN mà tôi được nhận vào làm ở một công ty liên doanh với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Sắp tới, công ty sẽ hỗ trợ cho tôi đi học thêm bằng kế toán để thay thế anh nhân viên cũ đã chuyển việc”.

Chương trình hay, cần nhân rộng

+ Đề án ngày càng triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp TN-CN, thu hút nhiều người đăng ký tham gia. Theo số liệu của BCĐ đề án, trong 4 năm đã tổ chức hơn 807 lớp với 19.283 học viên (đạt tỷ lệ gần 94%). Hơn 50% được cấp chứng chỉ tin học A, B có nguyện vọng học tiếp để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. 

+ Từ ngày 10/5 đến 28/9/2011, Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM cũng sẽ triển khai chương trình dạy miễn phí tin học và ngoại ngữ cho TN-CN tại các KCN, KCX trên địa bàn TP. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch phổ cập các kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ cho công nhân của TP.HCM do Quỹ Châu Á tài trợ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương (Sàn giao dịch việc làm tỉnh Bình Dương), trong các phiên giao dịch vừa qua, nhiều hồ sơ công nhân có kèm theo chứng chỉ tin học do đề án cấp đã được các doanh nghiệp chú ý. “Vài năm về trước, công nhân đến sàn giao dịch việc làm ít khi quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ tin học. Họ chủ yếu là lao động phổ thông, không có tay nghề. Nhưng hiện nay, do yêu cầu của các nhà tuyển dụng, hầu hết người lao động phải thông thạo tin học mới có cơ hội tìm được những công việc lý tưởng hơn”, ông Phương nói.

 Các doanh nghiệp tuyển dụng thường đặt ra yêu cầu về trình độ nguồn nhân lực như: khả năng sử dụng tin học và ngoại ngữ. Họ đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho TN-CN có nhu cầu học lên cao để quay trở lại phục vụ công ty. Cụ thể ông Lê Mạnh Hùng, đại diện Công ty TNHH Gỗ Tiến Đạt (Thuận An, Bình Dương) nói: “Công ty rất cần những lao động thông thạo tin học để có thể hoàn thành tốt công việc. Chúng tôi đã phối hợp với Huyện đoàn Thuận An mở nhiều lớp phổ cập tin học cho công nhân, giúp họ có cơ hội đảm đương những công việc mới trong công ty. Với những lao động này, công ty luôn có chế độ đãi ngộ hợp lý”.

Không chỉ tiến hành phổ cập tin học cho TN-CN trong các KCN, KCX… chương trình còn triển khai tại những xã vùng sâu, vùng xa. BCĐ đề án đã phối hợp với các đơn vị, cơ sở đào tạo tin học đề nghị hỗ trợ phương tiện và giảng viên xóa các “vùng trắng tin học”. Những địa phương vùng sâu của các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng (Bình Dương) và một số xã thuộc tỉnh Tây Ninh, Bình Phước cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Bên cạnh đó, BCĐ cũng chú trọng xây dựng đội ngũ hạt nhân tin học tại các xã, phường, thị trấn đạt trình độ A, B quốc gia về tin học...

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm