| Hotline: 0983.970.780

'Báo động đỏ' chất lượng nước 2 vùng nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ

Thứ Sáu 26/04/2024 , 21:16 (GMT+7)

Chất lượng nước vùng nuôi tôm hùm tại Xuân Yên, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và Xuân Tự, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ở mức kém (AWQI = 36 - 38).

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước ở vùng nuôi tôm hùm huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước ở vùng nuôi tôm hùm huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đó là cảnh báo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt là Viện III) sau khi có thông báo kết quả quan trắc (đợt 9) vùng nuôi tôm hùm trọng điểm tại các tỉnh Nam Trung bộ vào ngày 23/4 vừa qua.

Vùng nuôi Xuân Yên, Xuân Tự chất lượng nước kém

Từ kết quả phân tích mẫu nước vùng nuôi tôm hùm, trầm tích và tôm hùm, Viện III nhận thấy: Chất lượng nước các vùng nuôi tôm hùm trong đợt quan trắc đánh giá theo chỉ số AWQI hầu hết ở mức tốt đến rất tốt, ngoại trừ vùng nuôi Xuân Yên, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) và Xuân Tự, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ở mức kém (AWQI = 36 - 38).

Trước tình hình trên, Viện III khuyến cáo bà con cần hạ lồng nuôi ở tầng nước thích hợp, đồng thời tăng cường che mát lồng/bè bằng lưới lan, nhằm giảm tác động của nhiệt độ đến sức khỏe tôm hùm nuôi. Bởi nhiệt độ nước ở tất cả các vị trí đo ở Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) và ven bờ Xuân Tự (huyện Vạn Ninh) đều vượt giới hạn cho phép.

Người nuôi nên treo túi vôi quanh lồng/bè (khoảng 2kg vôi/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio spp. cao (Vibrio spp. vượt giới hạn cho phép từ 1,2 – 3,5 lần) ở tất cả các khu nuôi và ven bờ vùng nuôi Xuân Thành (thị xã Sông Cầu), Lạch Cổ Cò và Xuân Tự (Vạn Ninh).

Bên cạnh đó, người nuôi cần san thưa mật độ tôm hùm ở các lồng phù hợp với từng giai đoạn tôm nuôi, vệ sinh lưới lồng, thu gom thức ăn thừa sau mỗi lần tôm ăn xong. Đồng thời giữ khoảng cách giữa các bè nhằm tạo sự thông thoáng, tăng khả năng trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi, giảm hàm lượng N-NH4+ và giảm sự tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan trong nước (N-NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 1,2 -2 lần ở vùng nuôi Xuân Yên, Xuân Tự và ven bờ Xuân Phương, Xuân Thành).

Người nuôi cần thu gom thức ăn thừa của tôm hùm để đưa vào bờ xử lý, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Ảnh: KS.

Người nuôi cần thu gom thức ăn thừa của tôm hùm để đưa vào bờ xử lý, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Ảnh: KS.

Ngoài ra, người nuôi cần chuẩn bị máy sục khí, bình oxy phòng khi tôm nuôi bị ngợp do oxy hòa tan (DO) thấp cục bộ. Theo đó, hàm lượng DO thấp hơn giới hạn cho phép tại vị trí ven bờ các vùng nuôi Xuân Thành, Xuân Phương, Xuân Tự, Bình Ba; vị trí ven bờ và khu nuôi Xuân Yên.

Trong quá trình nuôi cần thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi. Bởi kết quả phân tích mẫu trầm tích cho thấy, hầu hết các thông số tăng nhẹ so với đợt quan trắc vào tháng 2/2024, ngoài ra bề mặt đáy các vùng nuôi có nhiều vỏ ốc, sò và hàu.

Viện III cũng đã phân tích tác nhân gây bệnh sữa (RLB) giám sát trên tôm hùm nuôi ở Xuân Phương, Xuân Yên và Lạch Cổ Cò cùng chiếm 16,7% (1/6 mẫu mỗi vùng). Vi khuẩn V. alginolyticus (gây đỏ thân tôm hùm) ở Xuân Phương, Xuân Yên chiếm 33,3% (2/6 mẫu mỗi vùng), ở Lạch Cổ Cò chiếm 50% (3/6 mẫu).

Vì vậy, khi phát hiện tôm hùm có dấu hiệu đỏ thân, người nuôi có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật (theo TBKT 03-02:2017/BNN&PTNT) để điều trị bệnh cho tôm, đồng thời bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng vào thức ăn của tôm nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện mật độ vi khuẩn Vibrio spp. trong mẫu tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa cao.

Cần chủ động thời tiết nắng nóng cho tôm nuôi

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới thời tiết tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt (Phú Yên).

Bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Vì vậy, Viện III khuyến cáo người nuôi cần theo dõi thường xuyên các bản tin thời tiết ở khu vực để có các biện pháp tránh nắng nóng cho tôm hùm nuôi kịp thời như: che lưới trên bề mặt lồng/bè, hạ lồng nuôi ở tầng nước phù hợp, cung cấp oxy cấp thời... Đồng thời không đặt lồng nuôi ở nơi có độ sâu <8m nước, đảm bảo khoảng cách giữa lồng nuôi và mặt nước >2m.

Chủ động theo dõi môi trường vùng nuôi, tôm nuôi như: màu nước, hoạt động của tôm nuôi (tôm có biểu hiện khác thường, ăn chậm, ăn kém) để ứng phó kịp thời. Ngoài ra, người nuôi cần chủ động phòng bệnh cho tôm phát triển mạnh trong mùa nắng nóng như: bệnh sữa, bệnh đỏ thân.

Sau khi nhận kết quả quan trắc môi trường nước nhận thấy: Vùng Lạch Cổ Cò (Vạn Thạnh) có mật độ Vibrio spp. vượt giới hạn cho phép; vùng Xuân Tự (Vạn Hưng) có chất lượng nước kém, nhiệt độ, hàm lượng N-NH4+ vượt giới hạn cho phép và hàm lượng DO thấp, phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đã có văn bản đề nghị UBND các xã, thị trấn có biển quan tâm phối hợp thông báo rộng rãi cho ngư dân ở địa phương nắm bắt các thông số liên quan đến các yếu tố môi trường, dịch bệnh; đồng thời, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Viện III.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.