| Hotline: 0983.970.780

Sơn La đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Năm 18/05/2017 , 09:13 (GMT+7)

Bà Điêu Thị Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã chủ động, sáng tạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có dự án đâò tạo nghề cho lao động nông thôn.

17-26-51_chi-em-phu-nu-x-chieng-bng-quynh-nhi-tich-cuc-tng-gi-sn-xut
Chị em phụ nữ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai tích cực tăng gia sản xuất

Bà Điêu Thị Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Từ năm 2014 đến nay ,huyện đã mở được 10 lớp đào tạo nghề với các nghề như: gò, hàn, kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm; nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, bảo quản cá nước ngọt. Đặc biệt, mở lớp đào tạo nghề nuôi cá lồng, giúp bà con nông dân khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Cụ thể, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng LĐ, TB- XH, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên nông dân các xã, giúp họ hiểu rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa, hiệu quả của Đề án đào tạo nghề. Qua đó, nông dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất chính trên quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bà Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai thông tin: “Những năm qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được 1.355 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, có 55.770 lượt hội viên nông dân tham gia. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai công tác ủy thác cho vay, thành lập được 65 tổ với 1.974 hộ hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ của Hội Nông dân huyện quản lý trên 54 tỷ đồng. Qua đó giúp cho hội viên nông dân nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo, bền vững".

Đến nay, Quỳnh Nhai có 11 xã có điện lưới quốc gia, 6 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 3 xã đạt chuẩn NTM. Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cán bộ cấp xã tỉnh Sơn La đến năm 2020" theo Quyết định số 03 của UBND tỉnh, giúp người lao động trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững, huyện thẩm định hồ sơ đề nghị cho trên 2.000 lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 58.500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động nông thôn... Nhờ đó, nhiều học viên đã có thu nhập ổn định từ các mô hình nuôi trồng thủy sản, đan lưới và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Là xã thuần nông, Chiềng Bằng có hơn 6.500 nhân khẩu, trong đó trên 4.000 người ở độ tuổi lao động, do vậy việc lựa chọn nghề để đào tạo là rất cần thiết. Qua các lớp dạy nghề, người dân dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Đến nay, toàn xã có hơn 1.400 người lao động trong độ tuổi được tham gia các lớp dạy nghề, đưa xã Chiềng Bằng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào tháng 11/2016.

Anh Lò Văn Ban, GĐ HTX  Nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban, bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, cho biết: “Trước kia gia đình tôi cũng khó khăn, nhờ được chuyển giao kỹ thuật về áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình tôi năm 2016 đã nuôi được 80 con lợn thịt. Hiện gia đình có hơn 80 lồng cá, năm 2016 nuôi 5 loại gồm cá nheo, cá lăng, cá trắm, cá chép và cá rô. Nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình tôi thu nhập cả cá và lợn hơn 300 triệu đồng/năm”.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, chú trọng đào tạo các nghề cho lao động nông thôn và những định hướng cụ thể, thiết thực sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công đào tạo nghề. Từ đó sẽ tạo tiền đề giảm nghèo bền vững ở huyện Quỳnh Nhai.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.