| Hotline: 0983.970.780

Tết đến, quê tôi chộn rộn, vui lắm, hồn tết quê ít nhiều vẫn đọng lại!

Thứ Sáu 02/03/2018 , 07:15 (GMT+7)

Khi định khép lại loạt bài tết quê, thì nhận được ghi chép giản dị này. Nó như nốt nhạc dịu nhẹ, để lẫn trong âm thanh hỗn tạp ở nhiều vùng quê khác thì vẫn có thêm kỳ vọng, rằng thời gian có biến đổi, thì hồn tết quê ít nhiều vẫn đọng lại trong tâm trí những người con Việt.

I. Xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa- xứ Nẫu (Phú Yên) quê tôi, mọi người cứ gọi vui là xã bông bí, bởi soi sông Ba vào mùa xuân dọc hai bên bãi trải vàng hoa bí, vàng tươi hoa mướp, ong bướm lượn từng đàn. Và, tết đến quê tôi chộn rộn, vui lắm!

20-24-13_1
Ngày tết, nhà gia đình nào quê tôi cũng trang trí nhà cửa

Qua rằm tháng Chạp, xóm họ Huỳnh, thôn Phước Nông nhà tôi, nhà nào cũng trồng từng hàng bông vạn thọ nở rực rỡ và vuông rau xanh mượt chờ ăn tết.

Xóm có khoảng 20 nóc nhà. Bà con sống hòa thuận. Ngày thường, xóm khá vắng vẻ, êm đềm vì nhiều cô chú, anh chị đi làm ăn xa và con em đi học ở các TP lớn. Thế nhưng giáp tết cả xóm ùa về reo vui vì bất ngờ đón người thân, anh em hối hả “về quê ăn tết”.

Tôi nhớ hồi đi học đại học ở Nha Trang, ba mẹ cũng trông mong con về nhà sớm. Cảm giác mong được "về quê ăn tết" của người xa xứ bao giờ cũng khao khát, vì được nhìn lại ngôi nhà nơi mình sinh ra, nhìn lại nơi tuổi thơ của mình đã đi qua với bao kỷ niệm đầy ắp thân thương, được khấn vái, được thắp nén hương thơm trước mộ tổ tiên, ông bà ông vải, được gặp bạn bè…

20 tháng Chạp trở ra tết quê tôi đã đậm đà lắm rồi, không khí đường làng chộn rộn, tấp nập. Sau ngày 22, chợ thôn Phước Nông bắt đầu đông vui, bày bán đủ thứ. Nào quần áo, bánh kẹo, đến vật dụng sinh hoạt, trang trí trong nhà, dù giàu hay nghèo khó bà con cũng bỏ ra ít tiền mua sắm.

Quê tôi còn tổ chức đút bánh in, đổ bánh thững, làm mứt gừng, rim dừa và phơi củ kiệu, đu đủ thái lát nhỏ để chế biến dưa món. Đặc biệt, món ăn đặc trưng không thể thiếu ở xứ Nẫu, là thịt heo (hay tai, mũi heo) ngâm mắm đường.

20-24-13_5
Dưa món và thịt heo rộng mắn không thể thiếu

Thịt heo sau khi luộc chín vớt ra để ráo, bỏ vào hỗn hợp nước mắm ngon đã nấu sôi với đường trắng để trong hũ thủy tinh chừng 1 tuần. Do ngâm mặn nên món này ăn lai rai từ tết đến ra Giêng.
 

II. Đến ngày 27, bếp lửa bập bùng, nồi nước sôi ùng ục, tiếng heo (lợn) kêu eng éc từ đầu xóm trên đến xóm dưới. Tuỳ con heo lớn, nhỏ mà nhiều nhà hay ít nhà chung nhau “đụng”.

Sau khi heo chọc tiết, làm sạch, xẻ thịt ra chia đều từng nhà cả phần thịt, xương, long, tiết... Bữa cơm trưa hôm ấy thế nào cũng có món lòng lợn tiết canh và thịt luộc nóng hổi. Người lớn ngồi lại ăn món thịt heo, nhâm nhi với ly rượu đế nói chuyện ngày xuân, còn bọn trẻ được bữa ăn no, chạy nhảy vui sướng.

Buổi tối, các nhà tụm lại làm thịt heo, gói bánh chưng. Mọi người xúm quanh chiếc nia giữa nhà, người gói bánh, kẻ buộc lạt cho bánh chặt, không bung ra. Bánh gói xong xếp vào thùng hoặc nồi lớn, nổi lửa lên. Nồi bánh chưng sùng sục sôi suốt đêm, lửa hồng nhảy nhót, trông thật ấm cúng.

Ngày 30 tết dành cho việc hoàn tất nhà cửa, bày mâm ngũ quả, chuẩn bị mâm cơm, trong đó phải có con gà luộc hay đầu heo cúng tất niên. Đêm 30 tết vui lắm, hàng xóm ngồi với nhau uống nước trà, chuyện như pháo cối. Còn đường làng tối đen nhưng lúc nào cũng có người đi lại cho tới gần giao thừa. Đêm 30, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Ba bảo đêm nay cả nhà thức đón giao thừa.

Nhìn gương mặt ai cũng tươi vui, háo hức. Và, lòng tôi lại bồi hồi cảm động vì thời khắc giao thừa giữa năm cũ và nắm mới thật thiêng liêng. Sáng mùng 1 tết, bố tôi dặn mọi người phải nói lời hay ý đẹp, vui tươi với nhau để cả năm gặp toàn chuyện vui, may mắn. Đặc biệt, nhà nào cũng kiêng quét nhà sang mùng 1. Bởi theo quan niệm cũ, quét nhà là quét đi tài lộc, gia cảnh sẽ nghèo túng. Nếu có quét thì không quét ra ngoài cửa, quét vô đụn lại một góc hót sau. 

Sau khi làm cỗ cúng tổ tiên. Cả nhà quây quần ăn bữa cơm đầu xuân, rồi đi chùa đầu năm, đi chúc tết ông bà, họ hàng. Mấy ngày tết, các sòng bầu cua đánh vui từ 5.000 đến 10.000 đồng luôn náo nhiệt. Ai cũng ghé ngang đặt vài tờ với quan niệm nếu trúng thì “ăn lấy hên đầu năm”, lỡ trật thì “thua xả xui cuối năm”.
 

III. Mỗi năm, mỗi tết qua đi, tuổi tôi mỗi lớn khôn. Nhưng mỗi lần sắp đến tết, tôi lại bùi ngùi, mong ngày về sum họp.

20-24-13_2
Nhà nào cũng trồng hàng bông vạn thọ và vuông rau xanh trong vườn đón tết

Tết Mậu Tuất này, tôi được nghỉ sớm. Ngày 27 tết, tôi đã có mặt ở nhà. Các cô chú, anh em gần xa cũng đã trở về quê ăn tết. Bông vạn thọ, mai vàng ở góc vườn từng nhà cũng đã nở rực báo xuân sang. Nhà anh Sáu, anh Bửu, chú Bảy liên tục mở nhạc xuân với giai điệu đầy hân hoan, phấn khởi. Tôi nghe mà muốn tết cứ đến mãi.

Cũng mừng cho quê tôi đã “thay da đổi thịt”. Nhưng điều tôi ngạc nhiên dù đã 28 tết rồi, mà buổi sớm tịnh không nghe tiếng heo kêu, xung quanh yên tĩnh. Chỉ tiếng đài phát thanh của xã phát như thường lệ. Tôi hỏi má, tết nhà mình có đụng heo với ai không? Má đáp: "Má đã mua thịt các lò mổ rồi và cũng ngâm thịt mấm đường vài kí".

Thật ra từ mấy năm nay, làng tôi không còn đụng heo nhiều như trước. Vì trong làng có đến 3 lò mổ, nhà nào có nhu cầu mua thịt thì đặt hàng các lò mổ hoặc ra chợ mua cho tiện.

Sáng 29 tết, tôi chở mẹ đi chợ cách nhà 6 cây số. Chứng kiến chợ tết quê lúc nào cũng đông vui, gần gũi. Sản vật thôn quê như chuối, bông lay ơn, gà...được trao đổi, mua bán tấp nập, trong tiết trời hanh hao nắng ấm ngày cuối năm. Và, đêm 30 đã tới, gia đình tôi lại quây quần xem táo quân, thức cho đến giao thừa rồi xuất hành “hái” lộc như mọi năm.

20-24-13_3
Tục lệ chúc tết là nét đẹp không thể thiếu ở quê tôi

Sáng mùng 1, sau khi đi lễ chùa, tôi cùng gia đình chúc tết ông bà ngoại. Mừng cho tôi vì năm nay đã có con, ông ngoại rót cho tôi ly rượu chuối hột đầy, uống ngọt lịm. Rồi ông rút bao lì xì đỏ mừng tuổi!

Năm nay tôi sang nhà bác Bảy chúc tết đầu tiên. Nhìn chậu mai nở vàng rực từ gốc đến ngọn tôi cứ tấm tắc khen. Bác tươi cười, mời tôi dùng bánh mứt, uống ly rượu đầu xuân. Ngày tết là thế, tôi không biết mình đã uống bao nhiêu ly bia, rượu. Thế nhưng gặp nhau ngày tết “uống chẳng bao giờ say” bởi gặp nhau là mừng lắm.

Rồi tết hết, tôi trở lại cơ quan, khi viết những dòng này, tôi lại nhớ những ngày tết quê tôi. Tôi nhớ mâm cơm tết, mẹ dọn lên bữa nào cũng tinh tươm: Đủ thứ thịt kho, thịt gà, thịt vịt, bánh tráng, dưa kiệu, bánh tét…

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm