| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ hết vướng mắc, biến cá ngừ thành 'mỏ tiền' của ngư dân

Thứ Hai 22/05/2017 , 07:15 (GMT+7)

Mới đây, tại tỉnh Phú Yên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. 

16-00-52_1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết quả thực hiện đề án.
 

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nghề khai thác cá ngừ đại dương mới du nhập vào Việt Nam vào năm 1994, tuy mới mẻ, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh cả về số lượng tàu đánh bắt, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Và bây giờ, Bộ NN-PTNT đã xác định cá ngừ đại dương là 1 trong 4 đối tượng chủ lực, là sản phẩm quốc gia đối với ngành thủy sản trong thời gian tới.

Do vậy, Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” ra đời vào giữa năm 2014 được thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là nhằm hướng việc khai thác và tiêu thụ cá ngừ đi theo hướng bền vững, mang lại thu nhập cao hơn cho ngư dân.

Mới chỉ qua 2 năm triển khai thực hiện trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, nhưng bằng đam mê và nỗ lực, ngành nông nghiệp cùng ngư dân 3 tỉnh nói trên đã đạt được những kết quả đáng kể, trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay tổng số tàu cá khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 2.372 chiếc; trong đó Bình Định chiếm số lượng cao nhất với 1.329 chiếc, Phú Yên 578 chiếc và Khánh Hòa 465 chiếc.

Tổng sản lượng khai thác cá ngừ của 3 tỉnh trong năm 2016 là 92.192 tấn; trong đó Bình Định đạt 53.860 tấn, Phú Yên đạt 10.812 tấn và Khánh Hòa đạt 27.520 tấn; sản lượng cá ngừ mắt to và vây vàng là 17.542 tấn, cá ngừ vằn 74.650 tấn.

Triển khai thí điểm liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, Bình Định đã xây dựng được mô hình 25 tàu cá đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản. Nổi bật có nhóm tàu chuyên nghề vây cá ngừ của ngư dân Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) với hình thức góp vốn và tổ chức liên kết giữa các tàu khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Đội tàu của ông Ninh gồm 16 chiếc đánh bắt, luân phiên vận chuyển cá vào bờ tiêu thụ theo sự phân công của ông Ninh. Chủ đội tàu khuyến khích, kêu gọi thuyền viên góp vốn vào tàu mình đang đi, chi lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn, cách làm này khiến ngư dân có trách nhiệm hơn trong quá trình đánh bắt.

Ở Khánh Hòa có mô hình liên kết giữa Cty TNHH Thịnh Hưng và Tổ Hợp tác nghề cá Phước Đồng với hơn 60 chủ tàu tham gia. Cũng ở Khánh Hòa có Cty TNHH Hải Vương nhập khẩu 2 tàu cá của Nhật Bản hoạt động nghề câu kiêm làm dịch vụ hậu cần với hệ thống đông lạnh sâu -500 độ C nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch cho các đội tàu khai thác.

Đặc biệt, Cty Yanmar Việt Nam sẽ đóng 180 tàu câu cá ngừ với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, xây dựng chuỗi hoàn chỉnh. Công ty đào tạo, chuyển giao công nghệ khai thác, sơ chế, bảo quản cho ngư dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.

16-00-52_2
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát DN chế biến thủy sản Nguyễn Hưng.

Năm 2014 Cty Yanmar Việt Nam đã đóng và hạ thủy tàu cá đầu tiên, chuyển giao cho ngư dân sử dụng thử nghiệm. Tàu cá của Cty Yanmar Việt Nam sử dụng công nghệ dự báo ngư trường tức thời của NOAA; sử dụng hệ thống chiếu sáng ngầm đặt sâu xuống nước, sử dụng mồi giả, thời gian chuyến biển rút ngắn khoảng 15 ngày. Kết quả bước đầu cho thấy năng suất, chất lượng sản phẩm rất khả quan.
 

Để cá ngừ thành “mỏ tiền”

Sau khi nghe các địa phương, các doanh nghiệp và ngư dân báo cáo những thành tựu đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực hiện chuỗi cá ngừ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tiềm năng khai thác cá ngừ của nước ta còn rất lớn, những gì đã đạt được chưa xứng. Năng lực tổ chức SX, phương tiện SX, công nghệ chế biến cần phải được nâng cao.

“Những mô hình hay đã xuất hiện, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào đánh bắt, bảo quản và chế biến chưa nhiều. Đặc biệt mối liên kết giữa đánh bắt và tiêu thụ còn rời rạc và khâu chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị cao chưa được được quan tâm đúng mức. Ngành hàng cá ngừ mới chỉ được các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường xuất khẩu, trong khi tiềm năng tiêu thụ trong nước, nhất là đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là không nhỏ nhưng còn bị bỏ ngỏ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tại 3 tỉnh phát triển mạnh nghề đánh bắt cá ngừ, hậu cần nghề cá phát triển chưa tương xứng. Cảng cá, chợ đầu mối, chợ đấu giá cá ngừ chưa xuất hiện nên chưa phát huy hết hiệu quả.

“Qua hội nghị này, giao Tổng cục Thủy sản rà soát cơ chế, chính sách dành cho ngành hàng cá ngừ còn gì vướng mắc, cần tháo gỡ gì, đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét. Ngành thủy sản và các tỉnh đang thực hiện chuỗi cá ngừ cần phải có tổng kết sâu các mô hình, đúc kết mô hình hiệu quả nhất để nhân rộng, nhất định phải phát triển ngành hàng cá ngừ đúng với tiềm năng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

+ Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: 


 

Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” rất kịp thời và phù hợp với thực tế. Bởi, với 2.372 tàu cá khai thác cá ngừ và khoảng 20 ngàn ngư dân tham gia khai thác luôn mong muốn có thu nhập cao để ổn định đời sống, mà muốn tăng thu nhập thì sản phẩm phải bán được giá cao. Thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đã giúp được ngư dân chạm được tới mong ước đó”.

+ Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Cty CP Thủy sản Bình Định: 

16-00-52_4
 

Tàu đánh bắt cá ngừ vào bờ theo con trăng nên về dồn dập, trong khi hạ tầng các cảng cá ở Bình Định chưa đáp ứng được, do đó dù tàu đã cập bờ nhưng phải mất vài ngày sản phẩm mới được đưa lên bờ tiêu thụ. Khi cá đã lên bờ còn phải chịu “phơi nắng” vì chưa có nhà lồng. Vì vậy chất lượng cá ngừ giảm sút.

+ Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ 2 tàu cá ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên:

16-00-52_5
 

Hai tàu cá của tôi tuy là tàu gỗ, công suất không lớn lắm nhưng được trang bị những trang thiết bị hiện đại nên tiết kiệm được sức lao động, giảm được chi phí, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Nhờ đó mối liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp Bá Hải ngày càng thắt chặt, tàu làm ăn có lãi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm