Mỹ và ông Trump bị phớt lờ
AP cho biết hội nghị được đồng tổ chức bởi nước chủ nhà Pháp và Ngân hàng Thế giới (WB). Tham dự hội nghị có lãnh đạo một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mexico, Nhật Bản, Hà Lan hay Fiji-đảo quốc chịu ảnh hưởng khắc nghiệt từ thời tiết và những nhân vật nổi tiếng gồm cả tỉ phú Bill Gates, Richard Branson, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry….Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị những người tổ chức hội nghị “phớt lờ” không mời.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) ở Hội nghị khí hậu Paris hôm 12/12 |
Tờ Times cho biết hồi tháng 11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết sẽ chỉ mời ông Trump nếu Mỹ “thể hiện thái độ muốn gia nhập đội” chống biến đổi khí hậu. Nhưng chính quyền ông Trump đã không thể hiện dấu hiệu nào tích cực, đồng thời tiếp tục cho thấy sẽ là “nhà vô địch” trong việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch. “Anh không thể đòi tái đàm phán với 180 hay 190 quốc gia. Anh không đồng ý (với hiệp định về môi trường), vậy kế hoạch B của anh đâu? Tôi không thấy kế hoạch B nào cả”-ông Macron tuyên bố. Kết cục là ông Trump đã vắng mặt ở hội nghị, tổ chức tại Bouloge-gần thủ đô Paris. Tại đây, một cách công khai hoặc tế nhị, nhiều ý kiến đã lên tiếng chỉ trích ông Trump, trong đó bao gồm cả những tiếng nói từ Mỹ.
Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg cho rằng, ông Trump đang nợ những nhà hoạt động môi trường một lời cảm ơn vì các hoạt động chống biến đổi khí hậu. Thống đốc bang California, Jerry Brown thì tuyên bố, đã đến lúc ông Trump nên sát cánh cùng thế giới, thay vì đi ngược lại với số đông.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng phản bác quan điểm của ông Trump khi cho rằng, hàng tỉ USD của Mỹ sẽ bị chảy ra nước ngoài một cách vô ích với cam kết đầu tư cho các chương trình chống biến đổi khí hậu. Nhiều chuyên gia khí hậu khẳng định đối với các nước tham gia hiệp định và cả những nước chi tiền đầu tư, việc này chỉ có lợi chứ không thiệt. Đơn cử hồi tháng trước, Pháp đã hứa hẹn sẽ đầu tư cho các dự án môi trường ở Burkina Faso và Tổng thống Macron tự tin, Pháp sẽ thành đối tác của nước này. Tương tự, Trung Quốc cũng đầu tư vào dự án năng lượng sạch ở nhiều quốc gia.
Nguy cơ trượt mục tiêu
Theo thoả thuận khí hậu Paris, các nước phát triển được kêu gọi đầu tư 100 tỉ USD cho các dự án liên quan, bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, các nước vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu này. Sau khi rút khỏi hiệp định, chính quyền ông Trump cũng rút luôn cam kết 2 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF). Thoả thuận Paris cũng hướng tới mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá mức 2 độ C (3,6 độ F) tại thời điểm năm 2100. Nhưng theo các chuyên gia của Chương trình Khí hậu Liên Hợp Quốc (UNEP), cam kết hiện tại từ các quốc gia chỉ đảm bảo giữ nhiệt độ trái đất thời điểm trên tăng ở mức 3,2 độ C (5,8 độ F).
Tại hội nghị Paris, ông Macron đã kêu gọi các quốc gia cần hành động khẩn trương hơn. “Chúng ta đã hành động chưa đủ nhanh. Cần nhanh hơn nữa trong cuộc chiến này”-Tổng thống Macron cho biết.
Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama kêu gọi các quốc gia đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các chương trình khí hậu và đầu tư năng lượng sạch. Theo ông Bainimarama, thế giới “đang chung con thuyền” về khí hậu.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết, WB sẽ tạm thời dừng hỗ trợ tài chính cho các dự án dầu mỏ và khí đốt tổi thiểu trong 2 năm tới. Các tỉ phú Bill Gates, Branson đưa ra hàng loạt dự án quốc tế với mức đầu tư hàng tỉ USD chống biến đổi khí hậu. Trước đó một hôm, Tổng thống Macron cho biết sẽ cấp nhiều triệu USD cho 18 nhà khoa học môi trường danh tiếng đang làm việc tại Mỹ để những người này chuyển sang Pháp. Times nhận định, ông Macron đang đưa Pháp trở thành quốc gia lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh Mỹ rút lui, còn tại Đức, vị thế của Thủ tướng Angela Merkel yếu đi.