Mỗi năm trừ chi phí anh Vượng còn lãi khoảng 800 triệu đồng
Quãng chục năm trước, anh mạnh dạn viết đơn xin chính quyền đấu thầu 8ha đất hoang để nuôi tôm, cua nước lợ. Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng vợ chồng anh gàn dở, tự dưng làm liều đổ gần 600 triệu đồng đầu tư vào mảnh đất cho không cũng chẳng ai làm. Nhưng với niềm tin và sự ủng hộ của người thân, anh Vượng đã “biến sỏi đá thành cơm”.
Năm 2008, sông Nghèn được ngọt hóa, vợ chồng anh lại bàn nhau chuyển đổi sang chăn nuôi cá, gà, vịt. Vụ đầu tiên, nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật từ chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ dịch bệnh nên mấy sào ao đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh trên 100 triệu đồng/năm. Dần dần có vốn anh tiếp tục xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái theo phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Những tưởng giai đoạn khó khăn qua đi, đùng một cái đàn lợn nái mấy chục con của anh đổ bệnh chết dần chết mòn. Thất bại liên tiếp, anh tìm đến các hộ chăn nuôi trong vùng, mày mò trên sách báo, trang mạng, ti vi để tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Vừa tái đàn chưa được bao lâu thì trận lũ lịch sử năm 2010 ập đến cuốn đi toàn bộ tài sản, gia đình anh lại thêm một lần trắng tay.
“Thời điểm đó vợ chồng tôi điêu đứng lắm, nợ chồng nợ, lãi thấp dồn lãi cao. Nhưng nghĩ giờ không chăn nuôi cũng chẳng biết làm gì nên tôi lại bàn vợ tìm kế đầu tư lại từ đầu. Cũng may trời không phụ công người, sau nhiều năm cố gắng nay trang trại của tôi mở rộng được quy mô lên hơn 500 con vịt đẻ; 16 - 17 tấn cá mỗi năm; 20 con lợn nái và hơn 200 con lợn giống, thương phẩm. Bình quân doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 800 triệu đồng”, anh Vượng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đạt hiệu quả, anh Vượng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải gắn bó với vật nuôi và có biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường, tiêm phòng vacxin định kỳ cũng phải được quan tâm hàng đầu...