| Hotline: 0983.970.780

Thư viện Tình Quê, giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật

Thứ Năm 26/05/2016 , 06:05 (GMT+7)

Một chuyến công tác đi ngang xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn, Bình Định), tôi tình cờ nhìn thấy tấm biển ghi “Thư viện Tình Quê” treo trước ngôi nhà khá khang trang. Dòng chữ trên tấm biển đã kích thích trong tôi sự tò mò.

Không gian của căn nhà được thiết kế không phải để làm thư viện. Tuy nhiên, căn nhà khá rộng rãi cũng đủ để bày 2 bên tường 3 dãy tủ to và dài, đủ chứa đến 3.000 đầu sách các loại. Giữa những tủ sách được bày 1 cái bàn dài dành cho những người ghé thư viện ngồi đọc sách.

Theo cô gái tên Nguyễn Thị Thu Thảo (25 tuổi), đang trông coi thư viện, người sáng lập ra thư viện này là ông Trần Xuân Hạ, năm nay đã 80 tuổi, người quê thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn), hiện đang định cư tại 66 Yên Đổ (TP Pleiku, Gia Lai). Thư viện Tình Quê bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2014.

Dạo quanh các tủ sách, tôi không thể không buột miệng thốt lên: “Phong phú”! Đủ mọi thể loại, từ thơ ca, văn xuôi, các tác phẩm lớn của những tác giả nổi danh trong nước và quốc tế. Thế nhưng đầu sách chiếm số lượng lớn trong thư viện Tình Quê là sách phục vụ cho thiếu nhi, học sinh và sách khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, bí quyết chăn nuôi.

“Những ngày cuối tuần thư viện rất đông đúc, bởi các em học sinh được nghỉ học, tìm đến đây đọc sách. Hàng ngày thì các cụ già về hưu trong địa phương tìm đến thư viện đọc thơ, trò chuyện, nhiều nhất là các bác nông dân đọc các sách hướng dẫn quy trình sản xuất các loại cây và nuôi con đặc sản”, Thảo cho biết.

12-31-30_1
Cô thủ thư Nguyễn Thị Thu Thảo xếp sách mới vào tủ

Thảo đã tốt nghiệp khoa Tin, Đại học Quy Nhơn. Vì sức khỏe không cho phép nên Thảo không thể đi làm xa nhà. Thông cảm hoàn cảnh đứa cháu cùng quê, cụ Hạ nhận Thảo vào làm thủ thư cho thư viện Tình Quê với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.

“Cứ 2 năm thư viện nhận sách mới 1 lần từ những người con trai của cụ Hạ mua từ Sài Gòn gửi về. Trong hệ thống thư viện Tình Quê do cụ Hạ thành lập, tại tỉnh Bình Định còn 1 thư viện khác đang hoạt động tại thôn Chánh An, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Ngoài sách mua mới, các thư viện trong hệ thống thường xuyên trao đổi sách cho nhau để tăng thêm sự phong phú, phục vụ được nhiều bạn đọc”, Thảo cho hay.

Liên lạc qua điện thoại, cụ Trần Xuân Hạ nói về việc thành lập hệ thống thư viện của mình rất đơn giản: “Tôi vốn là giáo viên nên rất quý chữ nghĩa. Tôi nghĩ cái thư viện nho nhỏ này sẽ phần nào giúp các cháu mở mang kiến thức, giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ KHKT. Tôi còn nghĩ, nơi nào có nhiều người đọc sách chắc chắn nơi đó sẽ ít có tội phạm”.

12-31-30_2
Những cuốn sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi

Không chỉ mở các thư viện ở các vùng nông thôn, cụ Trần Xuân Hạ còn quan tâm chăm lo những học sinh con nhà nghèo hiếu học. Hàng năm, cụ Hạ dành cho các học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Nhơn Khánh 40 suất quà, mỗi suất quà 300.000đ để động viên các cháu. Đồng thời cụ Hạ còn mở Qũy Khuyến học thời động viên các cháu thi đỗ điểm cao vào các trường đại học hàng năm, nhằm động viên các cháu trong việc học tập. Ngoài ra, cứ đến ngày 12 tháng Chạp hàng năm là cụ Hạ về quê tặng quà cho các cụ già neo đơn.

Sự đóng góp của cụ cho quê hương không phải là vật chất của cải, nhưng còn quý hơn cả của cải, tiền bạc; đó là sự định hướng cho thế hệ tương lai hướng đến điều hay lẽ phải trong cuộc đời qua những trang sách, để sau này quê hương sẽ có những “rường cột” vững chắc giúp ích cho xã hội.

“Tôi bây giờ đã 80 tuổi, không thể làm gì để kiếm ra tiền. Nhưng những đứa con của tôi cũng nhờ hiếu học, giờ thành tài, làm ăn có của ăn của để. Khi biết nguyện vọng của tôi, chúng cho tôi tiền để mua đất, cất nhà, mua sách thành lập thư viện”, cụ Trần Xuân Hạ chia sẻ.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.