| Hotline: 0983.970.780

Tôm giống có vấn đề, người nuôi thiệt hại, vẫn chưa 'truy' ra ai chịu trách nhiệm?

Thứ Tư 13/09/2017 , 07:15 (GMT+7)

Sau hơn một tháng kể từ ngày nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh phản ánh hàng chục ha nuôi tôm thẻ chân trắng vụ xuân hè 2017 ở Hà Tĩnh chậm lớn bất thường, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức.

14-19-02_nh1
Văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản hỗ trợ tìm nguyên nhân tôm chậm lớn của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Từ người nuôi đến cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng nguyên nhân là do “lỗi tôm giống bố mẹ”. Vậy, chất lượng giống kém, ai sẽ là người chịu trách nhiệm với những thiệt hại của bà con?!
 

Tôm vừa chậm lớn vừa chết

Ngoài diện tích tôm thẻ chân trắng của các hộ dân ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên càng nuôi càng còi cọc mà báo NNVN đã phản ánh, mới đây, PV tiếp tục nhận được ý kiến “cầu cứu” của nhiều hộ nuôi trồng ở các xã Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, liên quan đến việc thả tôm giống của Cty CP thủy sản Thông Thuận Hà Tĩnh (trụ sở đóng tại huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh) nuôi mãi không lớn, một số ao tôm còn chết từ khi đang nhỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Phú (thuộc xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh) cho biết, vụ tôm xuân hè 2017 HTX mua 1,1 triệu giống của Cty Thông Thuận, thả nuôi quảng canh trên diện tích 25,5ha. Tuy nhiên, mới chỉ nuôi được 30 ngày thì tôm đồng loạt chết, đến 40 ngày sau thì chết trắng hồ; 2 hồ còn lại cũng phải xả bỏ vì nuôi mãi không lớn.

“Vụ tôm này HTX thiệt hại gần 200 triệu đồng (bao gồm tiền giống, tiền công, tiền điện, thức ăn…). Quả thực, tôi đã mất lòng tin đơn vị cung ứng giống Thông Thuận” – ông Hà bức xúc. Cũng theo Giám đốc Hà, dù tôm của HTX chết, chậm lớn nhưng đến nay, phía Cty vẫn chưa có ý kiến hay hỗ trợ về chính sách nào (?!).

14-19-02_nh2
Văn bản Tổng cục Thủy sản gửi Sở NN-PTNT Hà Tĩnh

Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho hay, toàn huyện có 331hộ nuôi tôm với tổng diện tích 378ha. Vụ tôm xuân hè 2017 các hộ chủ yếu mua giống từ các Cty Thông Thuận, C.P, Nam Miền Trung… Tuy nhiên, diện tích thả giống tôm Thông Thuận là nhiều nhất. Trong quá trình nuôi chỉ có giống tôm thẻ chân trắng của Cty Thông Thuận là có hiện tượng chậm lớn. “Chưa thể khẳng định nguyên nhân do giống hay các yếu tố khác, nhưng thiệt hại của người nuôi tôm là có thật. Đến nay phía Cty chưa có chính sách gì hỗ trợ cho người nuôi trồng. Để tạo niềm tin cho người dân, duy trì thị trường nguồn giống của Cty tại địa bàn, huyện đề nghị Cty Thông Thuận có chính sách hỗ trợ phù hợp cho bà con như giảm giá giống hay hỗ trợ về nguồn thức ăn…”, ông Trọng nói.
 

Tổng cục Thủy sản vào cuộc

Trước đó, trao đổi với NNVN, đại diện Cty Thông Thuận cho rằng tôm chậm lớn không thể đổi lỗi tại giống bởi còn nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, người nuôi trồng và cơ quan chức năng đều chung nhận định nguyên nhân là do lỗi giống bố mẹ.

14-19-02_nh3
Tôm giống Cty Thông Thuận thả nuôi tại HTX Hải Phú vừa chết vừa chậm lớn

Một hộ nuôi trong HTX Hải Phú xin giấu tên nói: “Chúng tôi không đủ thẩm quyền để kết luận tôm chậm lớn do gì nhưng qua kinh nghiệm nuôi bao năm nay tôi dám chắc là do chất lượng giống kém. Bây giờ ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi đây (?!)”.

Đồng suy nghĩ, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay: “Để xét nghiệm, xác định được tôm giống có biểu hiện bất thường là rất khó nhưng đứng ở góc độ quản lý nhà nước hay kinh nghiệm của người nuôi tôm tôi vẫn nhận định là do lỗi từ tôm giống bố mẹ”.

Cũng theo ông Hoàng, phía Cty Thông Thuận đã gửi giống ra Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) để truy tìm nguyên nhân, nhưng chưa có kết quả. Riêng với tỉnh việc xác định nguyên nhân đã nằm ngoài khả năng, giờ phải chờ kết quả từ Vụ Nuôi trồng thủy sản. “Thiệt hại của người nuôi trồng đã rõ. Bây giờ trách nhiệm không biết quy cho ai nhưng cái cần nhất hiện nay là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với những hộ đã mua giống của Cty”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã gửi văn bản số 203/TS-NTTS gửi Vụ Nuôi trồng thủy sản đề nghị “hỗ trợ, xác định nguyên nhân tôm giống thả nuôi chậm phát triển”...

14-19-02_4
Cả cơ quan chức năng và người nuôi trồng đều nhận định tôm chậm lớn do giống nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm

Từ vấn đề Báo NNVN nêu, Tổng cục Thủy sản cũng đã có văn bản số 2188/TCTS-NTTS trả lời về việc “Kiểm tra chất lượng giống tôm thẻ chân trắng và cơ sở chăn nuôi” gửi Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh Hà Tĩnh và Bình Thuận kiểm tra hồ sơ sản xuất của Cty Thông Thuận; thống kê toàn bộ số tôm bố mẹ nhập khẩu và số lượng tôm giống được kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh và tôm giống thả nuôi tại Bình Thuận của Cty từ 1/1 – 31/7/2017. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thống kê tôm giống Cty Thông Thuận sản xuất, cung cấp cho những người nuôi (địa chỉ, số lượng, sản xuất từ nguồn tôm mẹ nào) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng nuôi tôm thẻ chân trắng của các hộ nuôi sử dụng tôm giống của Cty này trên địa bàn.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2017 Cty Thông Thuận đã cung cấp giống tôm trên địa bàn Hà Tĩnh là 84 triệu con. Một số vùng nuôi tôm tập trung của huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh; vùng nuôi trên cát tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà... tôm nuôi trên 80 ngày đạt kích cỡ 160-250 con/kg, không đồng đều và tỷ lệ sống đạt thấp. Hiện tượng tôm chậm lớn diễn ra ở tất cả các vùng nuôi, các hình thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh, nuôi trên cát, nuôi ao đất...) và bắt gặp ở hầu hết các loại giống. Trong đó tỷ lệ tôm còi cọc, chậm lớn và nhiều nhất là giống tôm của Cty Thông Thuận.

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.