Đó là nội dung báo cáo, đề xuất của ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo tại hội nghị khu vực lần 2 về Thập kỷ Đại dương và hội nghị Khoa học biển quốc tế lần 11 của UNESCO tổ chức tại Thái Lan mới đây.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, từ năm 1987, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã bắt đầu thực hiện hoạt động bảo tồn rùa biển, thiết lập trạm bảo vệ quản lý 18 bãi đẻ của rùa xanh, gắn thẻ cho rùa mẹ, bảo tồn sinh cư rạn san hô và thảm cỏ biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn xâm nhập, quấy rối rùa mẹ và khai thác trứng rùa, di dời trứng rùa vào hồ ấp, cứu hộ rùa con và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.
Qua 30 năm (1993 - 2022), Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận được 12.654 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trứng với gần 37.000 tổ rùa được di dời về hồ ấp trứng, tổng lượng trứng là hơn 3,2 triệu trứng, ấp nở và thả về biển hơn 2,4 triệu cá thể rùa con.
“Tỷ lệ trứng rùa nở tăng nhiều lần so với giai đoạn đầu khi chưa can thiệp di dời trứng vào hồ ấp. Cụ thể tăng từ 27% (năm 1993) đến trên 80% (năm 2022). Số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản lớn nhất trong cả nước với khoảng 700 con/năm”, ông Pho thông tin.
Quá trình thực hiện hoạt động bảo tồn, Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng ghi nhận rùa sau khi sinh sản ở Côn Đảo di cư đến đảo Phú Quý, quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và một số vùng biển trong khu vực Đông Nam Á như Sihanoukville (Campuchia), vùng biển phía đông bang Pahang (Malaysia) và biển Natuna (Indonesia).
Tuy nhiên, cũng theo ông Pho, Vườn Quốc gia Côn Đảo chưa có một dự án đào tạo và nghiên cứu bài bản về rùa biển như: Theo dõi thường xuyên đường di cư, xác định khu vực sinh sống của rùa biển; sự tác động của biến đổi khí hậu làm xâm thực và sạt lở bãi đẻ của rùa biển; mất cân bằng giới tính của rùa biển… Một số hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho những người làm công tác bảo tồn, nghiên cứu về rùa biển cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó, Việt Nam đề xuất một dự án cho việc nghiên cứu, bảo tồn rùa biển mang tính chất kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực. "Bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo không chỉ quan trọng với Việt Nam mà còn mang ý nghĩa xuyên biên giới và hợp tác quốc tế", ông Pho nhấn mạnh.
Cũng theo ông Pho, giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng cần có sự thắt chặt kết nối, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn rùa biển.
Mới đây, một cá thể rùa xanh từ Malaysia đã vượt hàng ngàn hải lý đến Hòn Bảy Cạnh (thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo) để đẻ 108 quả trứng. Con rùa xanh này nặng 90 - 100kg, khoảng 40 năm tuổi. Dự kiến tháng 6 tới đây, số trứng trên sẽ nở và được lực lượng kiểm lâm thả về biển.
Trước đó, vào năm 2018, Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã phát hiện một rùa mẹ đẻ trứng đeo thẻ từ Indonesia.
Hội nghị khu vực lần 2 về Thập kỷ Đại dương của Liên Hiệp Quốc và hội nghị Khoa học biển Quốc tế lần thứ 11 thu hút gần 1.500 đại biểu đến từ 124 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Đây là cơ hội tốt khơi lên các vấn đề nhằm thúc đẩy sự hợp tác và hành động cụ thể để giải quyết các thách thức nhằm phát triển bền vững môi trường biển trong khu vực.