| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Phú Yên chưa giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản?

Thứ Tư 08/05/2024 , 09:17 (GMT+7)

Tại Phú Yên nhiều doanh nghiệp xin được cấp phép giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, song do còn vướng mắc nên tỉnh này vẫn chưa thực hiện theo quy định.

Phú Yên là tỉnh có đầy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Phú Yên là tỉnh có đầy tiềm năng về nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

3 doanh nghiệp xin được cấp phép giao khu vực biển

Ngày 10/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. 

Theo đó, UBND cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Thủy sản 2017 nằm trong vùng biển 3 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định.

Trong đó, ở cấp tỉnh, thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển là Sở Tài nguyên và Môi trường; còn ở cấp huyện thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết là phòng Tài nguyên và Môi trường.

Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên chưa giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên chưa giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 3 tổ chức có văn bản đề xuất giao khu vực biển để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (tại khu vực biển xã An Hòa Hải, huyện Tuy An); Công ty TNHH DLP (tại khu vực biển xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng (tại khu vực biển thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu).

Tuy nhiên đến nay, Sở chưa tham mưu UBND tỉnh giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản theo Điều 44 Luật Thủy sản năm 2017 vì các dự án này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản.

Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, do các quy hoạch về nuôi trồng thủy sản trước đây hết hiệu lực theo Luật Quy hoạch 2019, trong khi đó quy hoạch không gian biển quốc gia chưa ban hành, quy hoạch tỉnh mới được công bố vào đầu tháng 3 vừa qua nên đến nay chưa xác định mốc giới vùng nuôi trồng thủy sản cụ thể. Hơn nữa các vùng nuôi hiện có bị chồng lấn các quy hoạch kinh tế xã hội khác nên chưa đủ căn cứ để các sở, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp phép nuôi biển và giao khu vực biển.

Tôm hùm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Tôm hùm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, hiện nay Sở NN-PTNT đang thực hiện nhiệm vụ lập Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phối hợp các địa phương, sở, ngành rà lại các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, bao gồm nuôi biển.

Đến nay đã cơ bản hoàn thiện báo cáo tổng hợp theo đề cương nhiệm vụ, đang thực hiện lấy ý kiến góp ý các sở, ngành và địa phương. Sau khi rà soát, lấy ý kiến góp ý của các địa phương sẽ chỉnh sửa, trình Hội đồng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

5 định hướng phát triển nuôi biển

Theo dự thảo Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 thì Phú Yên đề ra 5 định hướng phát triển nuôi biển.

Một là, về diện tích, quy mô sản xuất, tỉnh này sẽ thống kê, kiểm soát được toàn bộ lồng nuôi lồng bè trong đầm, vịnh, trên biển và diện tích nuôi trên bờ để sắp xếp các vùng nuôi phù hợp, hài hòa với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, không xung đột, mâu thuẫn với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

Phú Yên đang sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Phú Yên đang sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Hai là, về công nghệ, năng suất, đối tượng và sản lượng: áp dụng được công nghệ mới, tiên tiến vào nuôi trong ao đầm và nuôi lồng bè trên biển để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Phát triển các mô hình nuôi xen ghép đa đối tượng để tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên, bảo vệ môi trường. Ứng dụng được công nghệ mới trong vật liệu làm lồng bè nuôi trên biển theo hướng thân thiện môi trường, tăng được khả năng chống chịu với gió bão.

Ba là, con giống, vật tư đầu vào và hạ tầng dịch vụ: quản lý được số lượng, chất lượng con giống nhập khẩu, khai thác tự nhiên và sản xuất trong tỉnh trước khi đưa vào sản xuất. Kiểm soát, thống kê được số lượng, chất lượng các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Hệ thống hạ tầng thiết yếu vùng nuôi tập trung được nâng cấp, đầu tư hoàn thiện phục vụ sản xuất, đặc biệt là nuôi biển.

Bốn là, về quản lý triển khai hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách của Trung tương và địa phương về nuôi trồng thủy sản. Xây dựng được các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp (liên kết chuỗi, tổ hợp tác, hợp tác xã,..); quản lý hiệu quả môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và ứng phó kịp thời, hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Năm là, tiêu thụ sản phẩm: phát triển và xây dựng được các kênh tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh ổn định, chủ động, phù hợp với năng lực sản xuất của tỉnh để giảm các rủi ro về tiêu thụ sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, để đạt mục tiêu như mong muốn tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm đếm, sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh phù hợp với quy hoạch, thực hiện giao khu vực biển. Đồng thời phối hợp Sở NN-PTNT trong việc cấp mã số cơ sở cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu thủy sản ổn định, hiêu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư nuôi biển tại các vùng biển được quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, đáp ứng các tiêu chí an toàn kỹ thuật, môi trường, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.