| Hotline: 0983.970.780

Trần Hữu Tước, người thầy thuốc về nước cùng Bác Hồ

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:30 (GMT+7)

Cùng về nước với Bác Hồ, có một số trí thức Việt kiều yêu nước: Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân… Trong bài viết này, tôi muốn ghi lại đôi nét về bác sĩ Trần Hữu Tước, một gương mặt trí thức lớn ở thế kỷ 20,...

Ngày 16/9/1946, sau khi Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Paris, đi tàu hỏa xuống quân cảng Toulon, trở về nước trên chiếc thông báo hạm Dumont d’Urville của hải quân Pháp. Cùng về với Bác Hồ, có một số trí thức Việt kiều yêu nước: Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân…

Trong bài viết này, tôi muốn ghi lại đôi nét về bác sĩ Trần Hữu Tước, một gương mặt trí thức lớn ở thế kỷ 20, đã sống một cuộc đời cao thượng, gắn bó với vận mệnh của nhân dân…

Lần đầu tiên giảng bài bằng tiếng Việt ở bậc đại học

Một buổi sáng trung tuần tháng 11/1946, giữa lúc quân đội viễn chinh Pháp cho những đoàn xe Jeep, xe bọc thép chở đầy binh lính, sĩ quan mũ đỏ hung hăng thị uy dọc theo phố Tràng Thi - Cột Cờ (nay là Tràng Thi - Điện Biên Phủ), thì tại sân sau và các bậc thềm giảng đường Trường đại học Y - Dược Hà Nội ở phố Lê Thánh Tông, sinh viên vẫn đông chờ giờ lên lớp.

Sáng hôm ấy, anh chị em nóng lòng được gặp người thầy đầu tiên của chuyên ngành tai - mũi - họng (TMH) vừa từ Paris theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước.

Thầy Hồ Đắc Di, giám đốc trường kiêm tổng giám đốc Vụ Đại học, giới thiệu thầy Trần Hữu Tước với đông đảo sinh viên và các thầy phụ trách các bộ môn trong trường: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Hoàng Đình Cầu, Phạm Biểu Tâm, Đinh Văn Thắng, Dương Bá Bành, Nguyễn Hữu…

Trong hơn một giờ, bài giảng của thầy Trần Hữu Tước thật sự chinh phục giới trẻ. Đây là lần đầu tiên, ở bậc đại học, một bài giảng được trình bày bằng tiếng Việt. Từ ngày thành lập Trường Đại học Y - Dược năm 1902, cho đến Cách mạng Tháng Tám, sinh ngữ bắt buộc ở trường này là tiếng Pháp.

Soạn bài giảng bằng tiếng Việt, vào ngày đầu nước nhà mới độc lập, không phải là chuyện dễ, bởi lẽ thuật ngữ còn thiếu nhiều, nhất là thuật ngữ y - dược. Trước đó, học giả Hoàng Xuân Hãn đã xuất bản cuốn Danh từ khoa học, nhưng số thuật ngữ trong đó chủ yếu thuộc các lĩnh vực toán, lý, hóa, cơ, thiên văn.

BS Tước chẳng những trình bày khái quát sự cần thiết phải học tập và phát triển chuyên khoa TMH, mà còn kể lại những ấn tượng sâu sắc trong những ngày gần Bác ở Paris cũng như khi đi dạo vườn hoa với Bác ở thủ phủ Kandy, Ceylan (nay là Sri Lanka): “Làm thế nào để đồng bào có đủ cơm ăn, áo mặc; các cháu bé không bị toét mắt, bụng ỏng, chân còng, thò lò mũi xanh, cháu nào cũng được đi học”.

Thầy Tước cũng nhắc đến ý kiến của Bác về quan hệ của nghề y với cơ cấu xã hội: “Nếu không thay đổi cơ cấu xã hội, thì nghề thuốc giỏi mấy, cũng chẳng làm gì được!”.

Gần đây, GS Nguyễn Ngọc Lanh nhận xét: “Sau này, khi được học thầy Tước, thì điều tôi nhớ thầy đến hôm nay là thầy sử dụng tiếng Việt tốt hơn các thầy cùng thế hệ với thầy, ít khi phải xen tiếng Pháp vào nội dung bài giảng. Té ra, trước khi học chữ “Tây”, thầy đã từng học chữ Nho”.

GS Võ Tấn, nguyên chủ nhiệm bộ môn TMH Trường đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, kể lại ấn tượng ban đầu của ông đối với GS Trần Hữu Tước:

“Mùa thu năm 1946, khi được dự buổi giảng bài long trọng đầu năm học về TMH của BS Trần Hữu Tước tại giảng đường Trường đại học Y - Dược Hà Nội, tôi bị thu hút ngay bởi ngoại hình và phong độ của giảng viên. BS Tước là một thanh niên cao lớn, đẹp trai, ăn mặc sang trọng, nói năng chững chạc, thật đúng là một “dandy parisien” (công tử Paris), hay nói theo lối văn chương, là một trang công tử “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.


GS Trần Hữu Tước, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Tai-Mũi-Họng Việt Nam

Trong khi giảng viên nói thao thao trên bục, thì chúng tôi ngồi phía dưới thì thầm khen Bác Hồ khéo chọn Việt kiều có dáng bộ bảnh bao, có kiến thức sâu rộng đưa về nước”.

Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Anh sinh viên nội trú Võ Tấn lúc đó đang trực tại Bệnh viện Lanessan (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay) nên bị kẹt lại tại Hà Nội, rồi chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Yersin (Bệnh viện Việt - Đức hiện nay).

Năm 1949, BS Võ Tấn được một người ở “hậu phương” Thanh Hóa vào thành cho biết: BS Trần Hữu Tước bị bệnh đường ruột nặng, cấp trên cho phép vào Hà Nội điều trị, nhưng ông dứt khoát không vào, và nói rõ thà chết ở vùng tự do còn hơn sống trong vùng địch!

Cũng năm đó, Pháp thành lập “chính phủ quốc gia” ở vùng tạm chiếm và đưa Nguyễn Văn Tâm lên làm “thủ tướng”. Ông này có con là Nguyễn Văn Hinh, thiếu tướng “quân đội quốc gia”, có quen BS Trần Hữu Tước hồi còn ở Pháp, tìm cách cho người đến Thanh Hóa liên lạc, mời bác sĩ trở về thành “phục vụ quốc gia”, nhưng bác sĩ kiên quyết chối từ.

Những sự kiện trên làm cho BS Võ Tấn xúc động. Ông tự hỏi: Không biết cách mạng có cái gì cao quý, hấp dẫn làm cho một đại trí thức như BS Trần Hữu Tước đam mê đến mức thà hy sinh mạng sống, chứ không chịu rời bỏ cách mạng! Từ đấy, BS Tấn âm thầm tìm hiểu mục tiêu lớn lao của cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, người có ảnh hưởng quyết định đến việc lựa chọn đường đi của BS Tước.

Sau trận Điện Biên Phủ, rồi Hiệp nghị Geneva, ở Hà Nội, chính quyền thân Pháp ra sức lôi kéo trí thức vào Nam. Một số bác sĩ dao động, khi gặp nhau, câu hỏi cửa miệng của họ là: “Cậu đi hay ở lại?”, có người trả lời ngay: “Tước, nó còn ở được, tại sao chúng mình không ở được?”.

Ý nói, BS Tước sống sung sướng bên Pháp như thế, mà còn chịu gian khổ được, thì tại sao chúng ta lại không bằng anh ấy? Và thế là nhiều bác sĩ ở lại Hà Nội, và sau đó, họ đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

GS Võ Tấn viết tiếp: “Nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta thấy Bác Hồ có con mắt thật tinh tường, biết đánh giá thực chất con người. (…). Thời trai trẻ, GS Trần Hữu Tước có bề ngoài hào nhoáng của một trang phong lưu công tử rất sành ăn diện, nhưng bên trong, lại ấp ủ một trái tim yêu nước nồng nàn, dám bỏ hết những thứ xa hoa phù phiếm, quyết chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, cống hiến trọn đời cho nhân dân, không so đo tính toán thiệt hơn cho cá nhân mình.

GS Trần Hữu Tước xứng đáng là người Anh, người Thầy của chúng tôi và còn là một tấm gương trong sáng cho thế hệ mai sau noi theo”.

Theo GS Võ Tấn cũng như giới y học nước ta, thì GS Trần Hữu Tước chính là vị sư tổ của chuyên khoa TMH hiện đại ở Việt Nam, tuy rằng trước đó ở ngoài Bắc đã có GS Đỗ Xuân Hợp và trong Nam có BS Cao Văn Trí, BS Cao Văn Lộc chuyên điều trị các bệnh TMH, nhưng các vị ấy không làm công tác đào tạo, không xây dựng mạng lưới điều trị.

Kể từ ngày đầu về nước cùng Bác Hồ mùa thu năm 1946, bắt đầu giảng dạy ở Trường Y, cho đến khi qua đời, GS Trần Hữu Tước đã đào tạo hơn 500 bác sĩ, y sĩ, chuyên khoa TMH, trong số đó nhiều người về sau đã trở thành phó giáo sư, giáo sư.

Sau đó, những học trò ưu tú của GS Tước lại đào tạo thêm 1.000 thầy thuốc TMH nữa. Ông cũng đã cùng số học trò đông đảo xây dựng mạng lưới điều trị TMH trong cả nước, đến tận cấp quận huyện, xã phường.

Hình ảnh một thời “lương y như từ mẫu”

Sau khi quân Pháp thất bại nặng trong trận tiến công chiến khu Việt Bắc cuối năm 1947, đội y tế thầy Tước đi vào huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Thầy Tước cùng các thầy Hoàng Đình Cầu, Đặng Vũ Hỷ… xây dựng Trường y sĩ liên khu III, IV ở thôn Giáp, bên ngọn núi Nưa. Những lớp đầu tiên đào tạo chuyên khoa TMH mở ra từ đấy.

Dụng cụ, thiết bị của chuyên khoa TMH thời kháng chiến thật ít ỏi, chỉ vẻn vẹn 30 kg được đeo trong ba-lô trên vai BS Trần Hữu Tước, và khi vào đến vùng “hậu phương” Thanh Hóa, thì chỉ xếp gọn vào một góc đình làng. Tuy đơn sơ nhỏ bé thế, nhưng nếu không có nó, thì làm sao thực hiện được bao điều kỳ diệu.

PGS Lê Văn Lợi kể lại: Hôm ấy, một anh nông dân còn trẻ bị hóc ở cổ một khúc xương đùi ếch. Đã sang ngày thứ ba, không ăn được, chỉ uống chút nước cầm hơi. Vợ anh cùng bà con bà con nội ngoại chạy khắp làng trên xóm dưới, sang cả huyện bên để tìm thầy lang cứu chữa, nhưng đều vô hiệu, người bệnh chỉ còn chờ chết. Cuối cùng, mới cáng tới thầy Tước.

Sau khi khám họng, thầy dùng một cái cần móc kiểu Kirmissin đưa vào trong họng người bệnh, rồi làm một vài động tác xoay nắn cổ, thầy móc ra cả khúc xương quái ác kia, trước con mắt kinh ngạc của mọi người.

Anh nông dân cùng gia đình quỳ xuống đất, lạy sống vị ân nhân.

Một gia đình nông dân khác cáng võng người bệnh tới nhà thầy Tước ở thôn Giáp, giữa bữa cơm tối. Đó là một phụ nữ đang chảy mủ tai, đau đầu dữ dội, đau ngày đau đêm, không ăn không ngủ, luôn lăn lộn đấm tay vào đầu, rên la kêu khóc không ngớt. Gia đình cáng bệnh nhân đến, nhưng thật ra hết hy vọng rồi, đang sửa soạn ma chay.

Sau khi khám kỹ người bệnh, thầy huy động mấy anh em học sinh trường y sĩ rửa luộc dụng cụ, khăn mổ, găng tay. Một ca mổ cấp cứu trong buổi tối mùa hè nóng nực, dưới ánh đèn dầu hỏa tù mù, kiểu đèn bão. Người bệnh nằm trên cái chõng tre kê cao.

Anh Lê Văn Lợi (lúc ấy là học sinh trung cấp, sau này, là phó giáo sư) đứng bên phải thầy Tước, cầm đèn lúc đưa lên cao, khi hạ xuống thấp, nghiêng trái, nghiêng phải để thầy nhìn được hố mổ. Bên trái là một chị y tá luôn tay quạt và lau mồ hôi cho thầy.

Cho tới khi tháo được ổ mũ ra, thầy mới thở phào nhẹ nhõm. Bệnh nhân được cứu sống.

Những ngày sau đó, bệnh nhân và gia đình nhiều lần đến vái lạy thầy, mang tới biếu thầy đủ thứ, nào gà, nào cá, nào gạo nếp, đậu xanh, nào ngô bắp, khoai sắn. Nhưng thầy đều vui vẻ chối từ.

Trong kháng chiến, BS Tước sống rất giản dị. Ít ai nghĩ rằng chàng “công tử thành Ba Lê” ngày nào ăn diện đúng mốt, thế mà nay đi dép cao su Con Hổ, và về sau, đi dép lốp; còn lúc ở trong nhà thì đi guốc mộc. Ăn uống chỉ có cơm độn khoai, với rau muống luộc chấm tương, và thi thoảng thêm vài con cá đồng, lươn chạch…

GS Đặng Hiếu Trưng cũng như BS Đinh Phương Nghi, những người học trò giỏi của thầy Tước, cho biết thầy mổ rất đẹp. Có lần thầy kể: Dạo còn ở Paris, những lúc rảnh rỗi, thầy thường đến xem người thợ kim hoàn làm việc. Thầy ngắm nghía hàng giờ đôi bàn tay điêu luyện của họ tạo nên những đồ trang sức tuyệt mỹ.

Tuy vậy, làm việc với vàng bạc, đá quý, nếu người thợ kim hoàn có lỡ tay, thì vẫn có thể sửa, chứ người thầy thuốc mổ xẻ, chỉ một động tác thô bạo, là đã có thể gây tai nạn chết người. Vậy mà những mất mát đối với con người, thì không có gì bù đắp được!

Không may, trong những năm ở Thanh Hóa, thầy mắc phải bệnh đường ruột quái ác, có khối u ở đại tràng. Khi theo Bác Hồ về nước thầy nặng 75 kg, giờ chỉ còn 42 kg. Cao 1,75 m, mà chỉ nặng 42 kg thì quả thật da bọc xương.

Lúc ấy, ở liên khu IV, liên khu III, cũng như ở liên khu Việt Bắc, quá thiếu tân dược, do quân Pháp phong tỏa ngặt nghèo các loại thuốc men. Cấp trên gợi ý sẽ sắp xếp một đường dây bí mật để kín đáo đưa thầy tạm thời vào Hà Nội chữa bệnh một thời gian. Nhưng thầy dứt khoát từ chối!

Sau chiến dịch Biên giới, nước ta nối liền với CHND Trung Hoa, tạo ra khả năng đưa cán bộ sang Trung Quốc chữa bệnh. Bác Hồ và Trung ương Đảng mấy lần điện vào Thanh Hóa “lệnh” cho BS Tước lập tức lên Sơn Dương, để sang Bắc Kinh điều trị.

Khó nghĩ quá! Đi thế nào từ Nông Cống ở Thanh Hóa lên châu tự do Sơn Dương ở Tuyên Quang? Nhưng, thôi quyết chí ra đi. Đã lâu rồi không được gặp Bác. Sức khỏe quá kém, mỗi ngày chỉ đi bộ được 5-6 km. Mệt thì nghỉ.

Một cái máy bay “bà già” vè vè trên đầu, đang thả móc sắt xuống tìm móc phá đường dây điện thoại của ta. Rồi một máy bay khu trục xuất hiện nhả lửa, bắn xuống một băng đạn. Núp sau gốc cây to, cứ chạy vòng quanh, chúng bắn chỉ trúng vào thân cây, chán rồi, bỏ đi! Lại thủng thẳng bước tiếp.

BS Tước đến ATK một buổi chiều. Dành sẵn cho ông là một ngôi nhà tre nứa nhưng khá đàng hoàng bên bờ suối, ẩn hiện dưới tán cây xanh vài chục mét cao.

Mấy năm rồi, ông chưa từng thấy một ngôi nhà nào cao ráo, thoáng rộng như thế cả. Cái giường tre nứa cũng dài, rộng, khang trang. Trên mặt bàn vuông, lát phên nứa, ông thấy đặt sẵn mấy chai rượu vang trắng, đỏ, và cả rượu mạnh nữa. Lại còn đồ hộp chiến lợi phẩm. Tất cả đều do Bác Hồ gửi sang cho…

Biết bao ân tình Bác đã dành cho

Đêm hôm đó, tuy vừa kết thúc cuộc đi bộ từ Thanh Hóa lên Việt Bắc kéo dài một tháng rưỡi, thấm mệt, nhưng ông vẫn không sao ngủ được, cứ trằn trọc mãi với biết bao cảm xúc, suy nghĩ.

Chắc Bác ở gần đâu đây thôi? Thế nào hôm sau cũng được gặp Bác? Trời càng về khuya, nghe tiếng suối chảy càng to. Rồi chim chóc đua nhau hót rộn lên đón chào rạng đông. Rừng bao quanh nhà rì rào cơn gió sớm. Ngủ dậy, ông vừa đi ra sân hít thở, tập thể dục, thì Bác tới!

Chắc Bác ngạc nhiên lắm vì chỉ trông thấy đôi mắt kính gọng đen, cái cổ dài nghêu, chân tay da bọc xương, trong bộ quần áo nâu lụng thụng. Bác giơ tay bắt, rồi ôm chầm lấy ông.


Bác Hồ thân mật hỏi chuyện GS Trần Hữu Tước

Phút cảm động khó quên, đôi chút nghẹn ngào! Bác đỡ gầy hơn hồi mùa đông năm 1946, đôi mắt sáng, dịu hiền, dáng nhanh, mạnh, nhưng râu tóc bạc nhiều. Giọng ấm áp, ân cần, Bác hỏi về bệnh tật, về tình hình phát triển chuyên khoa TMH. Bác đùa, nếu làm tốt, thì TMH sẽ là Thế Mà Hay, nếu làm kém, thì lại là Thế Mà Hỏng!

- Nhưng thôi - Bác nói - chú cứ yên tâm đi chữa cho khỏi bệnh, rồi lúc trở về, sẽ cố lo sao cho… Thế Mà Hay!

Một buổi tối, “anh Tô” (ông Phạm Văn Đồng) cho người đến đón BS Tước đến nhà ăn cơm. Nhưng chỉ nói chuyện được một lúc, thì cơn đau dội lên, phải ôm bụng ra về, ông không sao ngồi ăn được nữa!…

“Chiều hôm đó, từ trong rừng Việt Bắc, ánh mặt trời còn le lói chiếu trên đầu ngọn cây, sau bao nhiêu năm - BS Tước ghi nhật ký - tôi lại thấy hiện ra một chiếc xe Jeep dưới vòm lá xanh cổ thụ. Khi tôi sắp bước lên xe, ngồi cạnh anh lái, thì bỗng nghe tiếng ngựa phi nhịp nhàng nước đại…

Trời! Bác đến… tiễn tôi!

Cũng có thể do thấy tôi gầy còm quá, chắc gì đã có lần gặp sau, nên Bác đến. Cảm động nghẹn ngào…

Bác trao cho tôi một lá thư tự tay Bác viết bằng chữ Hán, để chuyển tới người đại diện Chính phủ ta ở nước láng giềng. Bác dặn tôi khi vào bệnh viện ở Bắc Kinh, chớ nói mình là thầy thuốc, và ân cần khuyên tôi cố gắng an tâm chữa bệnh.

Thấy tôi dô cả xương ra, thế mà chỗ ngồi, ghế tựa xe Jeep rất cứng, Bác gọi đem đến hai cái gối độn cỏ khô để chèn cho đỡ xóc đường trường. Rồi thấy đầu tôi có thể va vào khung sắt mui xe, Bác lấy luôn cái mũ cát vàng của Bác chụp lên đầu tôi, rồi Bác dặn “phải chú ý”.

Xe chuyển bánh. Bác đứng một lúc, vẫy tay, rồi nhảy lên ngựa. Ngoái đầu nhìn lại, tôi chỉ còn thấy bóng con ngựa hồng trong ánh chiều sáng lóa, trên lưng ngựa, Bác gò cương phi về phía trước, tóc bạc tung bay ra phía sau, giữa màu xanh chàm của núi rừng trùng điệp trên đất nước thiêng liêng.

Một bức tranh tuyệt đẹp! Bác phi ngựa hồng trong chiều tà Việt Bắc! Ảo ảnh đó hiện lên trong cõi vô thức của tôi khi tôi chìm sâu vào giấc ngủ thuốc mê, trong ca mổ cắt một đoạn ruột tại Hiệp Hòa y viện ở thủ đô Bắc Kinh”.

GS Hoàng Gia Tử, giám đốc y viện, trực tiếp mổ cho BS Trần Hữu Tước, cắt bỏ khối u cùng một đoạn ruột. Sau đó, chỗ nối vẫn gây cho ông nhiều cơn đau quặn ruột, và phải trở lại y viện này điều trị lần thứ hai vào năm 1955.

Dù sao, sau khi mổ cắt khối u ở Bắc Kinh, sức khỏe cũng khá hơn nhiều, ông có thể trở về Việt Bắc, bắt tay xây dựng Bệnh khoa TMH trung ương giữa rừng sâu, thế mà vẫn khang trang, với khu điều trị 60 giường và 4 ghế khám, có nhà ăn liền ngay bên bờ suối. Chỉ tre nứa lá, nhưng cũng đủ bàn ghế, giá sách, giường ngủ, phòng khách, phòng họp, nhà bếp, lò sưởi…

Bệnh khoa vừa là nơi chữa bệnh cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, vừa là chỗ cho sinh viên Trường Y đến kiến tập, thực hành. Bệnh khoa mở ở Ghềnh Quýt, bên bờ sông Lô, không xa Lang Quán, huyện Yên Sơn, nơi Trường Y đóng. BS Trần Hữu Tước ghi lại:

“Cả gia đình tai - mũi - họng sum vầy ấm cúng. Đêm đêm lửa reo sáng rực, thơm nức mùi sắn nướng. Thi thoảng Bác Hồ lại gửi tới cho mấy quả trứng gà hay một ít rau cải xoong Bác trồng bên bờ suối gần nhà Bác”.

“Kháng chiến có kéo dài đến bao năm nữa, cũng chẳng sao!”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm