| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị

Thứ Tư 26/07/2017 , 09:45 (GMT+7)

Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất… góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

10-28-50_nh_1
Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại Bắc Giang

Hiệu quả kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định qua mô hình “Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn” (keo lai và keo tai tượng) do Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2016.
 

Chuyển hóa rừng - chuyển hóa nhận thức

Dự án “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn (keo lai, keo tai tượng) và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn” thuộc dự án Khuyến nông Trung ương do Vụ Phát triển rừng chủ trì được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016 tại các địa phương Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đăk Nông với quy mô chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 350ha (trong đó 140ha keo lai, 210ha keo tai tượng).

Theo báo cáo tổng kết dự án của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích xây dựng mô hình là 370/350ha (đạt 105,7% kế hoạch), tại 28 xã, thuộc 24 huyện, 155 hộ tham gia xây dựng mô hình.

Th.S Nhữ Văn Kỳ, Chủ nhiệm dự án cho biết, mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn được chọn đúng đối tượng về loài cây, điều kiện lập địa, tuổi cây, nguồn gốc giống và tình hình sinh trưởng của rừng trước khi tác động chuyển hóa. Các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng thực hiện đúng theo quy trình được phê duyệt; các chỉ số sinh trưởng về đường kính, chiều cao, trữ lượng, năng suất bình quân/năm của mô hình đều vượt trội so với rừng trước khi chuyển hóa và rừng trồng không chuyển hóa cùng lập địa trong khu vực. Đường kính bình quân cao hơn 38%, trữ lượng bình quân cao hơn 10%, năng suất cao hơn 32,1% so với rừng không chuyển hóa.

Không chỉ tăng năng suất, mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ.

Theo đánh giá của Th.S Nhữ Văn Kỳ, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.

Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 240m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu/ ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ và cao hơn giá trị kinh tế đối với rừng trồng gỗ lớn khác như thông, quế, sa mộc, lim xanh...

Ông Kỳ chia sẻ, ban đầu triển khai dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, người dân không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của dự án, bởi lâu nay phương thức trồng rừng gỗ nhỏ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động, cùng với sự hỗ trợ ban đầu của dự án về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, canh tác thông qua các buổi tập huấn, người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích của việc thâm canh rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn.

Ông Trần Văn Hoành ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa phấn khởi cho biết: "Ban đầu tôi và nhiều hộ dân cũng khá nghi ngại để đăng ký tham gia mô hình, bởi vì chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài từ 12 - 14 năm, gấp 2 lần so với chu kỳ trồng rừng thông thường. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa nhiệt tình hướng dẫn, giải thích về hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn và nhận những hỗ trợ thiết thực như phân bón NPK 360kg/ha để bón chăm sóc cho cây, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 5,1/8,6ha rừng sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy rừng chưa đến chu kỳ thu hoạch, nhưng sau 2 năm chuyển hóa, mô hình đã cho thấy sự khác biệt và mang lại hiệu quả. Khi khai thác tỉa, gia đình đã tỉa thưa khoảng 3.000 cây, sản lượng 125m3, bán được 125 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí khai thác và chăm sóc rừng còn lại 20 triệu đồng/ha".

Ông Hoàng Văn Chúc, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Bắc Giang) đưa ra so sánh, rừng trồng keo tai tượng để lấy gỗ lớn có chu kỳ từ 12 - 14 năm, sản lượng gỗ ước đạt 240m3/ha, trị giá 360 triệu đồng. Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng keo cho gỗ nhỏ (bình quân 6 năm sẽ khai thác) chỉ đạt sản lượng 80m3/ha, trị giá 60 triệu đồng. Việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.

Ông Lê Mơ ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh cho biết, gia đình ông nhận 100ha rừng, trong đó có 10ha rừng đang giai đoạn khép tán, chuẩn bị khai thác. Sau khi nghe cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh tuyên truyền về lợi ích và giá trị kinh tế của rừng gỗ lớn, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 5ha sang rừng kinh doanh gỗ lớn. Ông tiến hành chặt tỉa thưa những cây gỗ nhỏ, còi cọc, sâu bệnh, sinh trưởng kém để lại khoảng 600 - 700 cây để lấy gỗ lớn, sau đó trồng bổ sung cây ba kích dưới tán rừng.


Hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững

Dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ cung cấp gỗ lớn giai đoạn 2014 - 2016” đã đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn. Đặc biệt đối với các địa phương tham gia xây dựng mô hình, người dân được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ lớn, tạo điều kiện và thúc đẩy việc phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn trên phạm vị toàn quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2016, cả nước đã trồng thâm canh được 140.713ha rừng cung cấp gỗ lớn. Một số địa phương có diện tích trồng lớn như: Thanh Hóa 16.600ha, Quảng Trị 3.833ha, Bắc Giang 3.428ha; Chuyển hóa rừng được 26.408ha, tiêu biểu như Quảng Trị 11.452ha, Thanh Hóa 400ha, Thừa Thiên - Huế 429ha...

Theo Th.S Nhữ Văn kỳ, điều kiện và khả năng nhân rộng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trong thời gian tới là rất khả thi, trên cơ sở phát huy tiềm năng về diện tích trồng rừng sản xuất hàng năm rất lớn (từ 190.000 - 200.000ha/năm), trong đó diện tích trồng lại sau khai thác (khoảng 130.000ha/năm) là đối tượng rất thích hợp để chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng, đồng thời Việt Nam đã kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định VPA/FLEGT với EU. Gỗ, đồ mộc, đồ gia dụng của Việt Nam đã vào được thị trường khó tính này là điều kiện để nâng giá gỗ lên cao trong thời gian tới.

10-28-50_nh_2
Tham quan mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại Quảng Ninh

Để nhân rộng mô hình công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng cần được tăng cường kết hợp thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng… để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.

Với những kết quả khả quan mang lại từ dự án, việc nhân rộng triển khai mô hình tại các địa phương có lợi thế về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn sẽ góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc vùng vùng cao.

"Lợi ích kinh tế của rừng gỗ lớn rất cao, nhưng hiện đa số chủ rừng lại lựa chọn mô hình rừng gỗ nhỏ thay vì rừng gỗ lớn. Nguyên nhân do đa số người trồng rừng có diện tích ít, thu nhập thấp, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn nên người dân ở các địa phương vẫn chấp nhận trồng rừng gỗ nhỏ để trang trải cuộc sống và quay vòng vốn. Mặt khác trồng rừng gỗ lớn còn gặp rủi ro do gió bão, gẫy đổ, cháy rừng, dịch bệnh… trong khi chúng ta chưa có chính sách bảo hiểm rừng trồng, Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ tín dụng cho trồng rừng gỗ lớn", Th.S Nhữ Văn Kỳ chia sẻ.

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.