| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc sắp vượt Mỹ về số đăng ký sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 30/03/2018 , 11:05 (GMT+7)

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, Trung Quốc đang trên đà trở thành nước đi đầu thế giới về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và trong 3 năm tới có thể "qua mặt" Mỹ vươn lên số 1 trong lĩnh vực này.

Sức mạnh Trung Hoa

Trang web của tổ chức này dẫn báo cáo thường niên công bố ngày 21/3 cho biết, tổ chức đã tiếp nhận con số kỷ lục 243.500 đăng ký bảo hộ sáng chế trong năm 2017, tăng 4,5% so với năm 2016.

Chính phủ Trung Quốc liên tục bơm tiền đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học nhiều năm qua

Trong suốt 4 thập kỷ trở lại đây, Mỹ liên tục là quốc gia giữ vững vị trí số 1 trong danh sách nộp đơn xin bảo hộ sáng chế, với con số 56.624 đơn, chiếm 1/4 trong tổng số đơn xin bảo hộ trên toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận số lượng gia tăng nhanh chóng đơn xin bảo hộ sáng chế quốc tế từ Trung Quốc, khi nước này vượt qua cả Nhật Bản và vươn tới vị trí thứ 2 trên thế giới.

Chỉ riêng trong năm ngoái, các công ty và các cá nhân người Trung Quốc đã nộp tổng cộng 48.882 đơn xin bảo hộ sáng chế quốc tế, tăng 13,4% so với năm 2016. Theo Xinhua, Trung Quốc là đất nước duy nhất đạt tốc độ tăng trưởng về số đăng ký bảo hộ sáng chế ở mốc 2 con số trong năm 2017. Tính từ năm 2003 đến nay, tốc độ tăng trưởng này đều tăng trung bình 10%/năm.

WIPO dự báo với khuynh hướng hiện tại, Trung Quốc có khả năng "soán ngôi" của Mỹ trong vòng 3 năm tới và trở thành quốc gia đăng ký bảo hộ sáng chế nhiều nhất, theo tiêu chuẩn trong Hiệp ước Hợp tác Sáng chế của WIPO.

Chủ tịch WIPO, ông Francis Gurry nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang có bước dịch chuyển vượt trội và nước này đang đi từ vị thế một quốc gia sử dụng công nghệ trên quy mô lớn sang vị thế một nhà sản xuất công nghệ. Ông Gurry nhấn mạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc ở khía cạnh này không đồng nghĩa với việc làm lu mờ đi vị thế về công nghệ của các quốc gia khác, song không thể phủ nhận Bắc Kinh rõ ràng đang trở thành một nhà cạnh tranh lớn mạnh trong lĩnh vực công nghệ.

Để lập luận cho nhận định này, Chủ tịch WIPO đã dẫn ra 2 công ty viễn thông đặt trụ sở tại Trung Quốc đi đầu thế giới về nộp đơn xin bảo hộ sáng chế trong năm ngoái là Huawei Technologies với 4.024 đơn và ZTE Corporation với 2.965 đơn. Trong khi đó, Tập đoàn Intel của Mỹ và Tập đoàn điện tử Mitsubishi của Nhật Bản chỉ xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với số đơn xin bảo hộ sáng chế tương ứng là 2.637 và 2.521 đơn.

Báo cáo của WIPO cũng cho biết thêm đang có sự dịch chuyển về mặt địa lý trong lĩnh vực sáng chế, khi ghi nhận có tới một nửa trong tổng số đơn xin bảo hộ sáng chế hiện nay có nguồn gốc từ khu vực Đông Á.
 

Tầm quan trọng của bảo vệ quyền sáng chế

Theo WIPO, năm quốc gia có số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế nhiều nhất trong năm 2017 theo thứ tự là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc và Thụy Sỹ trong số các quốc gia có lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế nhiều nhất. Tuy nhiên, Thụy Sỹ vẫn là quốc gia có số đơn xin cấp bằng sáng chế cao nhất trên tổng số người dân tại châu Âu. Năm 2017, Thụy Sỹ đã ghi nhận 884 đơn đăng ký trên 1 triệu người dân, so với con số 892 đơn vào năm 2016.

Các đại biểu tại phiên họp công bố báo cáo thường niên của WIPO hôm 21/3 tại Geneva (Thụy Sỹ)

Bằng việc dành sự bảo hộ cho các tài sản trí tuệ, những nỗ lực sáng tạo trí tuệ sẽ được khuyến khích và các ngành công nghiệp dựa trên các sản phẩm sáng tạo như vậy có thể phát triển mang lại của cải. Bản chất của những sản phẩm mang tính sáng tạo là khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Do đó, quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng tới doanh thu, lợi nhuận cũng như các chỉ số tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, nếu không có sự bảo hộ quyền sáng chế, công ty như nêu trên sẽ đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh. Nếu không có sự bảo hộ nhãn hiệu, công ty không thể xây dựng được “uy tín thương hiệu” mà hy vọng là có thể tồn tại vượt ra khỏi thời gian bảo hộ sáng chế…

Vì vậy một khi không được bảo hộ theo các điều ước quốc tế và luật sở hữu trí tuệ thì các công ty nghiên cứu, sáng chế sẽ không nỗ lực thực nghiệm trong việc tìm kiếm các sản phẩm mới phục vụ nhân loại.

Năm 2017, lần đầu tiên Trung Quốc đã vượt qua Thụy Sỹ về số lượng bằng sáng chế đăng ký tại WIPO. Theo báo cáo thường niên của EPO công bố ngày 7/3 vừa qua, các đơn xin cấp bằng sáng chế của Thụy Sỹ đã tăng 0,6% trong năm 2017, đạt con số 7.283 đơn. Dù đây là con số kỷ lục của Thụy Sỹ, song mức tăng số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế của Thụy Sỹ vẫn thấp hơn mức trung bình của 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu  là  trên 2,6%.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.