| Hotline: 0983.970.780

Tự hào nông dân Việt Nam mùa thứ 2

Thứ Sáu 17/10/2014 , 08:14 (GMT+7)

63 nông dân SXKD giỏi khắp mọi miền đất nước vừa được tuyên dương “Nông dân VN xuất sắc 2014” tại Hà Nội. Đây là mùa tuyên dương thứ 2. 

Chương trình do TƯ Hội Nông dân VN, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức.

Nhìn vào danh sách vinh danh nông dân xuất sắc năm 2014, thấy ngợp. Những nông dân, doanh nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm như ông Lê Văn Chiến ở Đà Nẵng làm nghề đánh bắt xa bờ, thu nhập 240 tỷ đồng/năm, ông Đàm Văn Hưng ở Bến Tre trồng bưởi da xanh đạt 190 tỷ đồng/năm, ông Tăng Xuân Trường ở Hải Dương trồng rau, củ, quả đạt 60 tỷ đồng/năm, ông Lê Văn Xê ở Bình Dương trồng cây có múi đạt 50 tỷ đồng/năm…

Nhưng đằng sau những con số thu nhập “khủng” đó, là cả một chặng đường dài chắt chiu, gây dựng với không ít gian nan vất vả, mà nếu không có cái chí lớn, cái “gan” to, người nông dân sẽ không thể nào có được.

Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) kể, những năm 80, 90 của thế kỷ 20 ông hành nghề chụp ảnh dạo, lúc đó nghề này làm ăn được, nhưng vốn là con nhà nông nòi, sớm bám trụ trên đồng đất quê mình nên dư được đồng tiền nào, ông đều mua đất. Vùng này xưa đất hoang hóa nhiều do mắc phèn nặng, giá đất vì vậy cũng rẻ rề.

Ông cứ mua để đó cho mình, tới 600 ha. Đến những năm 2000, khi các tuyến kinh mương thoát nước ra biển Tây hình thành cộng với quyết tâm cải tạo, thau chua rửa mặn cho cánh đồng phèn rất quyết liệt của ông đã có hiệu quả. Khi đất đai trở nên màu mỡ, ông quyết định đầu tư làm lúa giống.

Ông lấy giống từ Viện Lúa ĐBSCL về trồng đúng kỹ thuật, rồi đăng ký xác nhận và xuất bán cho nông dân. Đến nay ông đã xuất bán mỗi năm hơn 10 ngàn tấn lúa giống, doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Ông còn dành ra 3 ha làm nơi nghiên cứu, lai tạo, làm ra giống lúa cho riêng mình. 5 giống lúa NT, từ NT1 đến NT5 (NT là Nguyễn Tính) đã được chứng nhận độc quyền và được nông dân chấp nhận với nhiều ưu điểm như cây cứng, ít sâu bệnh, năng suất cao, cơm dẻo lại cực ngắn ngày, vì vậy hạt giống làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Ông nói về cây lúa, hạt thóc chi li đến 72 tính trạng. Ông bảo tôi ăn bên cây lúa, ngủ cũng mơ thấy cây lúa, đi xa đâu đó vài ngày thấy nhớ, về nhà là chạy liền ra ruộng, trưa trật vợ con phải ra kêu về ăn cơm”.

Ông Đào Tiến Tình ở huyện Chư Sê (Gia Lai) có 10 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch, lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng/năm cho biết, vì thiếu đất nên năm 1999 ông Tính rời quê lúa Thái Bình một mình vào Gia Lai. Lăn lộn làm thuê đủ nghề, cộng với số vốn tích cóp ở quê rồi ông cũng mua được 1 ha cà phê. Đến năm 2003 thấy xu hướng phát triển tốt của cây tiêu, ông quyết định chuyển dần sang trồng tiêu.

Từ năm 2006 khi cây tiêu cho thu hoạch thì ông có điều kiện đưa cả nhà vào lập nghiệp tại vùng đất núi rừng Tây Nguyên. Cả nhà lại bước vào giai đoạn chắt chiu, gom góp từng đồng tiền lẻ, ăn ngon chưa dám, tiêu pha dè xẻn để có tiền mở rộng dần vườn tiêu.

“Khó nhất là vốn, mình chỉ có tài sản là một vài ha đất rừng, có thế chấp ngân hàng cũng chẳng vay được bao nhiêu tiền, phải tự thân vận động, chịu cực, chịu khổ chắt chiu gom góp dần thôi. Làm nông bây giờ không chỉ có vốn, còn phải có kỹ thuật mới mong thành công. Cái này phải học. Học quyết liệt từ nhiều nguồn”, ông nói.

Ông Lê Đình Hoan ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quản lý tới 500 ha rừng trồng cây bời lời. Nhà ông chỉ có 50 ha, số còn lại ông hợp đồng đầu tư với nông dân theo hình thức ông giao giống, phân bón, quản lý kỹ thuật. Sau 7 năm, thu hoạch bà con sẽ chia đôi lợi nhuận với ông. Bà con vùng đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị rất phấn khởi, tin tưởng, nhiều người đã thoát nghèo "nhờ ông Hoan”.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch TƯ Hội Nông dân VN khẳng định từ mùa vinh danh thứ nhất, năm 2013, 62 nông dân xuất sắc vẫn tích cực SXKD, làm giàu thêm cho mình và giúp đỡ có hiệu quả bà con lối xóm.

63 nông dân được tôn vinh năm nay là 63 bông hoa đẹp trong hàng triệu bông hoa nông dân tiêu biểu đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng NTM, giữ vững sự ổn định tình hình và góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy vậy, bức tranh SXNN nước nhà vẫn còn nhiều mảng xám, góc tối, nhất là tình trạng người nông dân một số vùng miền không còn thiết tha với ruộng vườn.

Giao lưu với nông dân, nhà văn Chu Lai đề nghị “cần có giọt trí tuệ để chữa căn bệnh chán đất, bỏ ruộng của nông dân, để cho đất nồng nàn sinh sôi, cho không chỉ 63 mà hàng trăm, hàng triệu nông dân cùng là những dũng sỹ, anh hùng lẫm liệt uy nghi trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM hôm nay”.

Bình Điền tiếp tục đồng hành

Khi được hỏi đã qua 2 mùa tôn vinh nông dân, là DN đề xuất ý tưởng, tài trợ chính, rồi đồng tổ chức chương trình, ông có cảm thấy mệt mỏi? 

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền trả lời: “Là DNSX phân bón, Cty chúng tôi đứng vững và phát triển được chính là nhờ ở sự tin tưởng, ủng hộ của bà con nông dân, cho nên làm được gì giúp nền nông nghiệp nước nhà phát triển, bà con nông dân ngày một giàu có thì chúng tôi không ngại, không bao giờ mệt mỏi”.

Chương trình tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc sẽ bước sang mùa thứ 3, năm 2015 và Bình Điền tiếp tục đồng hành cùng chương trình nhiều ý nghĩa này.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm