Do chịu tác động của thời tiết bão biển quanh năm nên cây rừng trên bán đảo Sơn Trà thường xuyên gẫy đổ, mục ruỗng
Như NNVN đã phản ánh, vào tháng 5/2016, qua thông tin từ người dân có dấu hiệu của một vụ vận chuyển gỗ, kiểm lâm đã kiểm tra tại khu vực rừng ở Trường Mai - Sơn Trà tiểu khu 63, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Đây cũng là nơi ông Phạm Hùng Mạnh, quân nhân công tác tại Trung đoàn 83, Công binh Hải quân nhận đất rừng giao khoán.
Qua kiểm tra, cơ quan kiểm lâm nhận định tổng số cây đã khai thác trong khu vực này là 16 cây, khối lượng cây đứng ước tính 63,4m3, trong đó có 2 cây nằm trong đất rừng đặc dụng có khối lượng cây đứng tạm tính 12,3m3. Các cây này thuộc gỗ thông thường nhóm V, VI, VII.
Khoảng một tháng sau, ngày 10/6, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn làm Trưởng đoàn đã vào kiểm tra thực địa. Lần này, đoàn xác định có 25 cây bị thiệt hại, trong đó có 12 cây bị đỗ ngã do mưa bão, còn lại 13 cây bị chặt hạ cắt khúc là 39,4m3.
Trong số 13 cây này, thì có 2 cây nằm trong rừng đặc dụng với khối lượng cây gỗ đứng là 15,5m3 và 11 cây còn lại có khối lượng đứng là 23,9m3.
Có vẻ như chưa chắc chắn về những con số, ngày 11/8, đoàn công tác liên ngành lại tiếp tục kiểm tra đo đếm lại, kết quả vẫn xác định có 25 cây bị thiệt hại, trong đó 13 cây có bị chặt hạ, nhưng điều ngạc nhiên là khối lượng gỗ lúc này đã giảm xuống còn 29,4m3?
Số liệu ba lần đo đếm cho ra ba kết quả khác nhau, trong khi việc xử lý vi phạm, khối lượng gỗ bị chặt hạ khai thác sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng khởi tố hình sự hoặc xử lý hành chính theo luật định. Số liệu như vậy, rõ ràng rất khó để đưa ra một quyết định xử lý thỏa đáng.
Như chúng tôi đã phản ánh, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông Phạm Hùng Mạnh đã có đơn “kêu oan”, trong đó khẳng định, ông không khai thác mà chỉ dọn vệ sinh rừng sau mưa bão. Về việc dọn dẹp, trước đó ông đã có báo cáo miệng với kiểm lâm viên địa bàn.
Thực tế cơn bão gây ra gãy đổ cây xảy ra từ tháng cuối 2013, nhưng ông Mạnh đã chờ đợi đến cuối năm 2014 đầu 2015 mới thu dọn diện tích rừng được giao khoán để đảm bảo vệ sinh cho nguồn nước và sinh thái rừng, phòng chống cháy rừng về mùa khô.
Tìm hiểu người dân trong khu vực, họ cũng cho hay, đặc điểm của rừng bán đảo Sơn Trà là không có các loài gỗ quý hiếm. Phần lớn cây rừng ở đây đều là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, gần như không có giá trị thương mại. Nhiều cây gỗ có tuổi đời trên 15 năm là tự mục lõi, hoặc bị mối mọt xâm hại.
Mặt khác, hàng năm rừng bán đảo Sơn Trà phải hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn, rất nhiều cây bị gãy, đổ bật gốc và để thuận tiện cho công việc kinh doanh dịch vụ, chống cháy rừng thì người dân nơi đây vẫn thường chủ động dọn dẹp, cắt bỏ cây đổ gẫy.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Hùng Mạnh khẳng định, những vi phạm của ông chỉ đơn giản xuất phát từ việc dọn dẹp, tạo cảnh quan quanh khu vực nhận khoán. Vì vậy, một lần nữa ông Mạnh khẩn thiết đề nghị, các cơ quan chức năng vào cuộc, công tâm xác minh làm rõ sự việc ông phá rừng hay chỉ là vi phạm khi thu dọn cây chết, đổ gãy?!