Theo nhiều người dân các thôn Thanh Xuân, Thanh Hải, Thanh Giang (xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), thì trong vòng 3 năm trở lại đây, hiện tượng biển xâm thực vào đất liền ngày càng mạnh dần lên. Đặc biệt, trong và sau ảnh hưởng của cơn bão số 6, vùng ven biển của ba thôn bị sóng biển đánh làm sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Cùng chúng tôi ra vùng bờ biển bị sạt lở, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho hay, cả tuyến bờ biển dài hơn 2km, chạy qua 3 thôn Thanh Xuân, Thanh Hải, Thanh Giang đều bị ảnh hưởng lớn. Riêng tại thôn Thanh Xuân là bị nghiêm trọng nhất. “Hiện có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu đang nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng nặng. Khu dân cư gần bờ biển sạt lở chỉ còn cách khoảng vài chục mét mà thôi”- ông Tuấn nói thêm.
Trước năm 2020, một số bà con trong thôn Thanh Xuân đã vay mượn, đầu tư làm được 6 hồ nuôi tôm với quy mô, diện tích khá lớn. Khi đó, bờ hồ tôm còn cách bờ biển chừng 150m, lại có những hàng cây phi lao chắn sóng nên bà con rất yên tâm.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm sản xuất thì biển đã lấn dần vào. Hết hàng cây phi lao bị đánh bật gốc và bị cuốn trôi mất là đến bờ đê bao phía ngoài bị sóng đánh sạt. Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân cho hay, trước tình hình đó, bà con cũng đã đã dùng bao cát đắp làm đê bao chắn sóng, đóng hàng cây cừ để bảo vệ hồ nuôi tôm. “Nhưng cũng không ăn thua, chỉ một đợt thời tiết biến động là sóng dữ ập vào đánh nát và cuốn hết bao tải cát đi và xóa hết bờ bao hồ tôm”- ông Hải nói thêm.
Hồ tôm bà con đầu tư cũng hết vài tỷ đồng, đưa vào sản xuất chưa lãi được bao nhiêu thì chủ hồ đành chấp nhận bỏ cho sóng cuốn trôi. Những dãy nhà xây làm nơi ở cho người trông coi hồ tôm, nơi để dụng cụ, máy móc, thức ăn bỏ hoang phế. “Cả vùng biển trước tấp nập người, xe phục vụ sản xuất nay thành bãi hoang rồi đó”- ông Hải nói.
Sát những hồ tôm là con đường đổ bê tông liên thôn của xã Thanh Trạch. Qua bên phải đường là khu nghĩa trang của người dân. Ông Hải chỉ tay lên phía mé trên đường bê tông, bảo: “Cứ đà biển xâm thực như năm nay thì việc biển “ăn’ mất đường đi và khu nghĩa trang nhân dân bị ảnh hưởng là có thể xảy ra nhanh lắm”.
Ở cụm dân cư xóm ngoài của thôn Thanh Xuân cũng chỉ còn cách bờ biển chừng vài ba chục mét. Nhà ông Nguyễn Văn Tình mở hướng nhìn ra biển qua con đường bê tông. Mỗi ngày nhìn sóng biển cao đánh vào bờ cát mà thấy bất an trong lòng. “Bờ biển chỉ còn cát thôi, nên sóng biển ăn vào nhanh lắm. Những khi biển động, đêm nằm cũng không an giấc, cứ lo biển lấn mất đường, mất nhà đó mà”- ông Tình than thở.
Mấy năm trước, bà con vùng biển ở đây góp tay, chung sức xây dựng lại khu đền thờ cá Ông khá bề thế, Đây cũng là nơi diến ra lễ hội cầu Ngư đầu năm trước khi vào vụ đánh bắt hải sản của bà con. Nay biểm xâm thực cũng đã vào tận hàng cây phi lao trước sân đền. “Bà con cũng đang lo biển “ăn” vào tận đền này đó”- ông Hải lo lắng nói thêm.
Cách những hồ nuôi tôm không xa là khu rừng phi lao phòng hộ ven biển. Nhờ có những hàng cây nên biển xâm thực vào có giảm hơn chút. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ cho chúng tôi vết tích những gốc cây phi lao đã bị sóng đánh gãy ngang thân. ‘Rừng này cũng mới trồng được chừng 7-8 năm nay, cây đã lên tốt những cũng chưa thể chống chịu được với sóng biển”.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình: “Vùng biển xã Thanh Trạch bị sạt lở là tình trạng đáng báo động. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh có những giải pháp tình thế như không cho sản xuất tại khu vực này, tổ chức trồng cây phi lao chắn sóng. Về lâu dài, cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè biển nhằm ổn định sản xuất và đời sống cho bà con”.