| Hotline: 0983.970.780

Dự án xử lý rác thải chậm tiến độ đến 20 năm

Thứ Bảy 14/12/2024 , 06:16 (GMT+7)

Thanh Hóa có tới 3 nhà máy xử lý rác thải bị chậm tiến độ trong đó có dự án kéo dài tới 20 năm chưa đi vào hoạt động...

Dự án chậm tiến độ 20 năm

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề về tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác; tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuý,  huyện Như Xuân đặt câu hỏi: 3 dự án xử lý nhà máy rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bao gồm: Dự án bãi rác xã Đông Nam (Đông Sơn), nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); dự án tại phường Quảng Minh (TP. Sầm Sơn) đều chậm tiến độ. Trong đó nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn triển khai từ năm 2004 chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuý, tổ đại biểu huyện Như Xuân đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường. Ảnh: BTH.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuý, tổ đại biểu huyện Như Xuân đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường. Ảnh: BTH.

Đến nay, dự án đã khởi động lại với lời hứa sẽ đi vào hoạt động năm 2025. Liệu cam kết này có thể thực hiện được không? Nguyên nhân thực sự của việc chậm trễ kéo dài và giải pháp thực sự đột phá, hiệu quả, khả thi để sớm hoàn thành các nhà máy, đưa vào khai thác sử dụng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Lê Minh Nghĩa Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa cho biết: UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, giao các ngành liên quan kiểm tra đôn đốc. Trong quá trình triển khai, các dự án trong nhóm này chậm tiến độ do cần phải hoàn chỉnh nhiều loại hồ sơ theo yêu cầu của các Bộ, ngành, Trung ương.

Theo ông Nghĩa, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án. Hiện nay dự án rác thải tại xã Đông Nam (huyện Đông Sơn) đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng. Dự án ở thị xã Bỉm Sơn, sau một thời gian vướng mắc, đã được tháo gỡ, đang thi công, dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Còn dự án tại thành phố Sầm Sơn, ông Nghĩa cho rằng việc chậm trễ là do nhà đầu tư triển khai chậm.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa. Ảnh: BTH.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa. Ảnh: BTH.

Cũng với nội dung này, ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, dự án trên chậm tiến độ dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Theo ông Nghiêm, dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn có công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm và công suất phát điện là 18kW. Theo quy định, dự án nhà máy có công suất xử lý rác trên 500 tấn/ngày trở lên thì các thủ tục phải được Bộ Xây dựng đồng ý; còn việc phát điện thì liên quan Bộ Công Thương… Vì vậy, về mặt hồ sơ, thủ tục, chủ đầu tư mất rất nhiều thời gian.

“Hiện nay, dự án vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến mặt bằng. Chủ đầu tư đã triển khai được khoảng 15% khối lượng công trình và cam kết đến hết ngày 31/12/2025 dự án sẽ hoàn thành đi vào hoạt động”, ông Nghiêm cho biết. 

Về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Túy (tổ đại biểu huyện Như Xuân) bày tỏ nghi ngờ thời gian hoàn thành trước câu trả lời của ông Lê Sỹ Nghiêm về tiến độ và thời gian hoàn thành đưa vào khai thác của dự án.

“Dự án đã 20 năm rồi còn chưa làm được, bây giờ nói 1 năm để khởi công và đưa vào khai thác, dù là giai đoạn 1 hay giai đoạn 2 thì tôi cũng thấy rất nghi ngờ. Nếu không tìm ra được nguyên nhân, giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt thì không biết bao giờ Thanh Hóa mới có được một nhà máy xử lý rác thực sự”, ông Túy nói.

Hiện trạng dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Ảnh: Vietnamnet.

Hiện trạng dự án nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Ảnh: Vietnamnet.

Rác đã phân loại nhưng thu gom lại trộn lẫn

Chất vấn ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa, Đại biểu Trịnh Thị Hoa, thuộc tổ đại biểu HĐND TP.Thanh Hóa chỉ ra thực trạng: Thời gian qua người dân TP. Thanh Hóa tích cực phân loại rác thải tại nguồn, nhưng phân loại xong đơn vị thu gom lại đổ chung vào nhau khi đem đi xử lý, gây lãng phí thời gian, công sức.

Ông Lê Sỹ Nghiêm thừa nhận có tình trạng này, nhưng cho rằng, do không có đơn vị thu gom, tiêu thụ các loại rác hữu cơ, nên mới xảy ra tình trạng trên.

"Phân loại rác thải tại nguồn là rất tốt, nhưng tùy từng nơi mà phân loại như thế nào. Phân loại nhưng chưa có nơi tiêu thụ thì phải đấu mối tìm đơn vị tiêu thụ. Tôi lấy ví dụ rác thải là các loại nhựa thì khi có đơn vị thu mua thì phân loại, chứ phân loại mà không tiêu thụ được thì không nên", ông Nghiêm cho biết.

Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa trả lời chất vấn. Ảnh: BTH.

Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa trả lời chất vấn. Ảnh: BTH.

Cũng liên quan đến việc phân loại rác thải tại nguồn, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri trong tỉnh cũng đặt vấn đề: Quy định bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn kể từ ngày 1/1/2025 theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, vậy Thanh Hóa có áp dụng hay không?

Tuy nhiên, ông Nghiêm không trả lời thẳng vào câu hỏi, Thanh Hóa có áp dụng hay không mà chỉ trả lời chung chung, không đi vào trọng tâm vấn đề.

Thanh Hoá hiện đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 173 dự án còn hiệu lực; tổng vốn đầu tư khoảng 14,96 tỷ USD. Tuy nhiên, tiến độ triển khai, đầu tư nhiều dự án, nhất là các dự án trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc dư luận.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.