| Hotline: 0983.970.780

Đường 150 tỷ 'đi lạc' vào nhà dân: Chính quyền khắc phục 'sai sót do khách quan'

Thứ Tư 18/12/2024 , 07:46 (GMT+7)

Đơn vị thi công tuyến đường gây chồng lấn sẽ hoàn trả phần diện tích đất bị lấn chiếm; nắn chỉnh lại con đường theo đúng thiết kế để đảm bảo an toàn công trình...

Trả lại đất bị thi công chồng lấn cho các hộ dân

Sau nhiều buổi làm việc giữa các đơn vị liên quan với 4 hộ dân có đất bị chồng lấn lên dự án đường giao thông liên xã Tân Phú – Xuân Đài, chủ tịch xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín cho biết đã thống nhất phương án xử lý.

Cụ thể: đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại phần diện tích thi công chồng lấn, nắn chỉnh lại con đường sang phía đối diện vị trí đang xảy ra tranh chấp để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các hộ dân.

Ông Phan Thế Khang, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Sơn tại hiện trường khu đất  có tranh chấp. Ảnh: Thiên Trường.

Ông Phan Thế Khang, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Sơn tại hiện trường khu đất  có tranh chấp. Ảnh: Thiên Trường.

“Đây là lý do khách quan, chính quyền cấp xã có trách nhiệm phối hợp với đơn vị thi công, các đơn vị tư vấn giám sát, kỹ thuật… Chúng tôi thừa nhận để xảy ra sai sót là lỗi từ phía chúng tôi, trong đó đơn vị thi công đã không thi công đúng phần mặt bằng, chồng lấn lên đất của các hộ dân. Do đó, chúng tôi phải có trách nhiệm khắc phục, hoàn trả lại đất cho người dân là hoàn toàn đúng đắn” – chủ tịch xã Xuân Đài cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo xã, dự án này không có chủ trương thu hồi, giải phóng mặt bằng có đền bù bằng tiền ngân sách nên phương án bỏ tiền ra mua đất của các hộ dân là không có cơ sở, không có kinh phí.

Trước đó, xã cũng đã tham mưu với UBND huyện Tân Sơn về việc sẽ cấp đổi cho 4 hộ dân có đất bị lấn chiếm sang một vị trí khác; 4 hộ dân cũng đồng tình chấp thuận. Nhưng, trở ngại lớn nhất là không có nguồn kinh phí để mua đất đối ứng.

Dự án đường Tân Phú – Xuân Đài có chiều dài gần 10km, trong đó đi qua địa bàn xã Xuân Sơn 4,8km, ảnh hưởng đến 54 hộ dân và phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 4ha đất nông nghiệp, đất ở. Nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất làm đường vì mục tiêu chung, đó là địa phương có hạ tầng giao thông khang trang, bề thế từ đó tạo “cú hích” để phát triển kinh tế, xã hội.

Cán bộ địa chính xã Xuân Đài đánh dấu tọa độ vị trí thửa đất làm căn cứ giải quyết tranh chấp. Ảnh: Xuân Trường.

Cán bộ địa chính xã Xuân Đài đánh dấu tọa độ vị trí thửa đất làm căn cứ giải quyết tranh chấp. Ảnh: Xuân Trường.

Trả lời câu hỏi, vì sao 4 hộ dân có đất bị chồng lấn không hiến đất để làm đường, chủ tịch xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín lý giải: 4 hộ dân nói trên không phải người địa phương, họ đều ở nơi khác tới mua đất ven suối để làm du lịch. Ngoài ra, vị trí thửa đất bị chồng lấn nằm ven suối, diện tích nhỏ hẹp, địa hình cao, không bằng phẳng. Nếu hiến đất, phần còn lại rất nhỏ không đảm bảo xây dựng công trình…

“Đặt mình vào vị trí của người mất đất, họ bỏ tiền bằng thật để mua chứ không phải đất của tổ tiên, ông bà để lại. Người dân sinh sống tại chỗ tình nguyện hiến đất vì hiến đất xong, họ vẫn còn diện tích để tiếp tục sinh sống, lại có tuyến đường rộng rãi, khang trang sẽ đẹp đẽ hơn, giá trị đất theo đó cũng tăng lên. Chúng tôi không trách các anh chị trên vì sao không hiến đất cho địa phương. Họ cũng rất phối hợp với chúng tôi trong quá trình giải quyết, đó là điều rất đáng ghi nhận.

Trong số 4 hộ dân có đất bị chồng lấn lên dự án làm đường giao thông, anh Khuất Tiến Quân đã quyết định hiến cho địa phương 1 mét đất chạy sâu vào phần đất của mình, để đảm bảo mỹ quan cũng như chất lượng công trình. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao hành động này của anh Quân” - ông Tín nói.

Thời điểm hiện tại, nhà thầu thi công công trình – đơn vị để xảy ra sai sót đường giao thông “đi lạc” vào nhà dân đang nắn chỉnh con đường sang phía đối diện, trả lại mặt bằng cho các hộ bị xâm chiếm.

Sự văn minh trong giải quyết tranh chấp đất đai

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Xuân Toản cho biết đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban chức năng, nhà thầu thi công phối hợp với chính quyền xã Xuân Đài giải quyết dứt điểm sự việc. Phương án xử lý đã được các bên đồng tình, chấp thuận.

Đó là lý do sáng ngày 10/12, đại diện Ban quản lý dự án huyện; đại diện nhà thầu thi công (công ty Phương Nam); chính quyền xã Xuân Đài cùng 4 hộ dân có đất đang bị chồng lấn đã có mặt tại hiện trường tiến hành đo đạc, đánh dấu các vị trí, cắm mốc tọa độ… để trả lại mặt bằng cho các hộ liên quan.

Chủ tịch xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín, đại diện nhà thầu thi công và anh Khuất Tiến Quân (đứng giữa) tại hiện trường thi công tuyến đường Tân Phú - Xuân Sơn. Ảnh: Xuân Trường.

Chủ tịch xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín, đại diện nhà thầu thi công và anh Khuất Tiến Quân (đứng giữa) tại hiện trường thi công tuyến đường Tân Phú - Xuân Sơn. Ảnh: Xuân Trường.

Chủ tịch xã Xuân Đài, ông Hà Ngọc Tín cho biết thêm, ngoài việc hoàn trả mặt bằng cho các hộ dân liên quan, xã đã làm việc với gia đình ông Hà Văn Đáp (hộ dân ở vị trí đối diện với khu đất bị chồng lấn, nằm phía bên này con đường - PV). Gia đình ông Đáp đã chấp thuận cho dịch chuyển con đường vào sâu thêm 3 mét vào vị trí đất của mình.

Để đối ứng lại phần diện tích đất bị mất đi này của gia đình ông Đáp, xã cũng làm công tác dân vận để hộ phía trong, liền kề với nhà ông Đáp “nhường” cho hàng xóm một phần đất của mình, để đảm bảo không gian, diện tích đất sinh sống về lâu dài.

“Đơn vị thi công có trách nhiệm trích ra một phần tiền để hài hòa phần diện tích đất giữa gia đình ông Đáp, đồng thời còn bảo đảm sẽ có trách nhiệm hạ thấp cốt nền sân để phù hợp với mặt bằng đường mới, gia cố đường đi cho gia đình đã nhường đất cho ông Đáp. Ngoài ra, họ sẽ san lấp mặt bằng, kè gia cố mé suối để đảm bảo an toàn cho phần đất của 4 hộ dân liên quan. Các bên đều rất vui vẻ, còn đề nghị nhà thầu cấp thêm một con lợn để tổ chức liên hoan. Tôi thấy rất vui vì phương án được mọi người đồng tình ủng hộ” – chủ tịch xã Xuân Đài chia sẻ và khẳng định, khi tuyến đường hoàn thành sẽ có trách nhiệm xác lập lại sơ đồ mới thửa đất cho các hộ dân liên quan.

Anh Khuất Tiến Quân, 1 trong 4 hộ có đất bị chồng lấn và cũng là người quyết định hiến 1 mét đất (chạy sâu) để làm đường cho biết: “Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng đóng góp các dự án hạ tầng phục vụ lợi ích cộng đồng. Chúng tôi tôn trọng chính quyền địa phương và luôn phối hợp, cùng giải quyết để tìm tiếng nói chung chứ không gây cản trở, làm phức tạp thêm câu chuyện”.

Vụ việc tại dự án đường Tân Phú - Xuân Đài cho thấy cách quản lý và triển khai các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại. Việc bàn giao mặt bằng không rõ ràng, giám sát lỏng lẻo, và sự phối hợp kém giữa các bên đã dẫn đến chồng chéo trách nhiệm, gây ra nhiều chi phí và mất nhiều thời gian giải quyết.

Tuy nhiên, với phương án xử lý hợp tình, hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các bên cho thấy sự văn hóa, văn minh và nhân văn, đặc biệt ở địa bàn xã miền núi điều kiện kinh tế, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế. Nó đưa lại bài học trong cách xử lý về tranh chấp đất đai – lĩnh vực luôn chiếm tỷ lệ lớn (hơn 80%) – nguồn cơn của những đơn thư khiếu nại tố cáo, thậm chí kéo dài trong quản lý nhà nước hiện nay.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.