Đào xới, san lấp trái phép công trình thủy lợi
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện hành vi đào xới, san lấp trái phép công trình thủy lợi tại nhiều địa phương như Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn. Điều này không chỉ gây mất an toàn công trình, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các địa phương vẫn chưa nghiêm, chưa triệt để, gây bức xúc dư luận.
Cách đây không lâu, cán bộ quản lý hồ Yên Mỹ và nhân dân phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Như Hai (thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ, Nông Cống, Thanh Hóa) làm 2 nhà hàng bằng thuyền nổi và thuê máy múc, xe tải, đào và đổ đất, vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình lòng hồ Bòng Bòng.
Theo quan sát của phóng viên, hiện trường khu đất đã được cải tạo xuất hiện bờ kè bên tông dài hàng chục mét, cao khoảng 50cm. Tại khu đất rộng cả nghìn m2 thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (tính từ điểm cắm mốc đến mép nước), ông Hai đã thuê máy múc, đào rãnh thoát nước rộng hơn 1m kèo dài hàng chục mét, làm biến dạng địa hình mặt bằng. Tại khu đất xuất hiện nhiều cây lớn, cao từ 3-4m vừa được trồng. Vị trí bờ kè xuất hiện thuyền sắt neo đậu (mục đích kinh doanh du lịch).
Tương tự, tại huyện Triệu Sơn, kênh tiêu Ninh Phong (từ K0+350-K0+385) có chiều dài 35m bị gia đình ông Thái Quyền Anh (thôn 7, xã Minh Sơn) xâm phạm. Cụ thể, tại vị trí này, ông Anh đã lắp đặt 2 ống cống có khẩu độ D=1.200mm với tổng chiều dài mỗi cống là 35m nằm trong lòng kênh và lấp đất chặn dòng với tổng khối lượng hơn 100m3.
Theo Chi nhánh thủy lợi Triệu Sơn, đây là kênh tiêu có tổng chiều dài 581m, có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho 360ha diện tích đất nông nghiệp của xã Minh Sơn và khu dân cư tại huyện Triệu Sơn. Hành vi tự ý lắp đặt ống cống với khẩu độ như trên và lấp đất chặn dòng chảy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát lũ trong mùa mưa của kênh tiêu Ninh Phong.
Tại khu vực lòng hồ Yên Mỹ (thôn Bái Xim, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa), ông Lê Huy Trung đã đổ đất, đá, lấn chiếm, công trình thủy lợi. Tại hiện trường, chủ hộ đã xây dựng công trình dựng nhà mái tôn trên diện tích cả trăm m2, làm biến dạng khu vực lòng hồ.
Các vi phạm nêu trên đã được Công ty Sông Chu phát hiện, lập biên bản, yêu cầu dừng các hoạt động. Đơn vị quản lý cũng báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương, đề nghị phối hợp ngăn chặn, giải quyết vi phạm, thế nhưng, người vi phạm vẫn phớt lờ. Bên cạnh đó, dù công trình vi phạm đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, nhưng chính quyền các địa phương nêu trên cũng không có giải pháp xử lý triệt để vi phạm (tháo dỡ, trả lại nguyên trạng hiện trạng đất trước khi vi phạm).
Chính quyền thiếu quyết liệt
Đến nay, các địa phương nêu trên chưa ban hành bất cứ quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào đối với cá nhân có liên quan. Các hành vi vi phạm đều để kéo dài hoặc xử lý qua loa, không triệt để khiến tình trạng xâm hại, lấn chiếm lòng hồ, kênh tiêu trở nên mất kiểm soát.
Điển hình cho việc xử lý qua loa, thiếu kiên quyết của chính quyền một số địa phương trong tỉnh đó là trường hợp lấn chiếm đất lòng hồ thủy lợi của ông Nguyễn Như Hai (thôn Trung Tâm, xã Yên Mỹ). Từ khi phát hiện sự việc (ngày 14/10) đến khi cá nhân này hoàn thành việc san lấp, tạo mặt bằng, chính quyền địa phương và đại diện Công ty Sông Chu đã nhiều lần làm việc với ông Hai, đồng thời yêu cầu ông Hai dừng các hành vi vi phạm khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cấp phép theo đúng quy định, thế nhưng cá nhân này vẫn không chấp hành.
Không những thế, từ ngày 2-4/12/2024, ông Hai tiếp tục tập kết vật liệu để xây dựng trái phép trong phạm vi công trình thủy lợi bất chấp yêu cầu tháo dỡ, hoàn trả nguyên trạng mặt bằng trước khi vi phạm. Thế nhưng, tại thời điểm ngày 10/12/2024, cá nhân này vẫn chưa khắc phục hậu quả.
“Việc tự ý cải tạo, san lấp, làm khu neo đậu tàu thuyền của ông Nguyễn Như Hai trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi. Dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn, lập biên bản vi phạm, nhưng cá nhân này vẫn có tình xây dựng và có dấu hiệu xem thường các quy đinh pháp luật”, văn bản của Công ty Sông Chu nêu rõ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa) cho biết: “Sau khi tiếp nhận vụ việc, UBND huyện đã phối hợp với Công ty Sông Chu, xã Yên Mỹ và hộ ông Hai để xác định nguồn gốc đất tại khu vực bảo vệ công trình thủy lợi. Dù cho đất của ai đi chăng nữa, thì hành vi xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đều vi phạm”.
Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty Sông Chu cho biết, thời điểm này nhiều địa phương bắt đầu chuẩn bị sản xuất vụ xuân, vì vậy, để công trình thủy lợi phát huy tốt vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp, rất cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm giải quyết triệt để các vi phạm, lấn chiếm công trình thủy lợi; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi coi thường pháp luật.
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, từ năm 2018 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2.696 vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó năm 2023 phát sinh 137 vụ. Số vụ vi phạm đã được xử lý năm 2023 là 93/137 vụ (đạt 67,9%). Trong đó số vụ kiến nghị UBND cấp xã, huyện xử lý là 21/39 vụ (đạt 53,8%).
Các vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn chưa triệt để.
Nguyên nhân của tình trạng công trình thủy lợi bị xâm phạm là do công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền, nhận thức của một số bộ phận người dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thủy lợi còn hạn chế. Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt, chưa xử lý triệt để, chưa dứt điểm. Vẫn còn tâm lý nể nang trong xử lý vi phạm nên hiệu quả đạt thấp.
Theo Sở NN-PTNT Thanh Hóa, thẩm quyền của đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi chỉ dừng ở mức độ phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, động viên tháo dỡ, khắc phục và kiến nghị chính quyền xử lý; công tác xử phạt hành chính của chính quyền các địa phương còn hạn chế.