| Hotline: 0983.970.780

Xã anh hùng bên kia sông Đuống

Thứ Hai 04/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Bên kia sông Đuống - nơi tràn ngập màu xanh ngút mắt của lúa, của những cánh đồng rau và những cánh cò chầm chậm bay trong ráng chiều. Để có được cuộc sống thanh bình ấy là cả một cuộc kháng chiến không mệt mỏi.

Chiến công của con người ở từng vùng đất, ở từng địa danh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên chiến thắng của cả dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng kiên cường đấu tranh, bảo vệ từng con người, từng tấc đất quê hương.

Kiên cường đấu tranh

Xã Song Giang nằm ở bờ Nam sông Đuống là một trong những địa bàn hoạt động quan trọng của các phong trào khởi nghĩa nông dân ở Gia Bình chống thực dân Pháp và bè lũ vua quan phản động trong nước.

Nói về công cuộc kháng chiến của người dân địa phương, ông Trịnh Đình Trụ, Chủ tịch UBND xã Song Giang, kể lại: Nhân dân Song Giang tham gia đội quân Tam tỉnh nghĩa đoàn do Nguyễn Cao, Dương Khải, Ngô Quang Huy, Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đứng lên kháng chiến. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhân dân Song Giang hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tích cực chuẩn bị lực lượng đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền.

Cuối tháng 6/1945, tổ chức Mặt trận Việt Minh ở các làng của Song Giang lần lượt được thành lập. Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền mới ở Song Giang được thành lập nhưng còn non trẻ. Nạn đói chưa kịp khắc phục thì lụt lớn tàn phá, người dân Song Giang khó khăn, làng xóm tiêu điều, trên 90% dân số mù chữ.

Trong khi đó, một số tổ chức Quốc dân đảng và phản động cấu kết phá hoại thành quả của cách mạng. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Mặt trận Việt Minh huyện Gia Bình, công tác vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ, cứu tế đồng bào bị đói, lụt được nhân dân Song Giang tích cực hưởng ứng.

Năm 1946, Chi bộ ghép đầu tiên ở Song Giang được thành lập. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, nhân dân Song Giang đã cử những người con ưu tú tham gia dân quân du kích. Chỉ trong 1 tuần lễ, nhân dân đã góp gần 5.000 cây tre, phối hợp với lực lượng của các xã bạn đóng kè trên sông Đuống để ngăn cản hoạt động của ca nô, tàu xuồng địch.

Song Giang là vùng “địa đầu” của huyện Gia Bình, nơi giáp ranh 3 huyện (Gia Bình, Thuận Thành, Quế Dương) nên suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, địch coi Song Giang là mục tiêu quan trọng phải đánh chiếm để chốt chặn, khống chế các xã phía Nam huyện Gia Bình.

Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/1947, thực dân Pháp huy động khoảng 3.500 quân tấn công đánh chiếm các huyện Thuận Thành, Lương Tài, Gia Bình, chiếm đóng và tra tấn những người tham gia cách mạng. Tiếp đó là những cuộc càn quét, giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ. Kẻ thù hành động dã man nhằm đàn áp cuộc cách mạng nhưng nhân dân và lực lượng dân quân du kích Song Giang không hề nao núng, vẫn đoàn kết đấu tranh.

Suốt những năm dài kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang của xã đã kiên trì bám đất, bám dân, khi độc lập tác chiến, lúc phối hợp, hiệp đồng cùng các đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, dân quân du kích của các xã bạn tổ chức những trận địa phục kích, phá tề, phát triển chiến tranh du kích.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng dân quân du kích xã đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Nhiều gia đình ở Song Giang nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ, bộ đội, du kích trong những năm kháng chiến. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, xã có 29 liệt sỹ, 4 thương binh, 10 gia đình được công nhận là gia đình có công với cách mạng, xã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại…

Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Song Giang luôn giữ vững với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đi đầu trong xây dựng NTM

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hôm nay, phát huy truyền thống Anh hùng, Song Giang đang là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ của BCH TƯ Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, xây dựng NTM, từng bước chuyển mình đổi thay với hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… phát triển đồng bộ, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, tạo thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một được nâng cao.

Những ngày này nhân dân địa phương đang háo hức chuẩn bị đón mừng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp vào ngày 5/5 do Chủ tịch nước trao tặng. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của người miền quê quan họ Song Giang.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.