| Hotline: 0983.970.780

Xâu xé dòng Lô

Thứ Sáu 10/12/2010 , 09:42 (GMT+7)

Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) giờ là điểm nóng nhất của nạn đào khoáng sản trái phép trên sông Lô...

Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) giờ là điểm nóng nhất của nạn đào khoáng sản trái phép trên sông Lô. Ở đây có hệ thống đê dài 1,7km, có nhiều công trình thủy lợi quan trọng như trạm bơm, cống Cầu Mai tiêu nước cho 5 xã phía nam huyện, công trình xả lũ, hạt quản lý đê điều… Cứ như lời ông Nguyễn Đức Phòng, Phó Chủ tịch xã Cao Phong, nạn đào khoáng sản trái phép thò chiếc vòi bạch tuộc của nó đến địa phương cũng đã hai năm.

>> Sông Lô chiều cuối năm

Cái chết gây rúng động

Lúc đầu người ta thấy 3 chiếc máy cẩu của Cty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc ở đâu lù lù xuất hiện, khoan sâu, chọc thủng đáy sông, đêm ngày móc hàng ngàn, hàng vạn mét khối cát. Lòng sông tan hoang, bãi bồi lở loét. Tình thế gay go đến độ UBND xã đã phải kêu cứu lên huyện, lúc đó mới “lòi đuôi” Cty này chưa hề có giấy phép khai thác. Bị đình chỉ hoạt động nhưng 3 chiếc máy cẩu vẫn tiếp tục hoành hành ở Cao Phong. Tai chưa qua, ách lại đến. Đoạn sông Lô trên địa bàn tiếp tục là chiến trường xâu xé của nhiều Cty hút cát trái phép. Gần đây nhất là Cty TNHH Bắc Ái. Giờ đây, lúc nào cũng có khoảng 8 chiếc tàu cuốc, 20-30 chiếc thuyền tải trọng khoảng 200-300 tấn rầm rộ làm, nhất là về đêm.

Ông Phòng kể: “Nhà nước đã kè đê, thả vô số rọ đá, rồng đá mất nhiều tỉ đồng mới hình thành, giữ được bãi bồi rộng, màu mỡ như bây giờ. Vậy mà chỉ một chỉ một thời gian ngắn bãi lở đến mức cọc phân giới hành lang bảo vệ đê điều có chỗ còn cách mép nước 15 mét. Tôi e, cứ để một tuần múc cật lực là tất cả lật hết xuống sông. Một số thôn như Giạn, Phục, Cây Gạo, Cây Si, Nông Xanh, Ngọc Bật, Dùng bỏ hoang gần chục ha đất bãi vì dân sợ có trồng mà không có ăn".

Thương tâm hơn là trường hợp cháu Nguyễn Xuân Bình 14 tuổi đi chăn bò, sụt xuống hố hàm ếch do tàu hút tạo nên, bị cả tảng đất lớn chôn sống. Gia đình cháu thuê đội câu 25 triệu tìm mấy ngày mà không thấy xác, mãi sau, người trong xóm dùng gậy tre chọc, xăm từng mét đất bãi, mới phát hiện ra thi thể. Dân chúng bức xúc lắm! Một số bảo chắc mấy ông Ủy ban ăn tiền của bọn hút cát nên làm ngơ.

Khi tôi đến khói hương trên ban thờ cháu Bình vẫn trầm mặc tỏa. Chị Bông vừa ôm di ảnh của con vừa dấm dứt khóc: “Tôi vốn đau yếu, chồng thường xuyên đi làm xa, chỉ có cháu đỡ đần việc. Cháu chết bởi sụt xuống hố hút cát nhưng phía Cty hút cát vẫn không hề hỏi han cháu một câu nào trong khi đó tiền tang lễ 8 triệu chúng tôi vẫn phải vay”. Từ hồi mất con, chị Bông ốm lên ốm xuống, héo khô còn ngót 30 kg…

Để cận cảnh đào khoáng sản, mấy anh công an xã mặc thường phục “hộ tống” tôi ra bãi sông. Cả khúc sông như một trận Bạch Đằng với hằng hà, sa số tàu lớn bé, giăng kín mặt nước. Tàu múc quay guồng xoay vần xúc cát, tàu hàng nằm xếp loạt như đoàn chiến hạm khổng lồ. Tiếng máy nổ điếc tai, mùi xăng dầu khét lẹt. Những tảng đất ven bờ to như những tòa nhà ủy ban bị lở rơi tõm xuống sông. Nước sông như sôi sùng sục trong ngầu bọt. Mưa lâm thâm, chiếc máy ảnh giấu trong áo tôi lia xuống. Ánh đèn chớp loe lóe.

 Có chiếc tàu thấy động giật máy tháo chạy nhưng có nhiều chiếc mỏ neo nặng trịch bập bầm tím bờ bãi không thể rút được đành chơi bài chây ì, điềm nhiên vục tiếp.

"Coi thường pháp luật trắng trợn"

Ngày 22/11/2010, địa phương cũng triệu được anh Nguyễn Đức Thụ, Đội trưởng đội thăm dò của Cty Bắc Ái trên địa bàn Cao Phong đến UBND. Anh Thụ chỉ trình được văn bản hướng dẫn thăm dò chứ không có giấy khai thác. Thiếu những văn bản đó chứng tỏ một điều Cty Bắc Ái đã “tiền trảm, hậu tấu”. Ủy ban xã đã cấm Cty này khai thác tiếp, rời đoàn thuyền ra khỏi bờ sông 70m, chỉ cho phép một tàu thăm dò ở lại. Đại diện Cty hứa hẹn sẽ thực hiện những ý kiến đó.

Lời hứa chỉ như bọt nước xà phòng. Một người thạo tin bảo tôi, một tàu hút ngày bóc cả 1.000m3 cát, lãi không dưới cả chục triệu đồng, cả gần chục chiếc thu ngót trăm triệu, đời nào họ từ bỏ dễ dàng... Trước đó, nạn khai thác khoáng sản xảy ra rầm rộ ở Đức Bác và các xã cận sông Lô đến nỗi người dân phải tự vũ trang bằng gậy gộc, đá hộc tấn công đoàn tàu.

 Một cán bộ Đức Bác bảo tôi sự bất cập trong quản lý sông của nhà nước: “Cách bờ 20 mét thì tỉnh quản lý mà mặt nước lại di động lên xuống theo mùa nên khi nước đầy, mép nước vào sát chân đê, tàu cát vào gặm sát sạt luôn”. Mới đầu tàu đến, dân ra xua đuổi, công nhân nổ máy chạy. Sau dạn dĩ dần, công nhân hút cát cũng tự vũ trang, đội mũ bảo hộ, khuân đầy thuyền gạch, đá sẵn sàng ăn miếng trả miếng với người dân trên bờ. Khi cơ quan chức năng đến họ chạy sang bờ sông phía Việt Trì trú ẩn đợi lúc về lại thò gàu, thò vòi múc.

Cuộc chiến giữa ngày và đêm cứ thế tiếp diễn. Lại có trường hợp thôn Thọ Lão thỏa thuận trái phép với đám tàu hút bán một vùng bãi 300 triệu, lúc xã phát hiện ra cấm, đoàn tàu hút rùng rùng tháo chạy rồi chơi bài chiến tranh du kích. Lực lượng nào ra tháo mỏ neo, bọn đào trộm liền bẫy lại bằng cách thốc ga phóng vụt ra giữa dòng. Trước sức kéo của hàng trăm mã lực, sợi cáp sẽ bật thẳng, sơ sẩy có thể giật đứt lìa cả bàn tay.

Những Cty lớn thấy động cũng bớt ngang nhiên khai thác nhưng các thuyền nhỏ vẫn chơi bài chiến tranh du kích. Cấm ngày thì họ cày đêm. 
Đoạn sông Lô từ tỉnh Tuyên Quang về đến Cao Phong dài gần 40 km bị khoáng tặc băm nát. Lòng sông tụt hoắm, ghềnh đá nổi lên, có những tảng to như cái nhà chắn ngang bến phà Đức Bác. Đêm dân ngủ không yên. Ngày vẫn thỉnh thoảng có trâu bò ngã lăn xuống lòng sông vì sụt lún, dân bổ nhào đi vớt. Bí thư xã Cao Phong Khổng Văn Chẩn than: “Chúng tôi đã làm hết mọi thứ có thể nhưng tình hình vẫn thế. Họ coi thường pháp luật quá trắng trợn. Mới đây có đoàn liên ngành của huyện về lập biên bản xử lý ngay tại Ủy ban xã. Đoàn ra về, đâu lại vào đấy”.

Ở xã Đôn Nhân, dân tình như sôi lên trước sự bất lực của cơ quan công quyền. Thời cao điểm nhất, có lúc tới hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ đậu kín 5 km sông trên địa bàn xã, thò những chiếc vòi khổng lồ xuống quấy tung lòng sông lên. Soi bãi lở tàn bạo, đê phải nắn mất tiền tỉ, kè lại cũng hàng vài tỉ đồng nhưng nạn hút cát lậu vẫn không thuyên giảm. Đã có nhiều cuộc xô xát bằng gậy gộc, đá tảng do người dân tự vũ trang xung đột với lực lượng trên tàu.

Mới đây, Cty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc đã chuyển nhượng địa bàn hút cát cho một đơn vị khác chưa có thủ tục hoàn chỉnh nhưng để nhanh thu hồi vốn, đơn vị này tung quân khai thác ồ ạt. Người dân địa phương bất bình quá, tổ chức khoảng 30 người trên bờ cầm gạch đá yểm trợ cho một người ôm can xăng, bơi ra tàu hút, rưới ướt mái rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa của xăng hòa cùng lửa giận sục sôi. Vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý hồ sơ. (Hết) 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm