| Hotline: 0983.970.780

Bẫy thu nhập đủ no

Thứ Năm 23/05/2013 , 13:34 (GMT+7)

Anh Nguyễn Năng Trọng, Trưởng thôn Từ Xá (Đoàn Kết, Thanh Miện, Hải Dương) thống kê 50 thanh niên trong làng không công ăn, 30 thanh niên lao động phất phơ kiểu ráo mồ hôi là hết tiền.

Anh Nguyễn Năng Trọng, Trưởng thôn Từ Xá (Đoàn Kết, Thanh Miện, Hải Dương) thống kê 50 thanh niên trong làng không công ăn, 30 thanh niên lao động phất phơ kiểu ráo mồ hôi là hết tiền.

>> Những đứa trẻ mẫu giáo... già
>> Vỡ làng...
>> Mối lo làng quê

Đoàn Kết có 10 xưởng may nhỏ, mỗi xưởng thu hút cỡ 25-30 lao động. Thanh niên tối ngày cắm cúi mặt làm 11-12 giờ trong các xưởng may với đồng lương 2-2,5 triệu đồng/tháng và đừng mơ tới chuyện được đóng bảo hiểm, chế độ đãi ngộ hay bảo đàm phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó ở làng giờ cái gì cũng quy ra tiền. Khóc cũng tiền (đám ma) mà cười cũng tiền (đám cưới), mỗi đám ít ra mất 100.000đ nên thu nhập 2-3 triệu đủ ăn là may.

Hai đứa cháu của trưởng thôn Trọng cũng làm công nhân may. Thời gian biểu của chúng 7 giờ sáng vào ca, gần 12 giờ trưa về nhà nháo nhào nấu ăn rồi 1h30 chiều vào ca cho đến 6 giờ tối về nhà đã mệt phờ, vừa ăn vừa xem ti vi vừa ngủ lúc nào chẳng hay. Chúng chẳng thèm quan tâm đến hoạt động xã hội cũng như chẳng biết một diễn biến chính trị nào của đất nước và càng không có cơ hội để học tập hay rèn giũa một thứ nghề gì đó cho thật thành thạo để vươn lên khá đủ và làm giàu.

Từ hồi điện thoại di động phát triển, ở làng quê bây giờ thứ tẻ nhất là bưu điện văn hóa xã. Nhiều bưu điện lối vào cỏ mọc xanh um, người trông coi suốt ngày ngủ gà ngủ gật vì rỗi việc. Mớ sách báo nghèo nàn ở đây thỉnh thoảng cũng thu hút một hai ông bà già đến ngó nghiêng còn đám thanh niên tịnh không bén mảng. Đã qua rồi thời kỳ bưu điện văn hóa xã trở thành món ăn tinh thần được ưa chuộng của nông dân, đã qua rồi thời kỳ sách báo trở thành người bạn thân thiết của nhà nông.


Làng quê rơi vào bẫy thu nhập đủ no

Cái bẫy thu nhập đủ no chứ chưa thể ăn ngon, lại càng chưa thể nói là khá và có cơ hội làm giàu đang giăng mắc khắp các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Có người nhận xét rằng nếu trừ cái ti vi màu, cái xe máy Tàu ra thì nông thôn Việt Nam hiện tại không khác gì mấy so với mươi năm trước. Ngẫm thật chua xót nhưng không hẳn không có ý đúng. Thay đổi ở nông thôn không phải là phương tiện sinh hoạt có chút khá hơn, có tí máy tuốt, máy phụt xuống đồng mà quan trọng là thay đổi nhận thức, là thay đổi cách làm ăn, là tìm phương hướng phát triển, những thứ này ở nhiều nơi vẫn là bài toán nhiều ẩn số.

Lão nông Phạm Xuân Lợi (thôn Kim Trang Tây, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện) từng kinh qua chức Chủ nhiệm HTX thời bao cấp nhận xét: “Làm nông nghiệp từ năm 2000 đến nay khó khăn hơn thập kỷ 90 (TK XX) vì đầu vào lớn hơn đầu ra trong khi đó vai trò quan trọng nhất của HTX là công ích càng ngày càng bị teo tóp vì chỉ chú trọng vào dịch vụ”.

Còn Chủ tịch HĐND xã Lam Sơn Nguyễn Văn Cường kiến giải: “Không phải nông dân chán ruộng mà do ruộng đất manh mún, khó làm nên nhất định phải cải tạo lại đồng ruộng bằng giao thông, bằng thủy lợi. Có giao thông, thủy lợi tốt rồi không ai bảo người dân cũng dồn đổi cho nhau, mà người nào không muốn cấy nữa cũng cho thuê được với giá cao, ví dụ một sào dăm ba chục cân thóc, vài sào là một vụ có 1-2 tạ thóc ăn, rất ý nghĩa với những người không còn sức lao động hay neo người. Giá trị nhân văn là ở chỗ ấy. Nay sở dĩ cho ruộng không ai nhận vì mảnh xa, mảnh gần, vì đường nội đồng hẹp máy móc khó xuống, người già nếu bỏ đất hoang hoặc trả ruộng đất thì lấy gì mà ăn? Nhà nước bảo hỗ trợ cả mấy chục ngàn tỉ cho bất động sản phá băng sao không tạo nguồn tín dụng thấp để làm giao thông nông thôn, để chỉnh chang ruộng đồng?”.

Một người mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, chuyên đi đào tạo tập huấn cho nông dân cách làm kinh tế kiểu nuôi con gì, trồng cây gì như anh Trần Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cũng đau đầu trước câu hỏi, làm thế nào để làm giàu cho nông thôn: “Kinh tế nông thôn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ không bứt phá được vì đã đến ngưỡng. Người có trình độ đi hết, chỉ còn những người không đi được đâu, người già, trẻ con mới chịu ở làng. Nền móng, tiềm lực đã mỏng bản thân người nông dân lại dễ bằng lòng với cuộc sống, không mạnh dạn. Thêm vào đó điều kiện phát triển kinh tế khó do đất ít, nếu một cá nhân nào đưa cái mới vào tạo thu nhập cao thì cũng chỉ được vài vụ là mọi người ào vào theo, lại thất bại. Nông dân làm giàu về chăn nuôi theo tôi dễ hơn trồng trọt vì đất ít, vì hệ số quay vòng nhanh nhưng không phải ai cũng làm được vì khả năng tiếp cận cái mới, vì thiếu vốn, vì thị trường bất ổn”.

Những làng quê trũng không phải chỉ về địa lý tự nhiên mà còn “trũng” về kinh tế, về cơ hội, định hướng phát triển. Tôi có cuộc khảo sát nhanh với nhiều nông dân về điều họ sợ nhất là gì? Phần đa họ đồng loạt đáp không ngần ngại sợ ốm. Ốm đồng nghĩa với tốn tiền, thậm chí tán gia bại sản nếu mắc bệnh trọng. Tôi đã từng bắt gặp những người bị K giai đoạn cuối chịu những cơn đau khủng khiếp thối da, thối thịt, hoại tử ruột gan mà nhất định không chịu tiêm moóc phin giảm đau vì tiết kiệm cho con cháu vài chục ngàn một mũi.

Nông nghiệp Việt Nam là tờ báo đầu tiên của cả nước gióng lên hồi chuông bệnh ung thư ở Thạch Sơn (Phú Thọ) để từ đó hình thành khái niệm mới, làng ung thư. Giờ không phải ở đâu xa lạ, hầu như làng nào cũng là làng ung thư, hầu như cứ hai ba đám ma lại một đám do ung thư. Tôi hỏi ngẫu nhiên anh Bùi Văn Thái, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lam Sơn (Thanh Miện, Hải Dương), và được thông báo rợn người rằng mỗi năm xã có trên 40 chết thì cỡ 20 người ung thư, đa số là K phổi, K thực quản-những nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm môi trường từ hít thở, từ ăn uống, từ tiếp xúc ngoài da thịt.

Ngưỡng năng suất lúa hiện nay đã kịch trần rồi, áp dụng cũng đủ mọi ứng dụng KHKT rồi, giờ phải thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, phải chuyên canh hàng hóa theo hướng tập trung, những thứ vẫn còn xa lạ ở đồng bằng Bắc Bộ may mới có thay đổi, đột phá.

Những người nông dân ngày nào từng diệt chấy bằng cách ủ DT 666-chất BVTV cực độc lên đầu. Những người nông dân phun thuốc cũng chẳng thèm mặc áo bảo hộ, bịt khẩu trang. Những người nông dân từng đổ ào ào thuốc sâu xuống đồng ruộng khiến cho đỉa trên đồng giờ cũng vắng bóng chứ đừng nói cà cuống, đòng đong, săn sắt. Trong khi đó anh Nguyễn Trường Tam-Trạm trưởng trạm y tế xã Đoàn Kết ngán ngẩm bảo: “Người nghèo đi khám bảo hiểm bình quân được phát 19-20.000đ tiền thuốc, chỉ đủ mua thuốc trong 3 ngày mà nguyên tắc chữa các bệnh viêm nhiễm khi dùng kháng sinh phải 5-7 ngày, dùng thiếu sẽ bị nhờn thuốc”…

Đang trò chuyện dở, điện thoại của anh Tam bỗng reo. Có một ca đẻ ở trạm xá. Chuyện hiếm ở quê! Giờ chỉ có các bà mẹ trẻ, đẻ con so, đẻ thật dễ, gia cảnh thật nghèo mới chấp nhận đẻ ở trạm. Tiếng đứa trẻ khóc oa oa báo hiệu một mầm sống đầy sinh khí vẫn không xua tan được trong tôi hình ảnh xập xệ, u ám của một trạm xá xã.

Giờ người ta chán làm ruộng đã đành còn chán cả theo ngành nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hầu như chỉ còn thu hút được con em nông dân theo học. Ở sân trường, đám sinh viên còi cọc, rụt rè, tồi tội như chính cha mẹ chúng ở quê.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm