| Hotline: 0983.970.780

Tàu đi năm rưỡi chưa về

Thứ Tư 04/04/2012 , 11:12 (GMT+7)

Ngày 19/10/2010, tàu Thành Long TG69920 nhổ neo ra khơi đánh cá, mang theo 11 thành viên, trong số này, hơn một nửa đã có vợ con. Những người phụ nữ ở nhà ngày đêm nước mắt ngắn dài, mòn mỏi ngóng trông. Một năm rưỡi đã trôi qua, con tàu vẫn như bóng chim tăm cá.

Ngày 19/10/2010, chiếc tàu mang tên Thành Long TG69920 nhổ neo từ Cồn Long (nay là phường Tân Long, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) ra khơi đánh cá, mang theo 11 thành viên, trong số này, hơn một nửa đã có vợ con. Những người phụ nữ ở nhà ngày đêm nước mắt ngắn dài, mòn mỏi ngóng trông. Một năm rưỡi đã trôi qua, con tàu vẫn như bóng chim tăm cá.

>> Bao trai tráng dồn ra biển cả
>> Hai mươi năm chưa tìm thấy xác chồng, con

  "ỔNG ẤY SẮP VỀ PHẢI HÔN?"

 Cù lao Tân Long là một trong 4 cù lao trên sông Tiền, được dân gian đặt tên theo nhóm “tứ linh” là Cồn Long, Cồn Lân (cù lao Thới Sơn), Cồn Quy (cù lao Tân Quy), và Cồn Phụng (cù lao Tân Vinh).

Trong số “tứ linh” này, Cồn Long chỉ cách TP Mỹ Tho một chuyến phà ngắn và từng được mệnh danh là “vương quốc” tàu cá khi có thời điểm đội tàu Tân Long lên đến gần 500 chiếc, từng mang về hàng chục ngàn tấn hải sảo các loại mỗi năm. Nhưng đó là thời điểm những năm 90  (TKXX) trở về trước. Bây giờ, Tân Long chỉ còn vài chục chiếc tàu hoạt động cầm chừng, phần vì đánh bắt khó khăn, phần vì nhiều rủi ro, nguy hiểm. Những cơn bão, những chuyến tàu mất tích bí ẩn khiến hàng trăm chiếc tàu bị rao bán, hàng ngàn ngư phủ đổi nghề.

Trên chuyến phà từ TP Mỹ Tho sang Cồn Long, tôi đi cùng anh Nguyễn Văn Sơn, công an phường Tân Long. Nghe tôi hỏi về những người phụ nữ có chồng đi biển mất tích, không cần suy nghĩ, anh Sơn nói ngay: “Thiếu gì, anh đi cả ngày không hết”.


Bà Bảy Ruộng trong túp lều trống trước hở sau.

Theo chỉ dẫn của anh Sơn, tôi tìm đến túp lều chỉ rộng chừng 10m2 của bà Bảy Ruộng (Phạm Thị Ruộng, vợ ông Nguyễn Chí Dũng, tài công tàu Thành Long) ở ấp Tân Hòa lúc bà Bảy đang lúi húi đan lưới, bộ đồ trên người bà xộc xệch, quần ống thấp ống cao. Thấy tôi dừng xe trước cửa, bà Bảy chạy ra hỏi dồn: “Chú đến báo tin tàu hả chú? Ổng sắp về phải hôn?”. 

Bà Bảy Ruộng kể trong tiếng nấc nghẹn: “Ổng đi ngày 19/10/2010. Tháng đầu tiên vẫn gọi về, nhưng sau đó thì bặt tăm tới giờ. Thông thường một chuyến ra khơi vậy chỉ từ 1 đến 3 tháng, ít khi nào lâu hơn. Lần này họ đi một năm rưỡi rồi mà không thấy tin tức gì. Trước giờ ở đây cũng có nhiều tàu bị nước ngoài bắt rồi, nhưng chỉ mất liên lạc chừng 5 - 6 tháng thôi, sau đó phía nước ngoài họ thông báo về cho biết. Lần này không thấy ai báo cả, chủ tàu cũng mù tịt, có lẽ mất luôn rồi”.

 Tôi ái ngại nhìn quanh, túp lều của bà Bảy nền tráng xi măng lồi lõm khiến chiếc bàn tròn ọp ẹp cứ cập kênh lên xuống, mái lều lợp lá dừa nước, vách che chắn tạm bợ và trống huơ trống hoác. Vật dụng trong nhà không có thứ gì đáng giá vài trăm ngàn. Tấm vải nhựa phía trước rách te tua đang chờn vờn bay trước gió như trêu ngươi người phụ nữ bất hạnh. “Thà ông cứ đi biền biệt một năm 7 - 8 tháng như trước kia, tôi còn có người để mong ngóng, chờ đợi, có người để lo lắng. Còn bây giờ, tôi ăn mà không biết thế nào là ngon, thế nào là vui nữa. Thiếu nợ có mấy triệu bạc từ lúc ông đi, đến giờ không trả nổi, tiền góp mỗi ngày đã gấp mấy lần nợ gốc rồi”, giọng bà Bảy xa xăm, dường như không phải bà nói với tôi mà là nói cho mình, cho người chồng đang ở đâu đó rất xa nghe.

Sau khi cô con gái duy nhất theo về nhà chồng ở xa, trong nhà chỉ còn 2 người phụ nữ lớn tuổi. Bà Bảy vừa chăm sóc người mẹ ngót 80 tuổi vừa kiếm sống bằng việc nhận đan lưới với tiền công 10 ngàn đồng ký lưới. “Một ngày đan được chừng 2 ký lưới, kiếm được khoảng 20 ngàn, nếu không phải đóng tiền góp lãi thì cũng tạm ổn. Nhưng chuyện miếng ăn không phải là lớn, chỉ có sự cô đơn là không có cách nào bù đắp được thôi chú ạ”, bà Bảy nói.

ĐỢI CHỜ PHÉP MÀU

Cùng chung số phận với bà Bảy là bà Huỳnh Thị Bé, vợ ông Cao Văn Hà, ở ấp Tân Thuận, cách nhà bà Bảy vài trăm mét. Ông Hà là thuyền viên trên tàu Thành Long TG69920, cùng chung số phận với tài công Nguyễn Chí Dũng. Nét u buồn trĩu nặng trên khuôn mặt, những giọt nước mắt tưởng chừng đã cạn bỗng trào ra khi nghe tôi hỏi về người chồng, bà Bé chầm chậm mở tủ lấy ra một bọc ny lon đặt lên bàn.


Nhìn những bộ đồ của chồng, nước mắt bà Bé lại tuôn rơi.

Lần giở từng chiếc áo, quần trong túi ra vuốt ve, bà thẫn thờ: “Cả đời tôi chẳng có mấy ngày được sống trong sự thanh thản. Mỗi khi ổng đi biền biệt, ở nhà ngoài việc chăm sóc con cái, mẹ già, tôi cũng lái đò đưa khách trên sông. Ban ngày vất vả là thế mà đêm về không thể ngủ yên, lâu lâu lại giật mình thảng thốt khi nghĩ ổng đang gặp nguy hiểm đâu đó trên biển. Lẽ ra ổng nghỉ đi rồi, nhưng vì xây căn nhà này phải vay nợ hết 30 triệu nên ổng bàn với tôi đi thêm một chuyến nữa kiếm thêm tiền trả bớt nợ rồi nghỉ kiếm việc khác làm. Nào ngờ…”. 

Anh Cao Huỳnh Công, con trai ông Hà: “Mỗi khi nhớ cha, tôi lại lấy bộ hàm cá mập do cha tôi săn được này ra ngắm”.

 Trước năm 2007, khi chưa có phà Tân Long, bà Bé có chiếc xuồng đưa khách qua sông và lâu lâu lại chở vài khách đi tham quan quanh Cồn Long mỗi tháng cũng kiếm vài triệu đồng. Đến khi bến phà xây dựng và đi vào hoạt động, chẳng còn ai đi xuồng của bà nữa. Mất khoản thu nhập này, gia đình bà càng khó khăn hơn. “Nỗi buồn mất việc làm chưa nguôi thì tai họa mất chồng đã ập đến”. Vừa nói bà Bé vừa lấy trong tủ ra một mảnh giấy học trò đưa cho tôi xem, đó là mấy dòng ghi ngày đi, ngày mất liên lạc của ông Hà và lời dặn lấy ngày mất liên lạc làm ngày giỗ. “Tôi sợ có lúc nào đó bất chợt nằm xuống, không kịp dặn thì tụi nhỏ biết đường mà cúng giỗ cho cha nó”, bà nói trong nước mắt.

Không chỉ có bà Bé, bà Bảy phải chịu nỗi đau mất chồng, chuyến tàu ngày 19/10/2010 có đến 11 người đàn ông, trong đó có 2 thuyền viên là cha con. Ở Tân Long còn rất nhiều những gia đình chịu cảnh mất mát vì người chồng, cha đi biển rồi không về như thế. Nhưng, những người vợ, người mẹ ấy vẫn không tắt niềm hy vọng, vẫn cứ chờ một phép màu.

Màn đêm buông xuống, Cồn Long thật yên tĩnh. Tôi không biết tìm đâu ra chỗ ngủ nên gửi xe nhà chị Bảy Ruộng rồi lững thững đi bộ ra bờ sông. Trăng sáng vằng vặc, gió lồng lộng. Bất chợt, lòng tôi chùng xuống khi nghe văng vẳng trong tiếng sóng ì oạp vỗ vào kè đá lời ru con não nề của thiếu phụ: Ầu ơ… Lấy chồng nghề ruộng em theo… Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm…


Tờ "di chúc" bà Bé viết lại để các con nhớ ngày giỗ cha

"Chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh những phụ nữ có chồng mất tích khi đi biển. Đó là nỗi đau không gì bù đắp được. Hiện tại địa phương cũng đã cố gắng hết sức để hỗ trợ họ về vật chất trong khả năng như cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề... Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên gia đình”, bà Mai Cẩm Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Long.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm