| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn ở những khu tái định cư

1: Tái định cư nhưng dân không an cư

Thứ Ba 25/10/2022 , 17:08 (GMT+7)

Bắc Kạn đã xây dựng nhiều khu tái định cư có nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng ở nhiều nơi lại có hiệu quả thấp, hoặc không hiệu quả.

Bán đất trở về nơi ở cũ

Nhiều năm nay, dư luận tại tỉnh Bắc Kạn râm ran câu chuyện ở địa phương này xây dựng một số khu tái định cư, nhưng người dân chuyển đến không an cư, hiệu quả đầu tư rất thấp. Để mục sở thị, chúng tôi đã đến một số khu tái định cư ở huyện Ngân Sơn.

Đi theo con đường bê tông nối từ quốc lộ 3 đến trụ sở xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn), Khu tái định cư Pù Pết hiện lên trước mắt chúng tôi với khung cảnh vắng lặng, nhiều ngôi nhà xiêu vẹo không có người ở, những ngôi nhà còn lại cửa đóng, then cài, cỏ dại mọc kín lối đi. Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu tái định cư Pù Pết (xã Bằng Vân) được xây dựng năm 2008 để thực hiện dự án hồ chứa nước Bản Chang (xã Đức Vân), với 11 hộ dân được chuyển về đây sinh sống.

Với tâm trạng hồ hởi, 11 hộ dân chuyển đến nơi ở mới với mong muốn cuộc sống tốt hơn khi khu tái định cư ở ngay trung tâm xã, gần đường quốc lộ 3. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nhiều vấn đề bất cập phát sinh và khó khăn bắt đầu ập đến. Chuyển đến khu tái định cư, mỗi hộ được cấp 300m2 đất ở, nhà cửa xây dựng san sát nhau giống như một góc nhỏ của phố huyện. Đất ít, ngoài ngôi nhà để ở, người dân vốn là nông dân lại không còn đất để làm chuồng trại chăn nuôi, không đất tăng gia sản xuất.

1

Ngôi nhà bỏ hoang tại Khu tái định cư Pù Pết, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi đất sản xuất nông nghiệp được cấp cũng trơ toàn sỏi đá. Để có đất cho người dân canh tác, chủ đầu tư đã san ủi triền đồi thành những thửa ruộng bậc thang. Chuyển về khu tái định cư ở mỗi khẩu được cấp 700m2 đất sản xuất, nhưng do đất quá cằn cỗi lại thiếu nguồn nước nên người dân bất lực không thể trồng cấy gì. Cuộc sống quá khó khăn, 8/11 hộ đã bỏ về nơi ở cũ (ở xã Đức Vân), 3 hộ bất đắc dĩ phải ở lại vì quê cũ không còn đất sản xuất.

Bà Nông Thị Tài, 1 trong 3 hộ còn bám trụ lại cho biết, đất đai đã bị thu hồi hết, để ở lại được cũng vô cùng gian nan, nhiều năm liền hai vợ chồng phải sàng lọc, dọn từng viên đá, gom từng đống sỏi để có đất sản xuất. Nước phục vụ sản xuất không có, phải dùng vòi dẫn về nên năng suất rất thấp, không đủ ăn.  

2

Những ngôi nhà san sát nhau như dãy phố không phù hợp với người dân miền núi. Trong ảnh Khu tái định cư Pù Pết, huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú.

Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn), ông Tạ Văn Chiến thừa nhận, đời sống bà con ở khu tái định cư rất khó khăn, ngoài 3 hộ còn ở lại, các hộ khác đã bán đất được cấp cho người khác rồi chuyển về nơi ở cũ. Ngoài việc đất sản xuất ít, cằn cỗi thì chỗ ở của người dân san sát nhau không phù hợp với tập quán của người dân địa phương. Chính quyền cũng đã hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật nhưng người dân cũng “bó tay” vì đất sản xuất toàn sỏi đá khó cải tạo.

Để xây dựng khu tái định cư này, ngân sách nhà nước đã phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nhưng nay các hộ dân đồng loạt bán đất bỏ về nơi ở cũ nên mục tiêu của dự án vì thế cũng phá sản.  

3

8/11 hộ ở Khu tái định cư Pù Pết, huyện Ngân Sơn đã bán đất và chuyển về nơi ở cũ. Ảnh: Ngọc Tú.

Hàng chục tỷ đồng đắp chiếu

Xây dựng khu tái định cư nhưng người dân không an cư đã là lãng phí, tại huyện Ngân Sơn còn có Khu tái định cư Bản Piêng (xã Vân Tùng) được đầu tư dở dang hàng chục tỷ đồng rồi bỏ hoang.

Khu này được đầu tư gần 28 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2010 sẽ ổn định chỗ ở cho 46 hộ dân (định cư tại chỗ 21 hộ, 25 hộ nghèo người dân tộc thiểu số chuyển từ nơi khác đến). Dự kiến, đến khu tái định cư mỗi hộ sẽ được cấp 300m2 đất ở, 3000m2 đất sản xuất cùng với hạ tầng điện, nước, đường giao thông đầy đủ.   

4

Khu tái định cư Bản Piêng, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhưng đến năm 2011, dự án bỗng dưng dừng triển khai, các hạng mục như san gạt mặt bằng đất ở, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, đất sản xuất chưa thực hiện được, hoặc đang trong tình trạng dở dang. Nguyên nhân là do khi thi công gặp ghềnh đá lớn nên không thể tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, do đầu tư dàn trải trong thời gian dài nên chi phí giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sản xuất tăng cao khiến cho địa phương không có vốn để thực hiện. Đến nay, dự án đã bỏ hoang nhiều năm, toàn bộ dự án có 2 hộ dân chuyển đến sinh sống, còn lại là những bãi đất trống ngổn ngang sỏi đá.

Thanh tra dự án này, cơ quan chức năng đã xác định quá trình thực hiện dự án chưa chấp hành đúng các chính sách của Nhà nước về dân tộc và quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng dẫn đến các sai phạm. Tình trạng dự án “đắp chiếu” là do lập dự án mang tính chủ quan, các đơn vị tư vấn còn hạn chế về năng lực, chủ đầu tư buông lỏng quản lý, quá trình lựa chọn các đơn vị tư vấn không đáp ứng được yêu cầu. Liên quan đến dự án này, một số tập thể, cá nhân đã bị kiểm điểm, kỷ luật, nhưng hơn hết, hàng chục tỷ đồng nhà nước đã đầu tư vì thế cũng coi như “ném qua cửa sổ”, mấy chục hộ dân không được hưởng lợi gì từ chính sách đúng đắn của nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Lăng, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Các dự án này đã đầu tư từ nhiệm kỳ trước, bây giờ giải quyết hậu quả rất khó khăn. Hầu hết những khu tái định cư hiệu quả thấp chủ yếu xây dựng ở địa bàn xa, hạ tầng không đồng bộ, đất sản xuất ít, cằn cỗi nên không thu hút được người dân đến ở, hoặc đến ở rồi sau đó bỏ về nơi ở cũ.

5

Hàng chục tỷ đồng xây dựng Khu tái định cư Bản Piêng nhưng thu được là những bãi sỏi đá. Ảnh: Toán Nguyễn.

10 năm gần đây, huyện Ngân Sơn được đầu tư từ ngân sách nhà nước hơn 60 tỷ đồng xây dựng 5 khu tái định cư, mục đích di dời hàng trăm hộ dân thuộc diện nguy cơ sạt lở cao hoặc ổn định cuộc sống cho hộ nghèo. Cụ thể, khu tái định cư Nà Cháo, xã Cốc Ðán, đầu tư hơn 22 tỷ đồng; khu tái định cư Cốc Sả ở thị trấn Nà Phặc hơn 5 tỷ đồng; khu tái định cư Bản Piêng ở xã Vân Tùng đầu tư gần 28 tỷ đồng và khu tái định cư Pù Pết ở xã Bằng Vân hơn 10 tỷ đồng. Ðầu tư lớn nhưng hầu hết các khu tái định cư này đều hiệu quả thấp, hoặc không hiệu quả.  

Thực tế cho thấy, các khu tái định cư ở huyện Ngân Sơn thường xây dựng trong tình thế cấp bách, không khảo sát kỹ nhu cầu, chỗ ở và đất sản xuất không phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương. Do đó, tình trạng tái định cư nhưng người dân không an cư đã diễn ra ở nhiều khu tái định cư trong suốt nhiều năm qua.

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.