| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp chiếm dụng vốn nông dân mất niềm tin

Thứ Ba 20/09/2022 , 07:47 (GMT+7)

Bắc Kạn - Người nông dân nhiều nơi mất niềm tin khi bị doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền thu mua nông sản, hoặc không thu mua sản phẩm theo giá thị trường.

Năm 2018, Công ty CP nông sản Bắc Kạn (Công ty) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn triển khai trồng 50 ha cây nghệ vàng tại huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn). Doanh nghiệp này đã cam kết thu mua toàn bộ củ nghệ của người dân tham gia dự án. Hợp đồng đã ký kết giữa Công ty với các tổ hợp tác tác thể hiện, doanh nghiệp sẽ mua toàn bộ củ nghệ và thanh toán cho người dân sau 10 - 15 ngày. Nhưng sau khi lấy sản phẩm, Công ty chưa chi trả tiền cho người dân.  

Ông Ma Văn Toán, thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh bức xúc: Công ty còn nợ gia đình tôi số tiền hơn 5 triệu, suốt mấy năm qua nhiều lần hứa hẹn sẽ trả tiền nhưng đến nay đã gần 4 năm trôi qua, công ty vẫn chưa trả. Trong thôn có hơn chục hộ bị công ty nợ tiền nhiều năm qua.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm), ông Lý Hồng Thái cho biết: Xã có 44 hộ thuộc 3 tổ hợp tác bị nợ số tiền gần 240.000.000 đồng, đến nay Công ty mới trả được hơn 38.000.000 đồng. Xã đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện yêu cầu Công ty thanh toán, hỗ trợ người dân về mặt pháp lý nhưng đến nay Công ty vẫn còn bị nợ hàng trăm triệu đồng.

Sau nhiều lần Công ty hứa nhưng lại lỡ hẹn, các hộ trồng nghệ thuộc 14 tổ hợp tác tại các xã Cao Tân, Bộc Bố, Nghiên Loan, Giáo Hiệu, Cổ Linh, Công Bằng đã đồng loạt khởi kiện ra tòa. Từ năm 2021 đến nay, Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm đã ban hành 21 quyết định yêu cầu Công ty CP nông sản Bắc Kạn có trách nhiệm thanh toán tiền thu mua nghệ cho các tổ hợp tác đã nói ở trên. Số tiền Công ty phải thanh toán hơn 615.000.000 đồng, trong số này, có quyết định yêu cầu phải thanh toán xong trong năm 2021, còn lại chậm nhất đến 2/2022.  Nhưng đến nay Công ty mới trả được hơn 85.000.000 đồng, số tiền còn nợ hơn 527.000.000 đồng.

5

Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm yêu cầu Công ty CP nông sản Bắc Kạn trả nợ cho người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, bà Hoàng Thị Duyên đánh giá: Việc Công ty CP nông sản Bắc Kạn chưa trả tiền mua củ nghệ của người dân gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến chủ trương liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Trước thực trạng này, huyện Pác Nặm đã hướng dẫn các tổ hợp tác trồng nghệ đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Kạn (nơi Công ty này đăng ký trụ sở hoạt động) thực hiện các biện pháp thi hành án để sớm giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền mua củ nghệ cho người dân huyện Pác Nặm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NNVN, hiện nay, Công ty CP Nông sản Bắc Kạn vẫn hoạt động bình thường, doanh nghiệp này vẫn có sản phẩm thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Kạn. Nhưng rõ ràng việc Công ty này chây ỳ chưa trả tiền thu mua củ nghệ của người dân huyện Pác Nặm là điều không thể chấp nhận. Hầu hết các hộ tham gia dự án này là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sống ở vùng còn rất khó khăn của tỉnh Bắc Kạn.

1 (6)

Củ nghệ mà người dân Bắc Kạn đã bán cách đây 4 năm nhưng người dân vẫn mỏi mòn chờ trả tiền. Ảnh: Ngọc Tú.

Tại tỉnh Bắc Kạn, việc doanh nghiệp ký kết bao tiêu nông sản rồi không thực hiện đúng cam kết đã nhiều lần xảy ra. Năm 2018, người trồng dong riềng ở huyện Ba Bể cũng ký hợp đồng bao tiêu củ dong riềng với doanh nghiệp, diện tích trồng lên đến hơn 300 ha. Doanh nghiệp cam kết mua với giá thấp nhất 1.400 đồng/1kg. Nhưng đến vụ thu hoạch, đa số người dân chỉ bán được 900 đồng/1kg. Hàng chục ha dong riềng người dân phải nhổ bỏ vì đơn vị ký kết không đến thu mua, hoặc mua với giá thấp hơn chi phí sản xuất.

Sau nhiều vụ liên kết bao tiêu sản phẩm thất bại, người dân bắt đầu tỏ ra hoài nghi dẫn đến diện tích một số cây trồng chủ lực như dong riềng hay cây nghệ giảm. Diện tích trồng giảm khiến cho một số nhà máy, cơ sở chế biến những loại nông sản này thiếu nguyên liệu sản xuất.     

4 (1)

Cây nghệ vàng trước đây được huyện Pác Nặm quan tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng, nhưng nay người dân đã mất niềm tin vào việc liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Tú.

Thực tiễn đã chứng minh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người nông dân là rất cần thiết, hiệu quả. Nhưng qua những câu chuyện đã nói ở trên cho thấy, mối liên kết này còn rất lỏng lẻo, dễ bị đứt gãy. Khi một trong hai bên là doanh nghiệp hoặc người dân “bẻ kèo”, ngay lập tức để lại hậu quả. Doanh nghiệp thất tín, người dân mất niềm tin – Người dân thấy lợi trước mắt, doanh nghiệp thiệt thòi. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.