| Hotline: 0983.970.780

1 tiêu chí nhưng phải hơn 100 tỉ đầu tư

Thứ Năm 16/05/2019 , 08:44 (GMT+7)

Hơn 100 tỉ là số tiền để đầu tư, hoàn thiện khối trường học cho xã Tự Lập (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) có thể cán đích nông thôn mới trong năm nay…

16-52-40_dsc_0942
Một lớp học ở ngoại thành Hà Nội

Trong khi nhiều xã trong huyện và các huyện bạn đã về đích nông thôn mới (NTM) khiến cho ông Trần Văn Khánh-Chủ tịch UBND xã Tự Lập, huyện Mê Linh càng thêm sốt ruột về tiến độ xây dựng NTM của địa phương mình. Từ khi xây dựng NTM năm 2010, xã đã tổ chức hơn 100 hội nghị, thu hút trên 6.000 lượt cán bộ, nhân dân tham gia để tuyên truyền về các đường lối, chính sách. Công tác chuyển đổi cơ cấu, đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống kênh mương, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh.

Cho đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42,5 triệu, 100% dân được dùng nước hợp vệ sinh, các trợ cấp xã hội như hỗ trợ sửa chữa nhà, miễn giảm học phí cũng như cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện vay vốn sản xuất được mở rộng. Mọi thứ đều cơ bản xong, địa phương tự chấm đạt 98,05 điểm nhưng vẫn còn vấp phải khó khăn lớn nhất là tiêu chí trường học.

Cụ thể, khối mầm non khá yên tâm với 3 điểm trường ở 2 thôn, cơ bản đạt 2/3 điểm, trường mầm non trung tâm xã có sức chứa trên 100 cháu mới đưa vào sử dụng tháng 1/2019 còn lại toàn là thiếu chuẩn.

Trường tiểu học Tự Lập A từ hồi còn trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2001 đã được công nhận chuẩn mức độ 1 sau khi sáp nhập vào Hà Nội 2008 không có sự đầu tư gì đáng kể ngoài 1 dãy trường 2 tầng 14 phòng học mới đưa vào hoạt động năm 2018, còn lại đều xây dựng từ 1984. Nhà hiệu bộ vẫn lợp bờ lô xi măng, nhà giáo dục thể chất, thư viện, phòng thiết bị… lâu rồi cũng không đánh giá lại nhưng chắc chắn không đạt chuẩn.

Trường tiểu học Tự Lập B được tách ra từ trường A, công nhận chuẩn 2006 cũng thời thuộc Vĩnh Phúc, không có đầu tư đáng kể nào và lâu rồi không đánh giá lại chuẩn. Nhà hiệu bộ chưa có gì, nhà thể chất chưa có gì, thư viện, phòng thiết bị của trường này toàn là thứ cũ nát. Trường trung học cơ sở, diện tích bình quân trên mỗi học sinh mới đạt 8,5m2/học sinh, chưa đạt chuẩn theo quy định là trên 10m2/học sinh.

Đáng nói hơn, đơn vị này mới có dãy 2 tầng với 12 phòng học còn nhiều phòng học, nhà giáo dục thể chất, phòng thiết bị giáo dục, thư viện, văn phòng không đạt chuẩn. Toàn bộ những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của các khối trường cũng như đến tâm lý học sinh, phụ huynh học sinh khi không đáp ứng được kỳ vọng của họ…

Ông Khánh phân tích theo tiêu chí NTM, các cấp học trên địa bàn phải đạt chuẩn từ ½ số trường trở lên. Thế mà năm 2019 đánh giá chuẩn, xã mới được mỗi trường mầm non, còn lại trường tiểu học, trung học là không đạt:

“Về vấn đề này, huyện Mê Linh đang tập trung đầu tư, phấn đấu đến tháng 12 là phải xong cơ sở vật chất cho các khối trường học ở hai xã Tự Lập và Tam Đồng. Riêng xã chúng tôi ước đầu tư cho các trường học đủ chuẩn phải khoảng 130 tỷ đồng.

Giờ mới chỉ là bước chuẩn bị, chưa có gì nhiều nên cột mốc hoàn thành NTM chưa biết đến bao giờ mới xong, bởi nghe nói nguồn vốn đầu tư cho trường học lại liên quan đến đoàn Hội đồng nhân dân thành phố, Ban Kinh tế- Xã hội về kiểm tra, thẩm định”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.