| Hotline: 0983.970.780

10 năm Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết 26: Kinh tế tập thể lên ngôi

Thứ Năm 02/08/2018 , 08:05 (GMT+7)

Những năm 80 - 90 về trước, nông nghiệp Hà Tĩnh đại đa số phát triển manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, nhưng sau gần một thập kỷ thực hiện Nghị quyết (NQ) 26, hàng nghìn mô hình kinh tế tập thể đã lên ngôi mạnh mẽ, tạo sức bật cho người dân vươn lên làm giàu.

DN, HTX là “đầu kéo”

Năm 2007, DN Tân Thanh Phong, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê được thành lập với mục đích SX, cung ứng giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả cho người dân. Trầy trật tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nhiều năm nhưng Tân Thanh Phong vẫn không thể mở rộng được quy mô. Đến năm 2012 - 2013, khi Hà Tĩnh ban hành hàng loạt chính sách kích cầu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì Tân Thanh Phong mới “vươn vai” trở thành DN mạnh về SX theo chuỗi giá trị.

18-57-08_1
Hàng nghìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc DN Tân Thanh Phong nói: “Hơn 10 năm điều hành DN, tôi thừa nhận giai đoạn đầu DN “đi” rất chậm nhưng sau khi được chính quyền định hướng, hỗ trợ chính sách (gần 1 tỷ đồng) chúng tôi đã phát triển DN vững mạnh theo từng năm. Ngoài lợi nhuận trực tiếp đem lại cho DN, điều quan trọng, là chúng tôi đã đồng hành, giúp đỡ được hàng trăm hộ dân SX hiệu quả”.

Theo ông Dũng, ban đầu DN chỉ SX, cung ứng cây giống nhưng bắt đầu từ năm 2015 Tân Thanh Phong liên kết cung ứng cây giống trả chậm và bao tiêu sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam các loại cho gần 300 hộ dân 2 huyện Hương Khê, Vũ Quang.

Bình quân mỗi năm DN cung ứng trên dưới 6 vạn cây ăn quả; hơn 5 triệu cây keo và hơn 2 triệu cây lâm nghiệp bản địa, cây trồng cảnh quan (sứa, sấu, sao đen...) cho người dân toàn tỉnh; giải quyết đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 5 - 10% cho hàng trăm hộ dân với tổng gần 1.000 tấn cam, bưởi.

Khi được hỏi về hiệu quả của DN, ông Hà Tiến Dũng chia sẻ, bình quân 5 năm lại nay, doanh thu đạt trên dưới 15 tỷ đồng/năm, chủ yếu từ nguồn kinh doanh cây giống. Còn liên kết sản xuất cây ăn quả, lợi nhuận không đáng kể nhưng DN vẫn tiên phong đi đầu, duy trì hiệu quả nhằm góp phần giúp người nông dân an tâm phát triển cây trồng thế mạnh, tăng thu nhập.

“Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng chuỗi liên kết SX chè xanh hữu cơ và chuỗi thực phẩm rau, củ, quả an toàn phục vụ cho các nhà hàng, siêu thị ở TP Hà Tĩnh và các địa phương lân cận”, ông Dũng thông tin thêm.

18-57-08_4
18-57-08_3
Tân Thanh Phong là một trong những DN đi đầu về liên kết SX theo chuỗi

Sau Tân Thanh Phong, HTX nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên là một trong những “đầu kéo” giúp 12 hộ xã viên thu về bạc trăm, bạc tỷ mỗi năm.

Năm 2002 ông Trần Mạnh Duyên (58 tuổi) “bén duyên” vùng đất Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh với sản phẩm đầu tay là con tôm. Mấy năm sau đó, ông bàn với con cái mở rộng quy mô nuôi lên 3ha nhưng nuôi tôm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến vốn liếng của ông trôi sông, trôi biển gần như toàn bộ.

Đến tháng 3/2016, thông qua chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế HTX, THT theo phong trào xây dựng NTM, ông Duyên thành lập HTX nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh, đồng thời, bắt tay chuyển đổi đối tượng nuôi trồng sang con ốc hương. Với vai trò là người cầm trịch, ông lặn lội vào tận phía Nam học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc hương về chuyển giao cho các hội viên trong HTX.

“Trời không phụ công người”, sau 6 tháng đầu tư, chăm sóc, 7.000m2 ao đầm của ông Duyên thu được 16,5 tấn ốc; sau khi trừ chi phí gia đình lãi ròng hơn 600 triệu đồng. Các hộ xã viên khác, đầu tư nuôi diện tích lớn hơn nên có những hộ trở thành triệu phú, tỷ phú.

Đơn cử là ông Trần Quốc Vựng bắt đầu nuôi ốc hương từ đầu năm 2017 với diện tích 1ha, sau một vụ thu hoạch hộ xã viên này thu về hơn 2,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng. “Hiện HTX đã mở rộng quy mô nuôi trồng lên hơn 12ha. Năm 2017, doanh thu toàn HTX đạt hơn 18 tỷ đồng. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ tích lũy được kinh nghiệm nuôi nên hiệu quả cũng tương đương năm ngoái”, ông Duyên phấn khởi.
 

Cần chính sách hỗ trợ đầu ra

Theo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, trong 10 năm qua các hình thức tổ chức SX trong nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và rất đa dạng, đặc biệt là giai đoạn phát động phong trào xây dựng NTM (2011 - 2017). Hiện toàn tỉnh có 3.597 tổ hợp tác, 1.221 HTX và 2.237 DN phát triển khá hiệu quả; 14.324 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trong đó 1.324 mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; 1.656 mô hình doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Nhiều hộ dân thành triệu phú, tỷ phú ốc hương

“Cái mà Hà Tĩnh làm được ngoài các con số biết nói trên còn là việc thu hút các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp. Những cái tên như TCty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn C.P, Cty Growbest, Cty Vinamilk, Cty Sao Đại Dương, Cty CP Chè Hà Tĩnh… đã gắn liền với hàng nghìn hộ nông dân, góp phần giúp bà con thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu nhờ các chuỗi liên kết SX, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Việc phát triển nhanh các hình thức tổ chức SX và mô hình kinh tế bên cạnh mặt tích cực cũng gặp phải những hạn chế nhất định như chạy theo phong trào; DN, HTX, THT thành lập xong không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; một số mô hình chăn nuôi chưa tính toán hết về tác động đến môi trường; chính sách của tỉnh chưa chú trọng nhiều đến phát triển đầu ra...

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn phân tích, hiện tại mới có khoảng 800ha cây ăn quả cho thu hoạch thì thị trường trong tỉnh đang đáp ứng được. Nhưng 3 – 5 năm nữa sản lượng cam tăng lên đột biến, nếu tỉnh không có chính sách hỗ trợ đầu ra thì đây sẽ là vấn đề rất nan giải.

Còn về vĩ mô, phải khẳng định NQ 26 là một bước đột phá thúc đẩy phát triển “tam nông” rất hiệu quả. Tuy nhiên, Trung ương, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các chính sách kích cầu gián tiếp; dành thêm nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đặc biệt là chính sách đặc thù cho xã miền núi trong xây dựng NTM.

Nếu cào bằng giữa miền núi và đồng bằng thì rất khó để các xã miền núi hoàn thành các tiêu chí bền vững bởi ngoài nguồn lực địa phương hạn chế thì khối lượng công việc ở các xã miền núi rất nhiều, trong khi dân cư thưa thớt, khó huy động xã hội hóa.

Ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc DN Tân Thanh Phong: “Hiện nay rất nhiều địa phương liên hệ với chúng tôi đề nghị liên kết SX theo chuỗi, tuy nhiên “sức” của Tân Thanh Phong chưa thể kham hết. Hơn nữa mấy năm nay, bài toán được giá - mất mùa, được mùa - mất giá xảy ra trên rất nhiều đối tượng, từ lợn, gà, bò, tôm đến lúa, rau, củ quả... Thực tế này một lần nữa cho thấy chính sách hỗ trợ đầu ra cực kỳ quan trọng, vì vậy các cấp chính quyền nên xem xét ưu tiên nhiều nguồn lực hơn vào vấn đề này”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.