Trên đồi cát trắng, vạt rừng keo lá tràm đã khép tán vươn lên đón nắng. Con đường cát xuyên giữa rừng cây như mát hơn, bàn chân êm dịu hơn. Ông Nguyễn Lanh, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vừa đi vừa kể: “Hồi đó, chắc cũng gần chục năm rồi, cứ đến mùa mưa là ông Phùng lại mua giống chở về rồi kêu bà con đi trồng lên vùng đồi cát sau lưng của làng.
Có năm hạn, cây chết hết phải trồng lại. Vậy mà giờ đây đã thành rừng rồi. Chim chóc cũng kéo về làm tổ. Đến mùa nấm, cả làng thay nhau ra rừng để nhặt nấm tràm về làm thức ăn. Có người nhặt được nhiều thì mang đi bán. Có mảnh rừng sau làng như bây giờ, kể cũng thích thật".
Vật vã tìm màu xanh cho vùng cát trắng
Những người dân làng Thạch Bắc (thôn Bắc Ngũ) mỗi lần đi qua dưới tán rừng keo tràm mát rượi của ông Nguyễn Phùng trồng lại hay nhắc đến chuyện hồi xưa. Nói là xưa nhưng cũng chỉ mới hơn chục năm trước thôi, cả vùng đất ven biển sau lưng làng Thạch Bắc chỉ toàn cát trắng bỏng rát.
Cứ mỗi bận trời mưa, ông Phùng lại đánh ô tô chở cây giống về trồng lên đồi cát. Có bận trồng cây thì mưa lớn, nhưng sau đó hạn cả tháng làm mấy ngàn cây keo tràm trồng trên cát chết sạch trơn, sau phải trồng lại. Thoáng đó mà bây giờ, cả khu đồi cát đã phủ xanh rợp trời cây keo tràm. Mùa mưa bà con tha hồ đi nhặt nấm. Hồi ông Phùng đưa cây giống về trồng, ai cũng nghĩ ông xin được dự án gì đó, không ngờ ông bỏ tiền túi trồng rừng cho cả làng.
Sinh ra ở miền cát trắng ven biển, nhiều năm chứng kiến gió xoáy giữa trưa hè hất cát bay trắng trời, cát bay vào nhà người dân nên ông Nguyễn Phùng cứ trăn trở trong từng giấc ngủ với bà con. Mấy cái động cát phía sau làng cứ trắng xóa trong những trưa hè. Có lần ông Phùng tình cờ mua được mấy ngàn cây giống tràm hoa vàng đưa về thuê bà con trong làng đưa lên trồng trên đồi cát. Được mấy ngày mưa, cây chưa kịp bén rễ thì trời “đổi chiều” nắng gắt. Nắng kéo dài, cả tháng không có giọt mưa. Mấy ngàn cây giống cứ úa, héo dần dưới nắng. Nhìn thấy ai cũng xót lòng. Đến tháng sau, trời có mưa thì mấy ngàn cây tràm trên đồi cát đã khô cong queo, không còn một mầm sống.
Thêm kinh nghiệm, thêm bài học. Đợi đến mùa mưa năm sau, ông Nguyễn Phùng chọn vào tháng 9 âm lịch mới mua cây về trồng. Mỗi đợt trồng chỉ vài ngàn cây. Bà con góp tay kẻ cuốc, người xẻng, khiêng cây ra đồi cát phụ trồng rừng với ông Phùng, tiếng cười nói râm ran.
Có năm trời hạn, những cây tràm nhỏ, yếu không chịu nổi cái nắng khét rát nên lá cứ úa vàng rồi héo rũ. Ông Phùng lại về quê, kêu đám con nít bắt đầu trổ giọng vịt đực khiêng nước ở khe chảy ra dưới chân đồi cát lên. Cứ hai đứa một thùng khiêng lặc lè. Ông bảo đám trẻ cẩn thận bới gốc những cây héo lá rồi tưới cho mỗi gốc một ca nước mát lạnh.
Không biết vì ca nước của đám trẻ tuổi choai choai hay vì tấm lòng người trồng rừng mà những lứa cây ấy vượt lên được mùa hạn nặng để phun chồi xanh non. Có năm, hạn nắng kéo dài, trời không lấy nổi một giọt mưa. Đồi cát nóng như rang, hàng trăm cây tràm cao gần đầu người lớn không chịu nổi cái nóng cứ héo quắt dần đi. Tay sờ vào thân cây vỏ đã khô, nứt nẻ mà lòng ông Phùng như thắt lại. Giữa nắng, anh cứ ngước mắt nhìn lên bầu trời cao xanh mà ước có phép màu có trận mưa rào giải khát cho rừng cây đang quặn mình dưới nắng…
Nấm thi nhau mọc, chim chóc bay về
Nhiều bận, chị Hà - vợ ông Phùng đi làm về không thấy chồng đâu ra ý hỏi. Bé Bưởi, gái út chạy đến ôm cổ mẹ rồi nói nhỏ vào tai: “Con thấy ba về, mở tủ lấy gì trong đó rồi ba lại chạy xe đi luôn”. Chị Hà nhìn con nói nhỏ: “Chắc ba lại lấy tiền của mẹ đi mua cây chở lên đồi cát rồi. Thôi, mai cuối tuần, mẹ cho con lên coi ba trồng rừng”.
Hôm sau trời mưa, bé Bưởi vẫn thích thú mặc áo mưa rồi được mẹ đưa ra đồi cát sau làng. Trên vùng cát, giữa màn mưa nhẹ râm ran tiếng cười nói. Tiếng ông Phùng chỉ dẫn mọi người đào hố, xé bầu trồng cây… Thấy mẹ con chị Hà lên bất ngờ, bà Tảo dừng tay nói lớn: “Thôi chết, bà Hà lên bắt ông Phùng về rồi. Thôi khỏi trồng cây”. Tiếng chị Hà nói vút lên: “Vẫn trồng cây chớ. Thôi bà con nghỉ tay, ăn giữa ca bằng bánh mỳ kẹp thịt nha”. Tiếng cười lại nổi lên, niềm vui như làm quên đi mưa đang dần nặng hạt.
Thời gian cũng chẳng đợi chờ, những lứa tràm trồng đầu tiên đã khép tán như che chắn cho những lứa cây đàn em cựa mình vụt cao lên. Những trận gió bay cuốn cát cũng không còn nữa. Chiều chiều, đã nghe tiếng chim hót réo “nhớ con tép chợ Chè” đã ran lên, tiếng hót lảnh lót tràn qua xóm nhỏ, tràn ra cả phía cánh đồng.
Gần 20ha ha rừng giờ đây phủ màu xanh ngút mắt ở đồi cát phía sau làng. Có bữa bà con phát hiện tổ ong mật to tướng treo trên cành cây tràm lớn. Mọi người làm đuốc đốt khói hun lấy tổ ong vắt được mấy chai mật tốt chia nhau.
Mấy năm gần đây, khi độ tháng mười về, khi có những cơn mưa đầu mùa tạo độ ẩm trên những đám lá tràm khô, mùa nấm tràm đã sinh sôi. Từ sáng sớm, đám con nít lên bảy, lên tám đã dậy kêu nhau inh ỏi kéo ra rừng tràm nhặt nấm. Chỉ có tụi trẻ là tinh mắt nên nhặt được nhiều. Thằng cu Boy, cháu nhà ông Nguyễn Lanh mới đi chừng tiếng đồng hồ đã xách về túi nấm chừng hơn hai ký đưa cho ông.
Nấm tràm được làm sạch, chiếng qua nước sôi rồi đem xào với mỡ heo, cho thêm nắm rau lang xanh vào nữa là như món đặc sản. Miếng nấm ăn trong miệng cứ sần sật, nghe vị ngọt, đắng, vị béo quyện vào như quánh đầu lưỡi. Ông Lanh bảo: “Ăn bữa đầu chưa quen thì thấy có vị đăng đắng. Ăn ba bữa nghe quen rồi nghiện luôn. Hôm bào có mớ tôm tươi mang xào với nấm kèm thêm chai rượu ngâm hột chuối sứ nữa thì… ui chao!”, ông Lanh vừa nói vừa hít hà như sắp mời ai đó ngồi mâm.
Có người chịu khó, ngày đi nhặt ba lần, gom lại cũng được năm, bảy ký đem bán 50 ngàn đồng/ký là cũng kiếm được mấy trăm ngàn đồng. Thật tiện đôi đường. Biết ông Phùng cuối tuần hay về quê, mấy đứa nhỏ cũng đi nhặt nấm về, ba mẹ chúng lựa những cây nấm mập mạp để riêng làm quà biếu. “Ăn nấm nhớ người trồng rừng chớ”, bà con hay nói với nhau như vậy.
Mỗi năm, rừng tràm lại đâm chồi, lên cành lớn. Bà con cần làm giàn mướp đắng hay đậu co ve thì đánh tiếng xin ông Phùng lên rừng tỉa cành. Những cành lớn dài chừng trên 2 mét được bà con chặt tỉa mang về dùng rồi bảo nhau góp sức giữ rừng của ông Phùng cho thật tốt để có bóng mát, có thêm nguồn nước mát chảy ra từ chân động cát, có nấm thêm món ngon trong bữa ăn hàng ngày.
Đến bây giờ thì bà con làng Thạch Bắc mới biết là ông Phùng trồng rừng để chắn cát, để có màu xanh cho những đồi cát phía sau làng chứ chẳng có dự án nào cấp kinh phí cả. Càng hiểu, bà con càng chung lòng bảo vệ cho rừng tràm ngày càng xanh hơn. Cứ mỗi sáng nhìn mọi người với đám con nít đi nhặt nấm về, ông Nguyễn Lanh lại nói với mọi người: “Chục năm trước ông Phùng trồng rừng như việc làm từ thiện. Đến bây chừ thì mọi người ai cũng đã được hưởng được chút tấm lòng của việc thiện đó rồi”.