Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM báo cáo với đoàn công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 của Bộ Y tế, do TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM làm trưởng đoàn, ngày 31/1.
Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 (từ ngày 20 đến 26/1), bệnh viện đã tiêm vacxin phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp.
Ngoài ra, bệnh viện còn tiêm huyết thanh uốn ván cho 496 trường hợp; tiêm ngừa do mèo cào 55 trường hợp; tiêm ngừa do bị cắn, bị vết thương bởi các loài động vật có vú khác là 29 trường hợp; tiêm ngừa do chuột cắn 8 trường hợp.
Lý giải nguyên nhân nhiều người đến tiêm phòng uốn ván, bác sĩ Dũng cho biết, do người dân đến nhà nhau chúc Tết có thể bị chó tấn công. Mặt khác, trong thời điểm Tết, hầu hết cơ sở tiêm chủng, phòng khám trên địa bàn thành phố nghỉ nên người dân đều đến tiêm vacxin phòng dại ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, dẫn đến con số tăng hơn bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng cho biết thêm, về tình hình khám ngoại trú trong dịp Tết, có 34 trường hợp đến khám vì HIV/AIDS; 16 trường hợp thủy đậu; 38 trường hợp nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn; 17 trường hợp viêm gan; 13 trường hợp tay chân miệng; 2 trường hợp uốn ván. Đặc biệt, có đến 300 ca sốt xuất huyết vào viện trong kỳ nghỉ Tết vừa qua.
Bệnh viện cũng bố trí nhân sự, đảm bảo hoạt động cấp cứu xuyên suốt 24/24; đảm bảo đủ cơ số thuốc, đặc biệt các loại thuốc đặc trị Covid-19, các loại thuốc dùng cho bệnh nhân có biến chứng nặng như kháng sinh, kháng nấm, dịch truyền, chống đông, vật tư, các chế phẩm máu để sẵn sàng thu dung điều trị, cấp cứu. Đồng thời, đảm bảo phối hợp tốt trong vận chuyển, cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh giữa các tuyến trên địa bàn.
Về tình hình dịch Covid-19, bác sĩ Dũng cho biết, Bệnh viện cũng tham gia diễn tập kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13, đồng thời vẫn thực hiện tiêm ngừa cho người dân mỗi ngày. Dịp Tết, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng chuyển về bệnh viện đã giảm mạnh. Trung bình những ngày nghỉ, nơi này chỉ điều trị khoảng 15-17 ca bệnh, và con số ngày càng giảm dần, hiện chỉ còn 3 ca Covid-19 nặng.
Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh viện đã thực hiện dự trữ thuốc theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM. Vì vậy, với nhu cầu hiện nay rất ít, nên thuốc đặc trị Covid-19 có thể sử dụng liên tục trong nhiều tháng. Ngoài ra, thuốc kháng virus Molnupiravir trên thị trường hiện không còn khan hiếm, bệnh nhân có thể đến nhà thuốc mua theo toa thuốc bác sĩ cho.
TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đại diện Đoàn công tác của Bộ Y tế cho biết, TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ, ứng phó với bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm, tai nạn thương tích… trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán và mang lại mùa Tết bình an cho người dân. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập các biến thể mới vào cộng đồng vẫn rất lớn.
"Tổ chức Y tế thế giới vẫn xem Covid-19 là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong đó đáng lo nhất là các biến chủng mới có thể kháng vacxin, kháng điều trị. Mặc dù số ca mắc Covid-19 nhập viện của TP.HCM đã giảm rõ rệt, chưa ghi nhận biến thể mới trong dịp Tết, nhưng sau Tết có thể sẽ có những biến thể xâm nhập, tấn công người già và người chưa tiêm vacxin. Do đó, cần có khuyến cáo mạnh mẽ ở những điểm du lịch, đình, đền, chùa để người dân đeo khẩu trang phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
“Sở Y tế TPHCM cần có phương án chủ động phòng ngừa bằng cách tuyên truyền người dân tiêm phòng vacxin Covid-19. Sau mùa lễ hội, người dân khắp nơi về thành phố nên ngành y tế cần tiếp tục tăng cường tiêm vaccine mũi nhắc lại để bảo vệ người dân”, TS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh.