Liên tục nhập viện
Ngày 11/6 UBND huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết, địa phương vừa tiếp nhận 4 người trong một gia đình bị ngộ độc do ăn nấm tự hái, 3 người nhập viện.
Thông tin từ Trung tâm y tế huyện Tân Biên, ngày 10/6, Trung tâm tiếp nhận 3 trường hợp trong 1 gia đình ngụ ấp Tân Minh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, trong đó 2 trường hợp là cháu Lê Tùng Nhân (SN 2016) và cháu Triệu Phan Hồng Ngọc (SN 2007) có biểu hiện bị ngộ độc.
Sau khi chẩn đoán, Trung tâm làm thủ tục chuyển 2 bệnh nhân về Bệnh biện Đa Khoa tỉnh Tây Ninh. Tại đây, ông Triệu Trí Linh cha của 2 cháu xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng nhẹ và nhập viện cùng 2 bệnh nhân trên.
Theo gia đình các nạn nhân, sáng cùng ngày cả gia đình cùng ăn mòn mì xào nấm (tự hái) dẫn đến tình trạng trên. Hiện cả 3 ca bệnh trên đang được theo dõi tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh.
Trước đó, vào ngày 7/6, tại địa phương này cũng ghi nhận 3 trường hợp trong 1 gia đình ăn nấm rừng, 1 trường hợp tử vong.
Tuyệt đối không ăn nấm dại
Theo các chuyên gia y tế, người dân vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm. Ví như, có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người. Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.
Một số người còn thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 - 7 sau ăn nấm. Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu. Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là “không hái các nấm mọc hoang dại để ăn".
Trong trường hợp không may ngộ độc, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam). Cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, thời tiết đang vào mùa mưa, cũng là mùa các loại nấm, trong đó có nhiều loại nấm thường mọc lẫn nấm độc, rất khó để phân biệt.
“Người dân không nên hái bất cứ loại nấm nào ở trên rừng về làm thức ăn, vì có nhiều trường hợp người dân đã trót ăn nhầm nấm độc và có các triệu chứng bất thường. Do việc ngộ độc nấm diễn ra rất nhanh, có thể đe dọa đến tính mạng, trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Thái Bình khuyến cáo.