| Hotline: 0983.970.780

24.000 ha lúa "khát" nước

Thứ Tư 01/04/2015 , 09:33 (GMT+7)

Mặc dù đã đắp hàng chục đập tạm nhưng sắp tới trời nắng lên, chắc chắn khoảng 24.000 ha trên địa bàn toàn tỉnh sẽ gặp hạn nặng.

Mặc dù đã "lên dây cót" thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa sụt giảm, các hồ đập đều dưới mực nước thiết kế nên gần 24.000 ha lúa ở Thanh Hóa có nguy cơ thiếu nước.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, ngay từ đầu vụ ĐX 2014 - 2015 tổng lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh đã thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 30%, dẫn đến lượng nước tưới thiếu hụt lên đến 10 - 40%.

Đặc biệt, trên sông Mã mực nước xuống chỉ còn 2,26 m (thấp hơn mực nước kiệt cùng kỳ 2014 là 0,2 m).

“Năm nay dự báo Thanh Hóa sẽ phải đối mặt với hạn hán rất khốc liệt. Hiện 69.900/121.830 ha lúa gieo cấy trước 4/2 sắp đến giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng nhưng với lượng nước thiếu hụt như hiện nay khả năng làm mát cho lúa sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí có những diện tích mất trắng”, ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Quản lý công trình, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nói.

Cũng theo ông Trường, mặc dù đã đắp hàng chục đập tạm nhưng sắp tới trời nắng lên, chắc chắn khoảng 24.000 ha trên địa bàn toàn tỉnh sẽ gặp hạn nặng.

Thậm chí, vào giai đoạn đỉnh điểm nắng nóng (cuối tháng 4, đầu tháng 5) thì diện tích đối mặt thiếu nước có thể lên tới 35.000 - 40.000 ha, tập trung ở 3 khu vực gồm: Vùng đuôi hệ thống Bái Thượng (800 - 1.200 ha) thuộc các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, bởi hệ thống kênh khu vực này đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ bờ kênh nếu xả lượng nước lớn.

Thứ hai là vùng tưới bằng bơm điện (7.200 - 9.000 ha) ở đuôi kênh và chân ruộng cao khó tưới của các huyện ven biển Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Bỉm Sơn; vùng bơm điện lấy nước trên triền sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày, sông Bưởi (7.000 - 9.200 ha), tập trung ở Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Thiệu Hóa…

Ông Lê Văn Thủy, GĐ Cty TNHH MTV Thủy nông Sông Chu: “Chắc chắn năm nay hạn hán sẽ rất khốc liệt nhưng với các hồ chứa lớn như Cửa Đạt thì khả năng tưới và đẩy mặn đang đảm bảo”.

Việc bơm tưới ở các khu vực này phải qua 4 khâu nên đòi hỏi nguồn nước tại trạm bơm cống Phủ (Hà Trung) phải đảm bảo thì mới bơm được hết công suất, tuy nhiên cái khó ở vùng này là phụ thuộc việc tỉnh Ninh Bình “cho” nước.

Trường hợp nắng hạn khốc liệt, Ninh Bình đóng cửa âu Bá Văn thì chắc chắn toàn bộ diện tích lúa ở Nga Sơn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực cuối cùng khả năng gặp hạn tập trung ở 110 hồ đập nhỏ mất an toàn (5.000 ha) thuộc các huyện miền núi Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh…

Từ việc sông suối, hồ đập thiếu nước đã kéo theo mặn xâm thực sâu. Theo đó, tháng 11/2014 mặn bắt đầu xuất hiện với các biểu hiện cực đoan. Hiện độ mặn 1/1.000 đo tại Giàng trên sông Mã đã lên 22 km (tính từ cửa biển), cao hơn trung bình nhiều năm 1 - 2 km, dự báo khả năng mặn xâm thực trên sông Mã sẽ tiếp tục lên cao hơn nữa.

Trên sông Lèn đoạn Hậu Lộc, Hà Trung mặn xâm thực lên đến 18 km và đang tiếp tục lấn sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến 2.000 ha lúa của huyện Hậu Lộc.

“Chúng tôi đã giao cho Cty thủy nông vận hành các hồ chứa lớn xả nước thường xuyên, bơm chuyền qua các trạm bơm để đẩy mặn nhưng do mực nước ở các sông suối, hồ đập gần như ở mực nước “chết” nên tình hình thực sự đang rất căng thẳng”, ông Trường nhấn mạnh.

Không chỉ thiếu nước tưới vụ ĐX, theo ông Lê Minh Trường, với tình hình nắng nóng cực đoan như hiện nay mà khoảng tháng 6 - 7 không có lũ tiểu mãn thì chắc chắn vụ HT, mùa sẽ thiếu nước gieo cấy ngay từ đầu vụ. 

Về giải pháp chống hạn, các địa phương đang tập trung là đắp đập tạm trên sông Mã, sông Càn, Cầu Chày, sông Bưởi… và các hệ thống sông nhỏ nhằm tích nước phục vụ các trạm bơm; chỉ đạo các Cty thủy nông lắp trạm bơm dã chiến, vận hành tưới tiết kiệm.

Đồng thời, rà soát lại trang thiết bị tại các trạm bơm, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ địa phương thay máy bơm có cột nước cao để bảo đảm vận hành đúng thiết kế, tận dụng tối đa hiệu quả nguồn nước.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.