| Hotline: 0983.970.780

Bình Định

3 công trình xây dựng trên sông vượt lũ an toàn

Thứ Hai 16/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trong năm 2023, trên địa bàn Bình Định có 3 công trình xây dựng ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông. Tuy nhiên, các công trình trên đã đảm bảo vượt lũ an toàn.

Nỗi lo sạt lở và hồ chứa xuống cấp

Qua khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng Bình Định xác định trong mùa mưa bão năm 2023 trên địa bàn tỉnh này có 37 khu vực nguy cơ sạt lở đất, đá; trong đó, 13 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, 17 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi sạt lở xảy ra.

Trong 13 khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở Bình Định, riêng huyện trung du Hoài Ân có 6 xã có những điểm sạt lở nguy hiểm tại các xã Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Sơn, Ân Hảo Đông, Ân Tường Đông và xã Ân Nghĩa; trong đó, có 4 khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Các huyện miền núi An Lão và Vĩnh Thạnh mỗi huyện có 2 điểm, huyện đồng bằng Phù Cát cũng có 2 khu vực nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, ngay giữa thành phố Quy Nhơn cũng có 3 khu vực nguy cơ sạt lở cao là Núi Một ở khu phố 1 (phường Đống Đa); khu vực Hóc Bà Bếp thuộc tổ 27, khu phố 5 (phường Đống Đa); tổ 49, khu vực 5 (phường Quang Trung).

Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng là nhà tránh trú bão, lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng là nhà tránh trú bão, lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 164 hồ chứa nước với tổng dung tích 682 triệu m3; trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Bình Định quản lý 63 hồ có tổng dung tích chứa 640 triệu m3; Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định quản lý 2 hồ chứa nhỏ và các địa phương quản lý 99 hồ chứa vừa và nhỏ có dung tích 40 triệu m3.

Trong 23 hồ chứa nước đã hư hỏng, xuống cấp, trong năm nay Bình Định đã bố trí vốn sữa chữa, nâng cấp 13 hồ, gồm các hồ: Cây Điều, Đồng Quang, Hóc Hảo, Giàn Tranh, Nha Hố, Đá Bàn, Hải Nam, Hóc Thánh, Chánh Hùng, Đá Vàng, Cây Thích, Suối Cầu, Đập Chùa. Còn lại 10 hồ chưa được sửa chữa gồm các hồ: Hóc Quăn, Lòng Bong, Nam Hương, Bàu Dài, Bàu Năng, Bàu Sen, Hòa Mỹ, Hóc Bông, Hóc Sanh và Thuận An, trong mùa mưa bão năm nay các hồ nói trên được liệt vào danh sách các hồ xung yếu, phải hạn chế tích nước.

“Tại các hồ chứa xung yếu, hạn chế tích nước, trước mùa mưa bão năm 2023, các địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đồng thời đã tháo, mở thông thoáng dòng chảy trước tràn xả lũ”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Bình Định hiện có hệ thống đê, kè sông đã được xây dựng tổng chiều dài gần 346km, tập trung chủ yếu ở các sông lớn như sông Lại Giang, La Tinh, Kôn, Hà Thanh và một số dòng suối chính. Ngoài ra, Bình Định còn có hơn 57km đê kè cửa sông và gần 13km đê kè biển. Trước mùa mưa bão, tại các đoạn đê, kè xung yếu đã được chuẩn bị “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Chính quyền cấp xã ở Bình Định đã kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã từ 60 - 85 người/đội. Ảnh: V.Đ.T.

Chính quyền cấp xã ở Bình Định đã kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã từ 60 - 85 người/đội. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, ngành chức năng ở tỉnh  đã tháo dỡ vật cản, cửa van các đập dâng trên sông; các đường công vụ khai thác cát trên các sông cũng được các doanh nghiệp tiến hành thu dọn để thông thoáng dòng chảy, thuận lợi cho việc tiêu thoát lũ.

Cũng theo ông Chương, trong năm 2023, trên địa bàn Bình Định có 3 công trình xây dựng ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông, đó là dự án đập dâng Phú Phong trên sông Kôn đoạn đi qua huyện Tây Sơn; dự án hệ thống tiêu úng thoát lũ sông Dinh nằm trên địa bàn phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn và dự án đập dâng Hà Thanh 1 nằm trên địa bàn huyện Vân Canh. Hiện nay, các công trình nói trên đã bảo đảm vượt lũ an toàn.

“Trước mùa mưa bão, đơn vị thi công những tuyến đường trên địa bàn tỉnh chủ động tháo đường công vụ, bảo đảm thoát lũ để tránh gây ngập úng. Các địa phương tiếp tục rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, các vị trí đã có giải pháp để xây dựng phương án di dời phù hợp với tình hình thực tế khi có thiên tai xảy ra”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

Để chuẩn bị ứng phó với thiên tai năm 2023, hiện tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Bình Định đã xây dựng hoàn tất phương án. Các địa phương cấp xã cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống tiên tai giai đoạn 2021-2025 và đang xây dựng phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo số liệu trên phần mềm quản lý thiên tai tỉnh Bình Định.

Hiện nay, các địa phương cấp huyện ở Bình Định đã thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chính quyền cấp xã cũng đã kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã từ 60 - 85 người/đội, tổng số thành viên đội xung kích toàn tỉnh Bình Định có 15.403 người. Trong đó, lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, ngoài ra, các xã ven sông có đê còn có lực lượng quản lý đê nhân dân gồm 122 người. Lực lượng tại chỗ này sẽ hỗ trợ sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kiểm tra an toàn đê, kè trước khi bão lũ xảy ra.

Thợ lặn đặc công ở Bình Định sẵn sàng ứng cứu sự cố trong thiên tai. Ảnh: V.Đ.T.

Thợ lặn đặc công ở Bình Định sẵn sàng ứng cứu sự cố trong thiên tai. Ảnh: V.Đ.T.

Xã Phước Thắng là địa phương vùng trũng của huyện Tuy Phước (Bình Định), trong những mùa mưa lũ, Phước Thắng như cái “hũ” đựng nước từ trên nguồn chảy xuống nên triền miên ngập úng, nhiều địa bàn bị nước lũ chia cắt. Do đó, trước những mùa mưa bão, chính quyền xã Phước Thắng vận động bà con chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm để ứng phó.

“Xã Phước Thắng có 9 thôn, mỗi thôn có đội xung kích 10 người luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con khi có thiên tai xảy ra. Lực lượng này là cánh tay nối dài của chính quyền xã trong công tác ứng phó với thiên tai trong những mùa mưa bão”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho hay.

Hiện các địa phương ở Bình Định đã lập danh sách hàng ngàn chiếc xe ô tô khách, ô tô tải và các loại máy chuyên dùng trong xây dựng công trình, của các doanh nghiệp, trong dân để sẵn sàng huy động, ứng phó khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cũng đã sẵn sàng 160 chiếc tàu, hơn 1.000 xuồng nhôm, thuyền nhôm và ca nô các loại; chuẩn bị hơn 30.000 áo phao và phao tròn cứu sinh, 223 phao bè, 136 máy phát điện để ứng phó trong mùa bão lũ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ bao cát, đá hộc, đá dăm, sỏi, cát, đất, rọ thép để sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra tại các hồ, đập trong mùa mưa bão.

Dự án hệ thống tiêu úng thoát lũ sông Dinh nằm trên địa bàn phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) hiện đã bảo đảm vượt lũ an toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án hệ thống tiêu úng thoát lũ sông Dinh nằm trên địa bàn phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) hiện đã bảo đảm vượt lũ an toàn. Ảnh: V.Đ.T.

“Huyện Tuy Phước thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong những mùa mưa bão, do đó địa phương đã sẵn sàng vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2023, các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, đồ dùng thiết yếu theo hình thức hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn, sẵn sàng cung ứng khi có địa phương bị cô lập do bão lũ. Đồng thời, ngành chức năng huyện cũng đã dự trữ thuốc, hóa chất phòng bệnh, hóa chất khử trùng Cloramin B”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho hay.

“Ngành chức năng Bình Định đã xây dựng phương án sơ tán dân tại chỗ, sơ tán đến các cơ sở công cộng trong xóm. Bên cạnh đó, đã lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến trú ngụ khi có thiên tai xảy ra, chủ yếu là trường học, trụ sở thôn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tôn giáo. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 159 hội trường cấp xã; 159 trạm y tế cấp xã; 848 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn; 573 trường học các cấp và 12 nhà trú, tránh bão, mưa lũ, sẵn sàng để di dời dân đến khi có thiên tai”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất