| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn rùa và thú biển [Bài 1]: 30 năm bảo tồn sinh thái biển, đất ngập nước, rừng Côn Đảo

Thứ Hai 11/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Không chỉ có thảm rừng hùng vĩ, bạt ngàn, Vườn quốc gia Côn Đảo còn có tài nguyên biển phong phú, là cơ hội cho ngành bảo tồn và du lịch sinh thái.

Bãi Cát Lớn - hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi sinh sản của nhiều rùa mẹ trong mùa sinh sản hàng năm. Ảnh: TTXVN.

Bãi Cát Lớn - hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi sinh sản của nhiều rùa mẹ trong mùa sinh sản hàng năm. Ảnh: TTXVN.

Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trọn trên địa phận huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng biển phía Đông Nam nước ta. Đây là một trong số rất ít khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đến nay còn giữ được nét hoang sơ của hệ sinh thái. Cảnh quan thiên nhiên rừng và biển trù phú là yếu tố quan trọng bậc nhất để cho sự phát triển du lịch sinh thái ở đây.

Côn Đảo đã được Tạp chí Lonely Planet bình chọn là “Top 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh”, được Tạp chí Du lịch Travel and Leisure ca ngợi là “một trong những hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh”. Các hòn đảo giống như những cái nấm, hình dạng khác nhau, nằm trên mặt biển mênh mông, mũ nấm chính là thảm rừng xanh, tạo nên một bức tranh thủy mạc của thiên nhiên.

Đặc trưng tài nguyên biển phong phú

Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong số ít Vườn quốc gia vừa có hệ sinh thái rừng, vừa có hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Đa dạng hệ sinh thái là tiền đề cho tính đa dạng loài của sinh vật biển Côn Đảo. Các rạn san hô với mật độ từ vài trăm đến hàng nghìn con trong 100m2, đa dạng về màu sắc và tạo nên bức tranh rực rỡ trong lòng nước.

Đến nay, tổng số loài đã ghi nhận xấp xỉ 1.500 loài, bao gồm hơn 300 loài thực vật biển, 350 loài san hô, 900 loài sinh vật biển. Trong danh mục sinh vật biển Côn Đảo, 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và sẽ nguy cấp được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam và trên 300 loài san hô cứng thuộc danh mục CITES.

Bên cạnh giá trị sinh thái và cảnh quan, sinh vật liên quan rạn san hô và thảm cỏ biển mang lại nguồn lợi thủy sản quan trọng cho vùng biển Côn Đảo. Những năm qua, khai thác thủy sản đã đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho địa phương. Trong đó cá thu và cá bè chang đem loại doanh thu hơn 10 tỷ.

Với hệ sinh thái biển trù phú, Vườn quốc gia Côn Đảo đã vinh dự được công nhận là Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) và thành viên của Mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương - Đông Nam Á (IOSEA). Đặc biệt, trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi ấp và thả về thiên nhiên nhiều Rùa biển nhất Việt Nam.

Nỗ lực bảo tồn rùa và đa dạng sinh học biển

Bảo tồn biển ở Côn Đảo được triển khai từ rất sớm, ngay thời điểm thành lập Vườn quốc gia vào năm 1993, khi lĩnh vực này chỉ mới manh nha và được đề cập trong các nghiên cứu và đề xuất của các nhà khoa học biển Việt Nam.

Ngay từ đầu, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn biển như quản lý khai thác thủy sản, xử lý vi phạm trên biển; nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn đội tuần tra biển; phát triển du lịch sinh thái cho cộng đồng…

Chương trình bảo tồn, phục hồi rùa biển ở Côn Đảo đã được triển khai liên tục cho đến nay thông qua tổ chức bảo vệ, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng; cứu hộ, nghiên cứu đặc tính sinh học của rùa biển; gắn thẻ, theo dõi rùa bằng vệ tinh.

Kinh phí thực hiện chương trình này vận động tài trợ của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là nguồn kinh phí tài trợ từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và đầu tư từ ngân sách địa phương.

Sau 30 năm triển khai, chương trình đã ghi nhận có gần 13.000 cá thể rùa mẹ lên bãi, hơn 3 triệu trứng cứu hộ thành công. Đã ấp nở, di chuyển, thả về biển khoảng 2.5 triệu cá thể rùa con.

Chương trình bảo tồn, phục hồi rùa biển ở Côn Đảo được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đánh giá là chương trình bảo tồn rùa biển đầu tiên và thành công nhất Việt Nam, đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác bảo tồn rùa biển.

Đồi mồi được ghi nhận tại vùng biển Côn Đảo. Ảnh: TTXVN. 

Đồi mồi được ghi nhận tại vùng biển Côn Đảo. Ảnh: TTXVN. 

Năm 2019, Vườn quốc gia Côn Đảo là đại diện duy nhất của Việt Nam được gia nhập Mạng lưới các Khu bảo tồn Rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á (IOSEA), là thành viên thứ 11 của Mạng lưới này.

Ngoài ra, dự án Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo được triển khai từ năm 2018 đến năm 2020 tổng kinh phí 1,45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu của Dự án là phục hồi và quản lý một số rạn san hô cứng tại khu vực với sự tham gia của cộng đồng.

Kết quả dự án đã tổ chức khóa tập huấn phục hồi san hô cho 40 người, trong đó có 10 cán bộ của Vườn quốc gia Côn Đảo và 30 thành viên cộng đồng dân cư huyện Côn Đảo. Đồng thời đã xây dựng thành công quy trình phục hồi trên 6.000 tập đoàn san hô với diện tích 3ha trên nền đáy tự nhiên và rạn nhân tạo tại khu Ramsar.

Dự án triển khai đã phục hồi và tái tạo thêm các rạn san hô, giúp các loài thủy sinh được phục hồi theo, làm tăng sản phẩm du lịch sinh thái tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, gia tăng sản lượng khai thác thủy sản của cộng đồng dân cư, tạo việc làm cho ngư dân có thêm thu nhập.

Mặt khác, dự án đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học, cũng như giảm áp lực khai thác quá mức tài nguyên biển Côn Đảo.

Từ “Rừng cấm” đến “Vườn quốc gia Côn Đảo”

Quyết định số 85/CT ngày 1/3/1984 quy định Khu rừng cấm Côn Đảo thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo nhằm bảo vệ nguyên vạn cảnh quan cho Khu di tích cách mạng Côn Đảo. Ngày 2/6/1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung huyện Côn Đảo thành phạm vi đất rừng đặc dụng Vườn quốc gia Côn Đảo.

Quá trình chuyển đổi “Rừng cấm” đến “Vườn quốc gia Côn Đảo” ngày nay thể hiện quyết tâm cao, xuyên suốt của đơn vị bảo tồn tài nguyên rừng, biển, đất ngập nước, bảo vệ đa dạng sinh học trên đảo. Ngày nay, quản lý Vườn quốc gia tiếp tục góp phần bảo vệ Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, đồng thời làm nền tảng cho phát triển an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội của dân cư trên đảo.

Cứu hộ Dugong, Vườn quốc gia Côn Đảo năm 2007.

Cứu hộ Dugong, Vườn quốc gia Côn Đảo năm 2007.

Từ 2010 đến nay UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quan tâm, đầu tư 19,2 tỷ đồng cho Dự án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Vườn quốc gia Côn Đảo, giúp cán bộ quản lý và chuyên môn nâng cao năng lực, lan tỏa kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Trong những năm qua, cán bộ Vườn quốc gia đã tuyên truyền về Luật Thủy sản cho hơn 200.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, cộng đồng dân cư, khách du lịch, học sinh và ngư dân đánh bắt thủy sản. Nhờ đó mà thiên nhiên Côn Đảo luôn sạch đẹp và an toàn, không có hiện tượng khai thác trái phép, sử dụng công cụ bị cấm, xả rác thải xuống biển…

Trải qua 30 năm, Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện sứ mệnh của một Khu rừng đặc dụng để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý, hiếm của sinh vật rừng và sinh vật biển, bảo tồn di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí.

Lợi thế môi trường và cảnh quan Côn Đảo đang ngày càng được phát huy nhờ có sự chung tay của các cán bộ, nhà khoa học, tổ chức, cộng đồng người dân… Họ cần mẫn vun đắp, dựng xây, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của một Khu rừng đặc dụng giữa biển khơi.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.