| Hotline: 0983.970.780

Phê duyệt đề án bảo tồn sếu đầu đỏ gần 185 tỷ đồng

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:09 (GMT+7)

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032.

Vườn Quốc gia Tràm Chim trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vườn Quốc gia Tràm Chim trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mục tiêu chung của đề án nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trên địa bàn huyện Tam Nông bằng biện pháp nuôi dưỡng và thả lại về tự nhiên.

Theo đó trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu, với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận được 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ việc nuôi và thả về thiên nhiên được hoàn chỉnh để phục vụ cho triển khai cả quy trình.

Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim được phục hồi thông qua việc điều tiết nước hợp lý và áp dụng các biện pháp nghiên cứu phù hợp, nhằm phục vụ môi trường sinh sống sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đề án đưa ra lộ trình đến năm 2028 dự kiến sẽ có khoảng 200 ha lúa ở vùng đệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ được chuyển đổi sang mô hình sản xuất sinh thái, định hướng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng lân cận thuộc huyện Tam Nông. Trong 5 năm đầu có thể cho sếu sinh sản và sống tốt trong điều kiện tự nhiên ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Cải tạo vùng đất cho sếu sinh sống và tìm kiếm thức ăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cải tạo vùng đất cho sếu sinh sống và tìm kiếm thức ăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giai đoạn 2029 - 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, và dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu.

Cùng với đó sẽ xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim. Cán bộ kỹ thuật của Vườn có thể tự chăm sóc sếu đầu đỏ và cho sinh sản, rồi thả về thiên nhiên. Tiếp đó sẽ khuyến khích các hộ nông dân sinh sống ở khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim tham gia (khoảng 10 hộ) vừa làm ruộng kết hợp làm du lịch sinh thái với sếu đầu đỏ.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án bảo tồn sếu đầu đỏ gần 185 tỷ đồng, trong đó gần 56 tỷ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu. Còn về mặt cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh tại Vườn Quốc gia Tràm Chim gần 25 tỷ đồng. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững 36 tỷ đồng và thực hiện công tác truyền thông 17 tỷ đồng; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng gần 52 tỷ đồng.

Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), tỉnh Đồng Tháp sẽ nuôi thả 100 cá thể sếu, với dự kiện tối thiểu còn 50 cá thể sống sót. Ảnh: Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), tỉnh Đồng Tháp sẽ nuôi thả 100 cá thể sếu, với dự kiện tối thiểu còn 50 cá thể sống sót. Ảnh: Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Dự kiến lễ công bố Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã cùng các sở, ban ngành của tỉnh, UBND huyện Tam Nông và Vườn Quốc gia Tràm Chim có chuyến khảo sát về tiến độ thực hiện công tác bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Ông Lê Quốc Phong đề nghị Vườn Quốc gia Tràm Chim khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc tiếp nhận các cá thể sếu đầu đỏ, tham vấn các ý kiến của chuyên gia để có phương án cụ thể về vận chuyển, chăm sóc sếu tại địa phương. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phần việc được giao, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện tổ chức lễ công bố Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim được chỉn chu, bài bản.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa phải) đi khảo sát vùng lúa sinh thái ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa phải) đi khảo sát vùng lúa sinh thái ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu ngành nông nghiệp Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia Tràm Chim giám sát thực hiện hoàn thiện các công trình và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Tam Nông đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo cho việc đi lại thuận lợi tại lễ công bố Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim sắp tới.

Sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim vào năm 1985. Số lượng sếu ghi nhận được ở Tràm Chim có lúc hơn 1.000 cá thể (1.058 cá thể vào năm 1988). Từ đó đến cuối các năm 1990, Tràm Chim luôn là nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mekong. Sự hiện diện của sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày nay. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm dần.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất