Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, nhất là ngăn chặn không để lây lan đến các vùng chăn nuôi trâu, bò trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Trong đó chú trọng tổ chức ngay những biện pháp sau:
1. Đối với các địa phương đang có ổ dịch VDNC trên trâu, bò: Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; hằng ngày, báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho các cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y và chính quyền các cấp.
2. Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan Thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng… tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
3. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trong nước; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép vào Việt Nam.
4. Rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh VDNC tại địa phương, trong đó lưu ý bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm phòng VDNC trên địa bàn, kinh phí công tiêm phòng, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng…; kinh phí tổ chức chủ động lấy mẫu, giám sát lưu hành mầm bệnh, kinh phí tham gia chống dịch, trực chống dịch.
5. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC.
6. Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo các Sở, Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC tại cơ sở; bao gồm cả việc kiểm tra, hướng dẫn công tác xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phù hợp để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh VDNC ở các cấp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Trước đó, theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành Thú y, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, dịch bệnh VDNC trên gia súc lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và đã xảy ra tại 09 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Hà Nam), làm tổng số hơn 1.100 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 140 con chết, buộc phải tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (điển hình như Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bộ trưởng về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò); trong tháng 11/2020, Bộ cũng đã tổ chức 03 Hội nghị để thống nhất, quán triệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nguy cơ dịch lan nhanh ở phạm vi rộng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), Cục Thú y phân tích một số lý do khiến dịch bệnh VDNC có nguy cơ tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng:
- Bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vacxin (mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp, nhưng cần 2-3 tuần nữa mới có vacxin để đánh giá vô trùng, an toàn trước khi hướng dẫn sử dụng rộng rãi);
- Do các véc tơ truyền bệnh (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh,…);
- Tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến;
- Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò các tháng cuối năm gia tăng mạnh;
- Thời tiết thay đổi do mưa, rét ở miền Bắc, miền Trung; lũ lụt tại các tỉnh miền Trung;
- Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Theo Cục Thú y, Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD), còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Virus viêm da nổi cục rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.
Động vật mẫn cảm với virus viêm da nổi cục là trâu, bò. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20%; tỷ lệ chết khoảng 1-5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày.