| Hotline: 0983.970.780

6 tháng đầu năm, cây ăn quả Sơn La đạt giá trị gần 2.500 tỷ đồng

Thứ Tư 03/07/2024 , 19:35 (GMT+7)

Với việc sản xuất chuyên sâu và phát triển chuỗi liên kết, 6 tháng đầu năm 2024, cây ăn quả Sơn La tiêu thụ được gần 190.00 tấn, giá trị đạt gần 2.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 3/7, Ban chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La (Ban chỉ đạo 598) tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo.

Duy trì giá trị và thương hiệu nông sản Sơn La

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Công cho biết nửa đầu năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội toàn tỉnh đều tăng trưởng dương, trong đó các mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra sự đột phá và góp phần nâng cao đời sống ở nông thôn.

“Diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã đạt 83.900ha, trong đó các loại cây ăn quả, cây công nghiệp đều đang hướng tới chất lượng cao, xây dựng các chuỗi liên kết gắn với phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã”, ông Nguyễn Thành Công cho biết.

Với chủ trương tăng cường quản lý đầu vào để đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, thời gian qua, đã có thêm 300 mã số vùng trồng được cấp mới trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo ông Nguyễn Thành Công, sản xuất nông nghiệp Sơn La đang ngày càng phát triển theo chiều sâu, xây dựng được nhiều vùng chuyên canh hiệu quả, được các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao và đến học tập.

Sơn La hiện đã có diện tích cây ăn quả đứng hàng đầu cả nước. Ảnh: NNVN.

Sơn La hiện đã có diện tích cây ăn quả đứng hàng đầu cả nước. Ảnh: NNVN.

Cụ thể, nhiều giống cây ăn quả mới đã được đưa vào sản xuất và bước đầu đem lại hiệu quả như lê, đào, mận, nhãn ánh vàng trái vụ… Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được triển khai đồng đều trên toàn tỉnh.

Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được triển khai đồng bộ, rộng rãi, đơn cử như quả mận Sơn La đã được giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới thông qua các chuyến bay quốc tế. Điều này góp phần giúp mận hậu Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang một số quốc gia như Đức, Pháp, Anh, Slovakia trong năm 2024.

“Điều này đã tạo nên những khí thế mới trong tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng như đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân Sơn La”, ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Công cũng nêu một số tồn tại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, điển hình như việc tổ chức quy mô sản xuất ổn định theo chuỗi còn chưa cao và nếu cải thiện được vấn đề này thì giá trị nông sản sẽ tăng thêm nhiều.

Ngoài ra, bất lợi do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng vào tháng 1 năm 2024 - đúng vào thời điểm sinh trưởng của các trà hoa khiến năm nay tỷ lệ nhãn đậu quả giảm mạnh so với các năm gần đây, dự kiến giảm khoảng 35%. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thành Công cho rằng đây cũng là chu kỳ nghỉ cho cây trồng để đảm bảo dinh dưỡng, không nên quá lo lắng.

Các loại cây ăn quả ở Sơn La tiêu thụ được gần 190.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Các loại cây ăn quả ở Sơn La tiêu thụ được gần 190.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Thời gian tới, Trưởng Ban Chỉ đạo 598 của tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương cùng các ban, ngành phải khắc phục khó khăn, giảm dần phát triển cây ăn quả tự phát, manh mún và có giải pháp xây dựng các vùng trồng tập trung.

“Khi đã tạo ra được giá trị rồi thì phải làm sao để duy trì giá trị và thương hiệu của nông sản Sơn La”, ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.

2.500 tỷ đồng từ cây ăn quả

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 598 tỉnh Sơn La, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh được tiêu thụ khoảng 190.000 tấn, giá trị ước đạt gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, một số cây ăn quả đã thu hoạch xong như dâu tây, mận và đang vào vụ thu hoạch chính như xoài, chuối, chanh leo…

Về giá trị cụ thể, dâu tây đạt giá trị hơn 502 tỷ đồng, mận đạt hơn 1.305 tỷ đồng, nhãn đạt hơn 27 tỷ đồng, chuối đạt hơn 127 tỷ đồng và xoài khoảng hơn 434 tỷ đồng. Trổng giá trị xuất khẩu cây ăn quả đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng, tương đương hơn 12.000 tấn hoa quả các loại.

Ngoài cây ăn quả, một số nông sản khác của tỉnh cũng có giá trị xuất khẩu cao như cà phế đạt 53,9 triệu USD, chè 10,2 triệu USD và các sản phẩm từ sắn đạt giá trị 22,2 triệu USD.

Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La, dự báo tổng sản lượng cây ăn quả và sơn tra của Sơn La năm 2024 sẽ giảm khoảng 16% so với năm 2023, tương đương hơn 71.000 tấn.

Cây ăn quả đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân Sơn La. Ảnh: NNVN.

Cây ăn quả đã và đang góp phần thay đổi diện mạo đời sống của người dân Sơn La. Ảnh: NNVN.

Những nguyên nhân gây ra vấn đề này được ông Huệ cho rằng gồm khó khăn về thời tiết; các cơ sở thu mua còn nhỏ lẻ, năng lực hạn chế; vùng sản xuất còn phân tán; nguồn vốn của nhân dân còn hạn chế trong bối cảnh chi phí đầu tư ban đầu cao.

Trong bối cảnh đó, ông Hà Như Huệ đề xuất thời gian tới, cần tập trung quyết liệt cho công tác bảo vệ vùng canh tác nông sản nguyên liệu, nhất là cây ăn quả. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến để nông dân yên tâm sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo và nắm bắt thị trường thông qua các sự kiện, hội chợ và các đầu mối thương vụ tại nước ngoài.

Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La cũng kiến nghị điều chỉnh cơ cấu và thời vụ sản xuất, cùng với đó là theo dõi, phân tích thị trường hiệu quả để có điều chỉnh phù hợp. Ông Huệ cũng mong muốn tỉnh quan tâm, chỉ đạo để hình thành thêm các chuỗi liên kết sản xuất cũng như đưa các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...