| Hotline: 0983.970.780

Sơn La thực hiện mục tiêu ‘lấy rừng để nuôi rừng’

Thứ Sáu 07/06/2024 , 16:57 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Sơn La thực hiện thu chi dịch vụ môi trường rừng công khai, minh bạch và kiên trì thực hiện mục tiêu ‘lấy rừng để nuôi rừng’.

Từ 10 mô hình điểm, đến nay, Sơn La có 1.073 chủ rừng là cộng đồng thôn bản thực hiện xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch giao. Ảnh: Quang Dũng.

Từ 10 mô hình điểm, đến nay, Sơn La có 1.073 chủ rừng là cộng đồng thôn bản thực hiện xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch giao. Ảnh: Quang Dũng.

Hơn 1.000 chủ rừng là cộng đồng thôn, bản

Ngày 8/6/2009, tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1535 về thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La. Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Quỹ đã luôn làm tốt công tác thu, chi đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nếu như năm 2010, thu dịch vụ môi trường rừng chỉ đạt trên 115 tỷ, thì đến năm năm 2023 đã tăng lên 224 tỷ đồng, xếp thứ 5 toàn quốc. Tổng thu 15 năm đạt 2.262 tỷ đồng, trung bình mỗi năm trên 150 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2019-2023 đạt bình quân 235 tỷ đồng/năm.

Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng tăng dần qua từng năm. Theo đó, năm 2009 đơn giá chi trả bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 100.000 đồng/ha/năm, nhưng đến năm 2023 đã lên 360.000 đồng/ha/năm, tăng gấp hơn 3 lần. Đặc biệt, có lưu vực nhỏ mức chi lên đến 2 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 20 lần. Tổng số tiền chi trả trong giai đoạn 2009-2024 đạt 2.065 tỷ đồng.

“Đây là nguồn lực quan trọng để Sơn La nâng độ che phủ lên 47,5% cao hơn bình quân cả nước 5,48%. Song song với đó, Sơn La cũng đẩy mạnh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt, đến nay đã có 39.700 chủ rừng được thanh toán qua tài khoản, chiếm tỷ lệ 96,8% tổng số chủ rừng; số tiền chi trả qua không dùng tiền mặt đạt 99,43%”, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết.

Thực hiện kế hoạch số 273 của UBND tỉnh về xây dựng, nhân rộng mô hình Quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch môi trường rừng tại thôn, bản. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tại các thôn, bản tự nguyện tham gia xây dựng dự thảo quy chế, đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và các nguyên tắc thực hiện. Từ 10 mô hình điểm, đến nay, Sơn La có 1.073 chủ rừng là cộng đồng thôn bản thực hiện xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch giao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị Sơn La cũng như các địa phương có thế mạnh về rừng kiên trì thực hiện mục tiêu 'lấy rừng để nuôi rừng'. Ảnh: Quang Dũng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị Sơn La cũng như các địa phương có thế mạnh về rừng kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy rừng để nuôi rừng". Ảnh: Quang Dũng.

Lấy rừng để nuôi rừng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị nhận định, những con số tăng trưởng về diện tích cũng như độ che phủ rừng của Sơn La trong 15 năm qua rất đáng tự hào. Bên cạnh đó, phương thức khai thác, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của Sơn La cũng đang đạt hiệu quả cao. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế các hộ gia đình, cộng đồng, xã hội và là bàn đạp để phát triển cho các ngành khác trên địa bàn tỉnh Sơn La.

“Để rừng của chúng ta xanh tươi và cân bằng được hệ sinh thái như ngày hôm nay thì đóng góp của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là tương đối lớn. Từ chỗ không thu được đồng nào từ tài nguyên rừng thì đến nay, Sơn La đã thu được khoảng 3.000 tỷ đồng. Với con số này, chúng ta có thể khẳng định Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La chính là “máy in tiền” mà phôi là từ những cái lá, những dịch vụ hoạt động môi trường rừng. Góp phần phát triển màu xanh của địa phương và đóng góp chung vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng muốn hoạt động hiệu quả và bền vững thì phải thực hiện thu, chi một cách công khai, minh bạch. Trong đó, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt chính là một trong những giải pháp rất hiệu quả đang được triển khai tại Sơn La và một số tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đề nghị Sơn La kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy rừng để nuôi rừng". Đồng thời kêu gọi mọi người hãy đi rừng và để núi rừng thể hiện qua các dịch vụ môi trường. Trong đó có một dịch vụ rất quan trọng, đó là dịch vụ hấp thụ cacbon”.

Đây là dịch vụ xuyên biên giới và rừng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa. Do đó, Sơn La cũng như các địa phương có thế mạnh về rừng cần tiến hành điều tra, đánh giá và xác định rõ chất lượng rừng. Từ đó làm cơ sở quan trọng để tiến hành giao dịch ngay sau khi có quy định pháp luật cụ thể về vấn đề tín chỉ cacbon.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất