| Hotline: 0983.970.780

60 triệu tấn chất thải chăn nuôi mỗi năm chưa được khai thác hiệu quả

Thứ Hai 10/07/2023 , 15:26 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, trên 60 triệu tấn chất thải chăn nuôi mỗi năm hiện vẫn chưa được chúng ta khai thác hiệu quả và hợp lý.

Hội thảo phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường diễn ra sáng 10-7 tại Viện Chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Hội thảo phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường diễn ra sáng 10-7 tại Viện Chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thắm.

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Viện Chăn nuôi phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Theo Cục Chăn nuôi, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hàng năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường một lượng lớn chất thải. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có trung bình trên 60 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải xử lý, tái sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Trong số 61 triệu tấn phân thải ra từ các vật nuôi chính, 40% là từ bò, 34% từ lợn, 21% từ trâu và 6% từ gia cầm. Trong số 304 triệu m3 nước thải, trên 84% từ chăn nuôi lợn. Một phần trong số đó được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo hoặc là nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, một phần lớn hơn được thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi nước ta giữ vững tăng trưởng trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Muốn phát triển bền vững không thể không áp dụng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi tuần hoàn là xu thế tất yếu. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi tuần hoàn là xu thế tất yếu. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (Viện Chính sách Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, trong chăn nuôi, nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ chăn nuôi tới môi trường, nhiều mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn đã được ứng dụng, như: Vườn - ao - chuồng; Chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Ferlitizer: Trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón); Vòng tuần hoàn xanh hay mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn,...

Các mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để tăng giá trị, giảm phát sinh phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi như: Mô hình khí sinh học biogas, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, mô hình sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi côn trùng như giun quế, ruồi lính đen…

“Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26 về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”, ông Phong chia sẻ.

Theo của ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, đến thời điểm này, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào năng suất, sản lượng theo tư duy tuyến tính, chưa đặt cao yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện môi trường, chưa quan tâm dư thừa của quá trình sản xuất… Hệ quả là tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi phổ biến, thậm chí gây ô nhiễm môi trường.

Ông Thắng cho rằng, phát triển chăn nuôi tuần hoàn là xu thế tất yếu, tuy nhiên vì đây là mô hình phát triển mới, có tính liên kết rộng, có sự tham gia của nhiều đối tượng, đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm rất cao của chính quyền các cấp, cần những con người thực sự có trách nhiệm, có khát vọng với sự phát triển của địa phương, cần cả những con người dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng cùng ăn, cùng làm với người dân.

“Những doanh nghiệp và người dân đi đầu trong quá trình này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là lúc cần sự hậu thuẫn, chia sẻ và chung tay của chính quyền địa phương. Có như vậy mục tiêu phát triển chăn nuôi nói chung, đại gia súc nói riêng trên nền tảng kinh tế tuần hoàn mới có thể thực hiện được”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, mỗi năm nước ta vẫn còn trên 60 triệu tấn chất thải chăn nuôi, theo đó muốn phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, mà còn giảm tác động với môi trường, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu… tất yếu phải đi theo hướng chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, hữu cơ.

Xem thêm
Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Kỹ thuật rải vụ thu hoạch quả trên cây nhãn Hưng Yên

Để xử lý rải vụ quả trên cây nhãn, cần nắm vững đặc tính nông sinh học của giống, diễn biến thời tiết trong năm để tác động đạt kết quả tốt

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất